CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cơ hội phục hồi của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng

Invest Global 17:15 06/10/2021

(TBTCVN) - Theo các chuyên gia, với mục tiêu tháo dỡ dần các khó khăn của ngành du lịch, Việt Nam có kế hoạch mở cửa trở lại thành phố đảo Phú Quốc đối với thị trường khách du lịch quốc tế từ tháng 10 năm 2021 theo chương trình thí điểm kéo dài 6 tháng.

Việc mở của đón khách du lịch quốc tế được kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi bất động sản nghỉ dưỡng.

Đây được kỳ vọng là cơ hội cho sự phục hồi của ngành du lịch cũng như phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Rơi vào trạng thái “ngủ đông”

Thị trường khách sạn tại Việt Nam cũng giống như tất cả các thị trường trên toàn cầu, đều chịu những tổn thất nặng nề trong thời gian qua. Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sau năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “ảm đạm”, cả năm mới tiêu thụ chỉ được khoảng 120 sản phẩm. Trong những tháng đầu năm 2021, sức cầu chung của thị trường tiếp tục thấp. Trừ một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỉ lệ hấp thụ khoảng 30-40%, các dự án còn lại, có giao dịch nhưng không đáng kể. Ngoài tác động của dịch bệnh còn có những vướng mắc về pháp lý chưa thực sự được tháo gỡ khiến thị trường bất động sản du lịch thiếu sức hút đầu tư.

Còn báo cáo mới đây của DKRA cho thấy, ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng như biệt thự biển, condotel tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đã có dấu hiệu sụt giảm mạnh về cung - cầu. Cụ thể, đối với biệt thự biển, trong tháng 8/2021, ghi nhận có 2 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 47 căn, bằng 26% so với tháng trước (179 căn). Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 6% (tương đương 3 căn), bằng 14% so với tháng 7/2021 (21 căn).

Các quốc gia dần mở cửa đón khách du lịch

Từ tháng 6 năm 2021, Pháp mở cửa trở lại cho khách du lịch từ một số nước dựa theo tốc độ tiêm chủng và tình hình kiểm soát dịch bệnh tại quốc gia đó. Ý cũng đã mở cửa và không yêu cầu áp dụng cách ly đối với du khách đến từ một số nước như Mỹ, Canada và Nhật Bản. Ngành Du lịch Tây Ban Nha cũng đang mong đợi một sự phục hồi tốt hơn sau khi nới lỏng các yêu cầu kiểm soát đối với khách du lịch từ Anh và cũng đã mở cửa biên giới cho du khách đến từ Mỹ.

 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nguồn cung mới và sức cầu thị trường sụt giảm mạnh, ghi nhận mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Nguồn cung mới tập trung cục bộ ở hai địa phương Khánh Hòa và Phú Yên. Dù vậy, hiện nay nhiều dự án đang trong giai đoạn truyền thông chuẩn bị, dự kiến trong những tháng cuối năm nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung và sức cầu sẽ có sự hồi phục nhất định và tập trung chủ yếu ở khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận.

Đối với condotel, sau những tín hiệu hồi phục tích cực vào giai đoạn đầu năm, phân khúc này đã tiếp tục rơi vào trạng thái “ngủ đông” khi hai tháng liên tiếp không ghi nhận nguồn cung mới được đưa ra thị trường. Theo nhận định của DKRA, đây là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19, dẫn đến sức cầu chung toàn thị trường ở mức rất thấp. Hiện nay, nhiều dự án đang trong giai đoạn truyền thông. Dự kiến nếu tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát, nguồn cung condotel có thể dần hồi phục, tuy nhiên khó có sự đột phá về sức cầu của thị trường.

Trong khi đó vẫn có một số chủ đầu tư tiếp tục các hoạt động nghiên cứu khả thi và phát triển dự án, thậm chí còn “tăng tốc” hơn để có thể đi tiên phong và đón đầu các cơ hội sau đại dịch. Chia sẻ thêm về khía cạnh này, đại diện cấp cao của chuỗi khách sạn Wink Hotels vẫn đánh giá cao về tiềm năng du lịch Việt Nam trong trung và dài hạn, do đó họ vẫn đang triển khai hoạt động thi công dự án tại các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ với tổng cộng khoảng 2.000 phòng. Với đối tượng khách hàng mục tiêu là nhóm du khách năng động, yêu thích trải nghiệm xu hướng mới, chuỗi khách sạn này cũng chú trọng đến các yếu tố công nghệ trong hoạt động vận hành.

Khởi đầu hy vọng cho hành trình phục hồi

Theo kế hoạch thí điểm, Phú Quốc dự kiến sẽ đón khách quốc tế theo mô hình “du lịch khép kín” với thị trường mục tiêu là nhóm du khách đến từ châu Âu, Hoa Kỳ, Đông Bắc Á, Úc và Trung Đông. Việc mở cửa du lịch tại Phú Quốc đang được kỳ vọng sẽ là giải pháp làm “thức tỉnh” ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng.

Ông Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels đánh giá đây là một đề xuất cần thiết nhằm hỗ trợ quá trình khôi phục của ngành du lịch Việt Nam. Điều này cũng cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng tái khởi động sau hơn một năm ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang từng bước tìm hướng nới lỏng phù hợp, bao gồm việc dần nối lại các hoạt động du lịch như Thái Lan, Indonesia.

Bên cạnh đó, ông Mauro cũng cho rằng, vấn đề cần quan tâm là khả năng thu hút khách du lịch khi Việt Nam vốn được biết đến là một đất nước giàu trải nghiệm về văn hóa với đa dạng các điểm đến du lịch nổi tiếng, tuy nhiên việc áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” hiện vẫn còn nhiều hạn chế về mặt di chuyển và việc chỉ cho phép đến một địa điểm nhất định cũng sẽ hạn chế khả năng thu hút khách du lịch.

Còn ông Ngô Văn - Giám đốc Marketing Tập đoàn Danh Khôi cho rằng, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, bất động sản ven biển sẽ là phân khúc tiềm năng với tất cả các khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng "cá mập" từ các nước lân cận và Việt Nam là một trong những thị trường tốt nhất Đông Nam Á đón những "cá mập" đó. Nhà đầu tư sẵn sàng tìm kiếm được những bất động sản đang có giá tốt, có khả năng thương thảo với ngân hàng và chủ đầu tư tiềm năng, mang về lợi nhuận lớn hơn.

Khách sạn có cơ hội “hồi sinh” từ dịch vụ cách ly y tế

Dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, xu hướng chuyển đổi thành cơ sở cách ly đang trở thành "phao cứu sinh" cho nhóm doanh nghiệp này. Trước khi đại dịch diễn ra, tỉ lệ phòng lấp đầy trung bình ở các khách sạn 3 đến 5 sao tại Hà Nội thường xuyên đạt mức 74%, cao nhất trong 10 năm vừa qua với giá phòng trung bình đạt 113 USD/phòng/đêm. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, với những tác động của đợt dịch thứ 4, những quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, tỷ lệ lấp đầy trong quý II/2021 chỉ đạt 18% với giá phòng trung bình là 69 USD/phòng/đêm.

Theo khảo sát của Savill, hiện nay có khoảng 10% số lượng các khách sạn trên thị trường được chuyển đổi thành các cơ sở cách ly và con số này có thể tăng lên trong thời gian sắp tới, để đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc cách ly và hỗ trợ chống dịch.

Tại Hà Nội, hiện đang có khoảng 20 khách sạn chuyển đổi theo mô hình này, tương đương khoảng 1.600 phòng. Còn ở Đà Nẵng là khoảng 34 khách sạn với khoảng 3.000 phòng. Con số này ở TP. Hồ Chí Minh là 25 khách sạn với hơn 3.000 phòng, trong đó số lượng khách sạn ở quận 1 chiếm 42%, tương đương 13 khách sạn, quận Tân Bình là 32%, số còn lại ở các quận 7, quận 3 và quận 5. Cũng chính từ xu hướng này, thị trường TP. Hồ Chí Minh đã chứng kiến điểm sáng ở một số khách sạn tại khu vực quận Tân Bình, khu vực gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, với tỉ lệ lấp đầy lên đến 78%.

Hồng Quyên