CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cơ hội hấp dẫn cho công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ tập đoàn thiết kế chip hàng đầu thế giới NVIDIA

Invest Global 09:31 17/12/2024

Tập đoàn NVIDIA cũng cam kết sẽ dịch chuyển các nhà máy trong chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam với giá trị đầu tư của các nhà máy này lên tới nhiều tỷ USD.

Cơ hội hấp dẫn cho công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ tập đoàn thiết kế chip hàng đầu thế giới NVIDIA - Ảnh 1.Người lao động sản xuất trong nhà máy phục vụ cho chuỗi sản xuất có ứng dụng chip bán dẫn tại phía Bắc Việt Nam. Ảnh: GIA ĐOÀN

Tính đến đầu tháng 12/2024, Việt Nam đã thu hút được 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Nhưng theo các chuyên gia, với sự xuất hiện của Tập đoàn NVIDIA - nhà thiết kế chip hàng đầu thế giới - sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, bởi Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của các dự án công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), với lượng vốn đầu tư nhiều tỷ USD.

Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của một số chuyên gia xung quanh cơ hội này.

Ông Võ Xuân Hoài (Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia): Hợp tác với NVIDIA sẽ không dừng ở sản xuất chip bán dẫn

Sau khi thiết lập Trung tâm R&D về AI của NVIDIA tại Việt Nam, thời gian đầu sẽ có khoảng 130 nhân viên. NVIDIA đầu tư Trung tâm R&D về AI tại Việt Nam là đầu tư phần lõi hệ sinh thái, điều này sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp cung cấp các thiết bị AI data center sẽ vào theo.

Trung tâm này sẽ như một thỏi nam châm thu hút các vệ tinh xung quanh đến đầu tư, ví dụ như Supermicro. Một điểm đáng chú ý nữa là khi đầu tư vào Việt Nam, NVIDIA không làm từ đầu mà chọn cách bỏ tiền ra mua lại một start-up (Công ty VinBrain) làm cơ sở để lập Trung tâm R&D về AI của NVIDIA tại Việt Nam. Điều này cho thấy NVIDIA đã có những đánh giá rất chắc chắn về tiềm năng đầu tư, mang lại giá trị lớn cho cả NVIDIA và Việt Nam.

NVIDIA là tập đoàn thiết kế, sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới hiện nay. Xuất phát từ thế mạnh ứng dụng chip do NVIDIA sản xuất được ứng dụng phổ biến trong công nghệ AI nên hai bên đã chọn hợp tác thành lập Trung tâm R&D về AI của NVIDIA tại Việt Nam và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Sự hợp tác này không dừng ở việc sản xuất chip bán dẫn mà đi sâu vào ngành công nghệ với ứng dụng AI, trong đó có thể ứng dụng AI phát triển chip và ngược lại tạo ra những con chip phục vụ AI.

Ông Nguyễn Văn Toàn (chuyên gia về FDI): Mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

NVIDIA lập Trung tâm R&D về AI và dịch chuyển dần chuỗi cung ứng sản xuất chip sang Việt Nam là một tín hiệu tốt cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Nhưng nếu NVIDIA dịch chuyển một nhà máy sản xuất chip bán dẫn khoảng 4 tỷ USD vào Việt Nam cũng không phải lớn vì trung bình vốn đầu tư một nhà máy sản xuất chip bán dẫn sẽ từ 15 - 20 tỷ USD.

Nhưng nếu NVIDIA dịch chuyển một nhà máy đóng gói, kiểm thử trong hệ sinh thái của tập đoàn này đến Việt Nam thời gian tới, vốn đầu tư ít hơn, chỉ vài tỉ USD, thậm chí vài trăm triệu USD. Các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư vào Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào khâu đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn.

Chúng ta chưa có nhiều vốn nên rất khó làm nhà máy sản xuất chất bán dẫn, vì vậy trước mắt có thể tham gia vào khâu thiết kế chip. Khâu này đòi hỏi lớn nhất là chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta có thể đáp ứng được.

Chính phủ đang giao cho các bộ, ngành đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, các trường đại học đã nhận được chỉ tiêu đào tạo rồi, nếu làm được sẽ rất tốt. Yếu tố thuận lợi khi tham gia khâu thiết kế chip bán dẫn là giá trị gia tăng cao, trong khi chúng ta không cần bỏ quá nhiều tiền để đào tạo.

Tất nhiên trong bối cảnh hiện nay Việt Nam không làm một mình được mà phải dựa vào các tập đoàn công nghệ hàng đầu như NVIDIA, Samsung. Giá trị khâu thiết kế mang lại chiếm 50-60% giá thành chip bán dẫn. Còn khâu đóng gói chip chỉ chiếm 6-7% giá trị con chip.

Thực tế đầu tư một nhà máy sản xuất chip bán dẫn tốn từ hàng chục tỉ USD, trong khi tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam những năm gần đây chỉ đạt khoảng 30 tỉ USD, nên chúng ta đã chọn những khâu phù hợp trong hệ sinh thái chip bán dẫn để tham gia.

GS.TSKH Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - VAFIE): Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp bán dẫn, AI

Không chỉ có NVIDIA mà đang có một làn sóng đầu tư FDI vào công nghiệp bán dẫn, AI, blockchain và các ngành công nghệ tương lai khác. Làn sóng này đã bắt đầu từ năm 2023 khi có hàng loạt tập đoàn FDI lớn tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.

Năm 2023 cũng đánh dấu một cột mốc về chính trị - ngoại giao, nâng tầm vị thế Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ và hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hướng tới sự hợp tác cùng phát triển.

Về kinh tế, đây là thời kỳ mà Việt Nam tăng tốc và Mỹ cũng cần Việt Nam để thực hiện các chiến lược phát triển của Mỹ và các tập đoàn Mỹ. Trong đó hai ngành mà Mỹ và Việt Nam đều coi trọng là bán dẫn và AI. Vì vậy hợp tác bán dẫn và AI sẽ là hợp tác kinh tế đặc biệt quan trọng của hai nước.

Mỹ sẽ dành cho Việt Nam những điều kiện cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn và AI nhằm tận dụng môi trường đầu tư thuận lợi, tận dụng tài nguyên đất hiếm đứng thứ hai thế giới đủ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu, góp phần thay đổi tình trạng độc quyền đất hiếm hiện nay.

Trong năm 2023 Mỹ cũng đã công bố viện trợ 500 triệu USD cho các nước hợp tác với Mỹ để phát triển công nghiệp bán dẫn, trong đó khoảng 15% dành cho Việt Nam. Theo Bộ KH&ĐT, có khoảng 13 dự án đầu tư bán dẫn quy mô 3-4 tỉ USD đang đàm phán đầu tư vào Việt Nam, các dự án này sẽ được cấp phép vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG (Bộ trưởng Bộ KH&ĐT):

Việt Nam trở thành điểm đến của công nghệ bán dẫn, AIĐối với tập đoàn công nghệ số 1 thế giới là NVIDIA, Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT phối hợp với cơ quan liên quan thành lập hai tổ bao gồm Tổ công tác triển khai hợp tác và Tổ đàm phán với NVIDIA.

Hai tổ công tác đã trao đổi, làm việc với Tập đoàn NVIDIA để thu hút đầu tư, cụ thể hóa phương án hợp tác và đã đạt được nhiều kết quả đột phá, đem lại tiếng vang lớn và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và AI.

Đến nay, Chính phủ và Tập đoàn NVIDIA đã ký thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về AI của NVIDIA tại Việt Nam và Trung tâm dữ liệu AI ở Việt Nam.

Thỏa thuận là "cú hích" quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam, đồng thời thu hút và giữ chân được nhiều nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn và AI.

Ngay sau khi ký kết thỏa thuận với Chính phủ, NVIDIA đã triển khai ngay các công việc liên quan như tuyển người, kiện toàn bộ máy lãnh đạo và củng cố, thu hút nhân tài trong và ngoài nước về làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về AI.

Kỳ vọng sẽ có hàng chục tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt NamNgày 16/12, một nguồn tin từ Bộ KH&ĐT cho biết NVIDIA không trực tiếp sản xuất, kiểm thử, đóng gói chip bán dẫn mà chỉ thiết kế các loại chip tiên tiến, hiện đại. Theo vị này, trong bốn khâu của chuỗi cung ứng, sản xuất chip bán dẫn (gồm thiết kế, sản xuất, kiểm thử và đóng gói), NVIDIA đứng đầu chuỗi và thực hiện khâu thiết kế chip.

Đây là khâu có giá trị cao nhất, còn lại các khâu sản xuất, kiểm thử, đóng gói chip được giao cho các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái bán dẫn của NVIDIA thực hiện. Cũng theo nguồn tin này, nếu các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và sản xuất chip của NVIDIA dịch chuyển đến Việt Nam như cam kết thì sẽ có hàng chục tỉ USD vốn FDI rót vào Việt Nam trong thời gian tới.

(Theo Tuổi Trẻ)