CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cổ phiếu thép ‘sáng cửa’

Invest Global 09:07 11/12/2024

Những thông tin tích cực từ thị trường thép, cũng như câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp đã trở thành chất xúc tác tốt cho cổ phiếu thép trong thời gian qua.

Nhóm cổ phiếu thép tăng điểm tốt thời gian qua. Ảnh minh họa: Thép Hòa Phát.

Phiên giao dịch ngày 10/12 ghi nhận VN-Index giảm 1,77 điểm xuống 1.727,07 điểm, qua đó ngắt mạch tăng điểm 3 phiên liên tiếp (từ 5/12 đến 9/12). Thị trường rơi vào tình trạng thiếu các nhóm cổ phiếu dẫn dắt, chỉ số chính giao dịch giằng co trong hầu như cả phiên.

Trong bối cảnh đó, nhiều cổ phiếu thép gây chú ý khi tăng điểm tốt. “Ông lớn” HPG chốt phiên tăng 0,8% đạt 27.900 đồng/CP. Trong ngày 5/12, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất - thành viên của HPG đã chính thức khai lò thổi 300 tấn tại Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 nằm trong Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án Dung Quất 2 có quy mô 280ha với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng. Sản phẩm đầu ra của nhà máy này là thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao, phục vụ thép sản xuất ô tô, thép hàm lượng carbon thấp sản xuất các sản phẩm như vỏ đồ hộp, đồ gia dụng, kết cấu thép… với công suất 5,6 triệu tấn thép/năm.

Tương tự, cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen cũng tăng 0,5% lên mức 19.000 đồng/CP. Vừa qua, Tập đoàn thông báo đã thông báo về việc muốn hợp tác cùng các tổ chức, công ty, cá nhân có năng lực để triển khai hệ thống siêu thị Hoa Sen Home.

Cụ thể, Hoa Sen đang tìm kiếm các đơn vị cho thuê mặt bằng/nhà xưởng để mở tổng kho cho hệ thống siêu thị Hoa Sen Home tại loạt địa phương trên cả nước như Hải Dương/Hưng Yên, Đà Nẵng, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ/Bình Minh - Vĩnh Long, An Giang, Long An… với số lượng khoảng 10 nhà xưởng. Mỗi địa điểm có diện tích mặt bằng từ 10.000-20.000m2, thời hạn cho thuê tối thiểu 10 năm.

Đây được xem là động thái đáng chú ý của HSG trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tôn mạ và các sản phẩm vật liệu xây dựng đang có tín hiệu hồi phục tích cực.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu thép vừa và nhỏ cũng tăng tốt như SMC của CTCP Đầu tư thương mại SMC và VCA của CTCP Thép VICASA – VNSTEEL đều đồng loạt tăng hết biên độ, hay TVN của Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP tăng 5,3%.

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, cổ phiếu TVN và VCA diễn biến tích cực nhờ thông tin thoái vốn. Theo đó, TVN vào cuối tháng 11/2024 đã công bố nghị quyết thông qua việc thoái toàn bộ 9,87 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn của VCA. Thời gian dự kiến thực hiện bắt đầu từ tháng 11 và dự kiến hoàn tất thoái vốn trong năm nay tới quý I/2025.

Qua nghiên cứu tình hình hoạt động của doanh nghiệp, lãnh đạo VNSteel lựa chọn việc thoái vốn tại Thép Vicasa sẽ thực hiện phương án chuyển nhượng cổ phiếu theo phương thức giao dịch ngoài HOSE, tức là chào bán cổ phiếu ra công chúng thông qua bán đấu giá công khai theo lô cổ phần. Giá khởi điểm chào bán là 238,48 tỷ đồng một lô cổ phần, tương đương giá trị thực tế một cổ phần sau thẩm định là 24.158 đồng/cổ phần (cao hơn giá cổ phiếu trên sàn gần 57%).

Cùng thời điểm trên, TVN cũng công bố kết hoạch thoái toàn bộ 2,2 triệu cổ phần, tương đương 20,05% vốn điều lệ tại CTCP RedstarCera (mã TRT). VNSteel xác định giá trị cổ phần TRT tại thời điểm ngày 30/6/2024 là hơn 126,5 tỷ đồng, tương đương giá trị thực tế một cổ phần sau thẩm định là 57.358 đồng/cổ phần. Mức giá này cao gấp 2,7 lần thị giá cổ phiếu TRT chốt phiên 10/12.

Tính từ đầu tháng 11/2024, cả 3 mã trên đều tăng tốt. TVN tăng 11,11%, còn TRT và VCA tăng lần lượt 76% và 77%.

Triển vọng nhóm thép

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thô trong tháng 9/2024 đạt 1,71 triệu tấn, giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 3,6% so với tháng 9/2023. Tiêu thụ thép thô đạt 1,68 triệu tấn, giảm 6,8% so với tháng trước và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu thép thô tháng 9 đạt 189.477 tấn, giảm 22,5% so với tháng 8 nhưng tăng 17,7% so với tháng 9/2023.

Tính chung 9 tháng năm 2024, sản xuất thép thô đạt 16,3 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Tiêu thụ đạt 15,9 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023.

Đánh giá từ VSA, tiềm năng của thép Việt Nam đến từ triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản. Tăng trưởng của nguồn cung nhà ở và đầu tư công đã thúc đẩy sự phục hồi của thép xây dựng. Theo CBRE, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và Hồ Chí Minh sẽ tăng lần lượt 30% và 20% so với cùng kỳ. Hơn nữa, kế hoạch giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng trưởng 12% so với cùng kỳ với giá trị khoảng 638 nghìn tỷ đồng khi Chính phủ tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế.

Chứng khoán MBS dự báo giá thép xây dựng và HRC Việt Nam sẽ có mức hồi phục tích cực kể từ quý IV/2024 khi áp lực từ Trung Quốc được giảm bớt. Ước tính giá thép xây dựng có thể đạt trung bình 571 USD/tấn tăng 4% so với cùng kỳ và HRC giảm 7% so với cùng kỳ xuống 556 USD/tấn do áp lực từ thép Trung Quốc trong 6 tháng 2024. Trong năm 2025, kỳ vọng thép xây dựng và HRC có thể tăng lần lượt 7% và 6% so với cùng kỳ, đạt mức 611 USD và 590 USD/tấn. Trong năm 2025 - 2026, kỳ vọng thép xây dựng có thể tăng 7% và 8% đạt mức 608 USD và 657 USD/tấn.

Trên cơ sở đó, MBS đánh giá cao tiềm năng của các cổ phiếu thép dựa trên các luận điểm: Tiêu thụ nội địa là động lực chính cho chu kỳ tăng trưởng trong 2 năm tới và giá thép có thể phục hồi kể từ quý IV/2024; Nhà sản xuất trong nước sẽ có thể giành được thị phần nhờ thuế chống bán phá giá (CBPG) sẽ được ban hành từ tháng 12/2024; Mức định giá của các công ty thép vẫn ở dưới mức trung bình trong giai đoạn tăng trưởng của chu kỳ thép.