CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Theo chương trình, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới. Sau khi thảo luận tại hai kỳ họp Quốc hội, dự kiến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2025 và áp dụng từ 1/1/2026.
Thời gian gần đây, nhiều ý kiến tập trung tranh luận về nội dung mà Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo Luật là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn.
Theo các doanh nghiệp sản xuất đồ uống, họ đang chịu tác động tiêu cực kép từ dịch COVID-19 cùng với tác động của tình hình thế giới. Đồng thời, những chính sách liên quan như quy định của Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) càng khiến doanh nghiệp khó khăn.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết những sản phẩm đồ uống có cồn do các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang phải “cõng” 15 loại thuế, phí. Đồng thời, do nhiều chính sách từ cơ quan quản lý và xu hướng tiêu dùng của giới trẻ thay đổi nên riêng sản lượng bia giảm liên tiếp trong 3 năm gần đây, với mức giảm từ 15 - 20%. Năm 2023, lợi nhuận trước thuế giảm 23%. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng.
Những sản phẩm đồ uống có cồn do các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang phải “cõng” 15 loại thuế, phí.
“Trong những năm tới, sản lượng sản xuất bia tại Việt Nam dự kiến còn giảm nhiều, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách nhà nước, người lao động mất việc làm, ảnh hưởng không nhỏ đến an sinh xã hội…”, ông Việt dự báo.
Do đó, Chủ tịch VBA đồng tình với việc tăng thuế, tuy nhiên phải phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam. “Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ việc tăng thuế vừa đảm bảo điều tiết nhu cầu, tăng thu ngân sách, nhưng cũng giúp các doanh nghiệp ngành bia rượu tái cơ cấu trong giai đoạn đang khó khăn”, ông Việt kiến nghị.
Từ thực tiễn hoạt động, đại diện các doanh nghiệp rượu bia cũng kiến nghị xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi, để tạo các điều kiện giúp các doanh nghiệp phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại.
Ông Lâm Du An, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nêu ý kiến: Việc Quốc hội, Chính phủ kéo dài thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 2-3 năm nữa sẽ giúp hỗ trợ phần nào doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời, chưa áp dụng phí tái chế từ năm 2024 vì khi áp thuế thì chi phí một lon bia tăng 40%, một chai bia tăng 50% - những chính sách này nếu áp dụng sẽ làm chi phí đội lên hàng trăm tỷ đồng.
Về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, rượu, bia là yếu tố xếp thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm.
Ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam vào năm 2017 là 4 tỷ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách nhà nước (chưa tính đến chi phí gián tiếp).
Tại hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tăng thuế với rượu, bia.
Cụ thể, rượu từ 20 độ trở lên sẽ tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% vào 2030. Mức thuế tối đa với rượu dưới 20 độ là 60% hoặc 70% trong giai đoạn 2026-2030.
Tương tự, thuế suất với bia tăng từ 35% hiện nay lên 90% hoặc 100% theo từng năm trong giai đoạn 2026 - 2030.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng thuế theo lộ trình trên là "đáng kể nhưng chưa đủ để giảm khả năng chi trả cho rượu, bia theo thời gian".
WB cho rằng Việt Nam cần tăng thuế ở mức tham vọng hơn. WB cũng khuyến nghị áp dụng theo tỷ lệ phần trăm cộng với mức thuế tuyệt đối. Cụ thể, WB đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia lên 155% hoặc phương án bổ sung mức tuyệt đối 16.500 đồng (tính trên một lít cồn) cộng với thuế suất 65% như hiện nay. Việc này nhằm đảm bảo rượu, bia không trở nên phổ biến hơn, tác động tích cực tới đảm bảo sức khỏe khi mức độ dùng loại đồ uống này được điều chỉnh.
Nêu quan điểm tại tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn” tổ chức ngày 30/7, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, nhưng cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế và có lộ trình chuyển đổi phù hợp.
Chẳng hạn, Indonesia đã bãi bỏ thuế hàng xa xỉ 75% đối với các sản phẩm đồ uống có cồn, thay vào đó là áp dụng thuế tuyệt đối theo thể tích.
Tương tự, Thái Lan từ năm 2013 áp dụng thuế tuyệt đối trên toàn bộ sản phẩm đồ uống có cồn trên thị trường, trước đó vẫn áp thuế theo tỷ lệ % cho một số sản phẩm. Trong năm 2024, Thái Lan sẽ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trên sản phẩm rượu để thúc đẩy du lịch và thị trường rượu mạnh, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu giảm từ 10% xuống 5% và với rượu mạnh giảm từ 10% xuống 0%.
Cùng với đó, bà Cúc cho rằng phải siết chặt quản lý rượu, bia nhập lậu; rượu nấu tự phát không qua kiểm định chất lượng... ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Đồng tình, TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, hậu quả của rượu bia có thể gây ra các bệnh lý, tử vong và chi phí y tế cộng đồng nhiều hơn tất cả các loại ma tuý cộng lại. Vì vậy, Nhà nước cần thực hiện quản lý các sản phẩm rượu bia về chất lượng cũng như xây dựng chính sách thuế phù hợp để thay đổi thói quen, nhận thức của người tiêu dùng.
Thanh Hoa