CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG) - Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ vụ xung đột nhãn hiệu nổi tiếng giữa TikTok và Tiki tại Singapore để bảo vệ nhãn hiệu của mình một cách hiệu quả.
Facebook, Tiktok và loạt ông lớn công nghệ nộp thuế hơn 6.200 tỉ đồng trong 8 thángTikTok đang định hình lại cách tiếp thị sách?Nhãn hiệu nổi tiếng không đăng ký vẫn hưởng quyền
Vào cuối tháng 6-2024, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS) đã đưa ra quyết định liên quan đến vụ xung đột nhãn hiệu giữa Bytedance Ltd (Bytedance), công ty mẹ của TikTok và Dol Technology Pte Ltd (Dol Technology), công ty sở hữu Tiki - một nền tảng video ngắn khác.
Bytedance yêu cầu IPOS từ chối bảo hộ đơn đăng ký nhãn hiệu của Dol Technology nộp vào năm 2021 vì cho rằng nhãn hiệu này quá giống với các nhãn hiệu chữ “TikTok” (nhãn chữ) và hình (nhãn hình) nổi tiếng tại Singapore của TikTok và dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Trong quyết định Bytedance Ltd v Dol Technology Pte Ltd [2024] SGIPOS, IPOS công nhận rằng nhãn chữ “TikTok” đáp ứng các tiêu chí để được coi là nhãn hiệu nổi tiếng, được nhiều người tại Singapore biết đến nhờ vào sự phổ biến trên truyền thông, số lượng tải về và sử dụng cao, cùng nhiều giải thưởng. Riêng nhãn hình của TikTok dù nổi tiếng nhưng không đạt được mức độ nhận biết cao tương tự.
Dù công nhận nhãn hiệu TikTok nổi tiếng, IPOS đã bác bỏ yêu cầu của Bytedance. Đơn vị này cho rằng “Tiki” không giống “TikTok” đến mức gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Vụ việc này làm nổi bật các yêu cầu nghiêm ngặt và tầm quan trọng của bằng chứng thuyết phục để một nhãn hiệu được coi là nổi tiếng.
Để nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng ở Việt Nam
Phải đến khi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005 ra đời, nhãn hiệu nổi tiếng mới được “định hình” rõ nét. Luật này đưa ra định nghĩa, tiêu chí xác định, căn cứ xác lập quyền, từ chối bảo hộ các dấu hiệu trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng và thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.
Nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được hưởng quyền lợi trong hai khía cạnh chính gồm ngăn chặn việc bảo hộ nhãn hiệu mới của bên thứ ba và chống lại hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Ở phiên bản Luật SHTT mới sửa đổi năm 2022, nhãn hiệu nổi tiếng được định nghĩa là nhãn hiệu được nhiều người biết đến rộng rãi tại Việt Nam. Quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, miễn là nhãn hiệu đã được sử dụng rộng rãi và đạt tiêu chí quy định.
Luật SHTT nêu rõ tám tiêu chí rõ ràng để đánh giá một nhãn hiệu có phải là nổi tiếng hay không. Chủ nhãn hiệu và cơ quan chức năng có thể chọn một, một số hoặc toàn bộ các tiêu chí này để đánh giá, bao gồm (i) số lượng người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu qua việc mua bán, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc qua quảng cáo; (ii) phạm vi khu vực mà sản phẩm hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đã được phân phối và sử dụng; (iii) doanh thu từ việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu, hoặc số lượng sản phẩm đã được bán và dịch vụ đã được cung cấp; (iv) thời gian nhãn hiệu đã được sử dụng liên tục; (v) uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; (vi) số lượng quốc gia đã bảo hộ nhãn hiệu; (vii) số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng; (viii) giá trị nhãn hiệu qua các giao dịch mua bán, cho thuê, hoặc giá trị đầu tư.
Nhằm chứng minh các tiêu chí nêu trên, văn bản hướng dẫn Luật SHTT liệt kê các tài liệu sau đây người viết tạm phân loại thành bốn nhóm để dễ theo dõi:
Thứ nhất, phạm vi và mức độ sử dụng nhãn hiệu, thể hiện qua (i) phạm vi, quy mô, mức độ, tính liên tục của việc sử dụng nhãn hiệu, trong đó có thuyết minh về nguồn gốc, lịch sử, thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; (ii) số lượng quốc gia nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc được thừa nhận là nhãn hiệu nổi tiếng; (iii) danh mục các loại hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; (iv) phạm vi lãnh thổ mà nhãn hiệu được lưu hành, doanh số bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ; và (v) số lượng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được sản xuất, tiêu thụ.
Thứ hai, giá trị và khoản đầu tư vào nhãn hiệu, có thể gồm (i) giá trị tài sản của nhãn hiệu, giá chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu; (ii) đầu tư, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị nhãn hiệu, kể cả cho việc tham gia các cuộc triển lãm quốc gia và quốc tế.
Thứ ba, sự công nhận nhãn hiệu, thể hiện qua (i) số liệu khảo sát người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thông qua mua bán, sử dụng và quảng cáo, tiếp thị; (ii) xếp hạng, đánh giá uy tín nhãn hiệu của tổ chức quốc gia, quốc tế, phương tiện thông tin đại chúng; (iii) giải thưởng, huy chương mà nhãn hiệu đã đạt được; (iv) kết quả giám định của tổ chức giám định về SHTT.
Cuối cùng, các chủ sở hữu có thể dựa vào thực tiễn bảo vệ nhãn hiệu, gồm các vụ việc xâm phạm, tranh chấp và các quyết định, phán quyết của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền liên quan.
Dễ nhận ra có nhiều điểm tương đồng giữa pháp luật Việt Nam và các quy định mà IPOS phân tích trong Bytedance Ltd v Dol Technology Pte Ltd [2024] SGIPOS. Quy định này như “kim chỉ nam” giúp định hướng cho các nhãn hiệu khi chứng minh quyền sở hữu và sự nổi tiếng.
Tại Việt Nam, nhãn hiệu nổi tiếng có thể được công nhận thông qua quyết định của Cục SHTT hoặc bản án của tòa án và được Cục SHTT ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng để làm thông tin tham khảo cho việc xác lập và bảo vệ quyền SHTT.
Chủ nhãn hiệu nổi tiếng được hưởng những quyền lợi nào?
Khi nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng, chủ nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được hưởng các quyền lợi hợp pháp trong hai khía cạnh chính gồm ngăn chặn việc bảo hộ nhãn hiệu mới của bên thứ ba và chống lại hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Khi một nhãn hiệu mới chứa dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức có thể gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng đã tồn tại trước đó, nhãn hiệu mới này có thể bị từ chối. Dù sản phẩm hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu mới không giống hệt với các sản phẩm hoặc dịch vụ của nhãn hiệu nổi tiếng, việc sử dụng nhãn hiệu mới vẫn có thể làm giảm giá trị hoặc tổn hại đến danh tiếng của nhãn hiệu nổi tiếng.
Tại Việt Nam, Công ty Reynolds Tobacco từng thành công trong việc yêu cầu Cục SHTT hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “CAMEL” đã cấp cho Công ty Việt Cường. Mặc dù “CAMEL” của Reynolds được dùng cho sản phẩm thuốc lá còn nhãn hiệu của Việt Cường liên quan đến lốp xe, Cục SHTT đã chấp nhận với lập luận của Reynolds vì cho rằng nhãn hiệu “CAMEL” đạt được sự nổi tiếng toàn cầu và việc sử dụng nhãn hiệu này ở Việt Nam có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó, nếu ai đó sử dụng một dấu hiệu trùng hoặc tương tự, dù cho sản phẩm hoặc dịch vụ của họ không liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, đây vẫn có thể được coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Việc sử dụng dấu hiệu có thể khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm hoặc nghĩ sai rằng có mối liên hệ giữa người dùng dấu hiệu đó và chủ nhãn hiệu nổi tiếng. Chủ nhãn hiệu nổi tiếng có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi này và áp dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ uy tín cho nhãn hiệu của mình.
Interbrand Group từng kiện Interbrand JSC tại Việt Nam về hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Mặc dù chưa đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, Interbrand Group vẫn khẳng định nhãn hiệu “INTERBRAND” của mình là nổi tiếng. Tòa án đã tham khảo ý kiến của Cục SHTT. Sau khi cục này xác nhận danh tiếng của nhãn hiệu “INTERBRAND”, phán quyết cuối cùng nghiêng về phía Interbrand Group.