CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Quý II/2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt mức cao 7,96%. Trong báo cáo công bố mới đây, VIS Rating nhận định điều này cho thấy xuất khẩu tiếp tục là một trong những động lực chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
“Với mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng ở mức 8% trở lên cho cả năm, việc duy trì đà tăng xuất khẩu không chỉ là mong muốn mà là yếu tố thiết yếu”.
FTA - bệ đỡ quan trọng
Các thách thức từ thị trường thế giới, yêu cầu khắt khe về môi trường, kỹ thuật và cạnh tranh quốc tế đang đặt ra bài toán lớn cho doanh nghiệp Việt.
Việc tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang trở thành một trong những trụ cột chiến lược cho xuất khẩu.
Việt Nam hiện có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) hiệu lực, trong đó nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… được đánh giá là “tấm vé vàng” đưa hàng hóa Việt Nam đi xa hơn trên thị trường toàn cầu.
Sự khởi sắc trong thương mại với EU là minh chứng cho việc nếu tận dụng tốt FTA, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên mạnh mẽ. 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sang EU đạt 27,3 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ, đưa cán cân thương mại với khối này lên mức xuất siêu 19 tỷ USD - tăng 11,6% so với cùng kỳ. EVFTA - sau 5 năm thực thi - tiếp tục là “điểm sáng” trong chiến lược hội nhập và mở rộng thị trường của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thành công chung này, không phải ngành nào cũng bắt kịp cơ hội. Dệt may - một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực lại đang bị đánh giá là “chưa tận dụng tốt các FTA”, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.
“EVFTA đã được thực thi 5 năm, UKVFTA đã 4 năm, nhưng tỷ lệ tận dụng vẫn còn rất khiêm tốn. Đây là con số đáng suy nghĩ”, ông Khanh nhận định.
Nhiều hạn chế cố hữu đã được chỉ ra, như vấn đề phần lớn nguyên phụ liệu phụ thuộc vào nhập khẩu. Không đạt tỷ lệ nội địa hóa khiến doanh nghiệp không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động thay đổi để thích ứng với các tiêu chuẩn kỹ thuật mới.
Ông Khanh cảnh báo, thị trường luôn thay đổi. Những quốc gia cạnh tranh với Việt Nam trong xuất khẩu như Malaysia, Indonesia, Thái Lan hiện nay cũng đã đàm phán và ký FTA rất nhanh, khiến lợi thế thuế quan của Việt Nam dần bị xói mòn. Nếu không kịp thời chuẩn bị và thích ứng, doanh nghiệp Việt sẽ bị bỏ lại phía sau.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn còn loay hoay với rào cản nội tại như thiếu năng lực quản trị, công nghệ lạc hậu và chưa tiếp cận tốt thông tin thị trường. Điều này dẫn đến hệ quả là họ chưa thể vươn ra thế giới dù “cánh cửa đã mở”.
Từ kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Hanel PT thẳng thắn: “FTA không phải là tấm vé vàng cho tất cả”. Theo bà, chỉ những doanh nghiệp có chuẩn bị nội lực, hiểu thị trường, xanh hóa sản xuất và có chiến lược bài bản mới có thể tận dụng FTA để “lên tàu”.
Từ chính sách đến hành động cụ thể của doanh nghiệp
Đầu tuần này, tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Uruguay Yamandu Orsi và đề xuất sớm hoàn tất đàm phán FTA giữa Việt Nam và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) trong 6 tháng cuối năm nay, qua đó mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp của cả hai bên. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc tiếp tục mở rộng, đàm phán, ký kết với các thị trường mới.
TS. Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội nhìn nhận: “Đây là những cơ sở cần thiết Chính phủ đã mở ra. Các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội mới để có thể thâm nhập các thị trường khó tính hơn”.
Theo ông, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là nâng cao khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn của các thị trường ngách. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh.
Chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cần đảm bảo xuất xứ hàng hóa rõ ràng, minh bạch, đặc biệt tăng cường liên kết với các doanh nghiệp FDI nội địa để nâng giá trị gia tăng trong nước.
Còn bà Trần Thị Thu Trang nhấn mạnh, muốn gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 57 đã có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề này. Bên cạnh đó là ưu tiên áp dụng quản trị hiện đại (MES, ERP), áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế (ISO/IATF), đồng thời giữ vững đạo đức kinh doanh, niềm tin với đối tác.
Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp căn cơ và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp như Cổng thông tin điện tử về FDA - cung cấp toàn diện thông tin về các hiệp định thương mại tự do, bao gồm cam kết, hướng dẫn, phân tích thị trường, số liệu. Hay Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả thực thi FTA ở các địa phương (FTA Index) xếp hạng các tỉnh, thành nhằm thúc đẩy sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tạo động lực để các chính sách Trung ương được triển khai sát thực tế hơn...
FTA là “cánh cửa” chứ không phải “vé vào”. Các chuyên gia khuyến nghị, cần có chính sách bồi dưỡng năng lực thực thi FTA cho khu vực tư nhân, đồng thời cải thiện hạ tầng pháp lý, cắt giảm thủ tục, hỗ trợ chuyển đổi xanh và đầu tư chiều sâu. Chỉ khi doanh nghiệp nội địa thực sự lớn mạnh, Việt Nam mới có thể đi đường dài trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
PGS.TS Đào Ngọc Tiến, trường Đại học Ngoại thương
Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong hoạt động xuất khẩu, trở thành một trong những nền kinh tế định hướng xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và đảm bảo tính bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Việt Nam cần chủ động ứng phó với các xu hướng lớn như chuyển đổi số, kinh tế xanh, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và các yêu cầu từ FTA thế hệ mới.
Ông Lương Hoàng Thái, Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương
Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một hệ sinh thái phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong quá trình khai thác, tận dụng ưu đãi FTA nếu doanh nghiệp gặp rào cản, vướng mắc thì các bộ, ngành, địa phương có thể vào cuộc hỗ trợ. Chính phủ đang chỉ đạo mạnh mẽ để xây dựng hệ thống này. Hiện đã có hệ thống hoạt động sơ khai ban đầu để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các FTA nói chung, đặc biệt là FTA thế hệ mới.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có độ mở thương mại hàng đầu thế giới, với hàng loạt FTA được ký kết trong 30 năm qua. Tuy nhiên, nghịch lý là chính khu vực tư nhân trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại không phải nhóm hưởng lợi lớn nhất. Dòng vốn FDI mới là nhóm tận dụng triệt để cơ hội mà các FTA mang lại. Trong khi doanh nghiệp nội địa còn loay hoay, mắc kẹt với những rào cản ngay trong sân nhà.
Đỗ Kiều