CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cơ quan thuế bàn giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn trục lợi hóa đơn điện tử

Invest Global 15:45 20/04/2023

Sáng 20/4, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử. Hội nghị đã lắng nghe ý kiến, kinh nghiệm, đề xuất cách làm từ các cục, vụ trực thuộc Tổng cục Thuế, cục thuế các địa phương nhằm đẩy lùi vấn nạn mua bán hóa đơn điện tử bất hợp pháp. Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành chủ trì hội nghị.

(TBTCO) - Sáng 20/4, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử. Hội nghị đã lắng nghe ý kiến, kinh nghiệm, đề xuất cách làm từ các cục, vụ trực thuộc Tổng cục Thuế, cục thuế các địa phương nhằm đẩy lùi vấn nạn mua bán hóa đơn điện tử bất hợp pháp. Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành chủ trì hội nghị.

"Gian lận luôn đi cùng thương mại"

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, thực tế cho thấy, việc gian lận luôn đi cùng thương mại. Trong đó gian lận, mua bán hoá đơn điện tử (HĐĐT) là một trình trạng đang xảy ra và cơ quan thuế phải chịu hậu quả từ cung - cầu trên thị trường.

“Trước thực trạng đó, thời gian qua ngành Thuế đã luôn tìm cách để đẩy lùi, xoá bỏ gian lận HĐĐT. Tại nhiều cục thuế cũng như chi cục thuế địa phương đã có những cá nhân có các ý tưởng, biện pháp, kế hoạch để làm tốt công tác này như tại Cục Thuế Quảng Ninh, Cục Thuế Thanh Hoá, Cục Thuế Bình Định… Tại hội nghị hôm nay Tổng cục Thuế mong muốn được lắng nghe chia sẻ các kinh nghiệm, đề xuất cách làm sau đó sẽ được tập hợp lại thành kinh nghiệm chung để toàn ngành học hỏi, thực hiện” - ông Mai Xuân Thành chia sẻ.

Ngành Thuế quyết đẩy lùi nạn mua bán hóa đơn điện tử bất hợp pháp Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Thúy

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, kể từ ngày 21/11/2021, hệ thống HĐĐT chính thức được công bố triển khai và vận hành. Hệ thống HĐĐT là kết quả của những nỗ lực to lớn và sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống HĐĐT và sự phối hợp, ủng hộ, đồng hành của lãnh đạo các UBND thành phố và cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Báo cáo cũng đánh giá, hệ thống HĐĐT được triển khai đánh dấu bước ngoặt trong công tác chuyển đổi số của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung, đáp ứng mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số mà Chính phủ đã đặt ra cho giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tổng cục Thuế cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống HĐĐT đã có 100% DN, tổ chức (851.372 đơn vị), hộ, cá nhân (65.576 hộ, cá nhân kinh doanh) theo phương pháp kê khai đã chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Tính đến ngày 15/4/2023, số lượng HĐĐT cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 3.581 tỷ hóa đơn trong đó có hơn 1.039 tỷ hóa đơn có mã và hơn 2.542 tỷ hóa đơn không mã; đã có 12.864 DN, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.

Việc chuyển đổi sang HĐĐT có ý nghĩa quan trọng giúp DN giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn…), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, từ đó DN quản trị hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc triển khai hệ thống HĐĐT còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), mấu chốt của chuyển đổi số không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với cả DN và nền kinh tế. HĐĐT cũng được đánh giá góp phần quan trọng phát triển chính phủ điện tử, đổi mới công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có hiện tượng một số DN, tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng việc phát hành, sử dụng HĐĐT để xuất khống, mua bán hóa đơn để trục lợi, vi phạm pháp luật, nhằm chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước. Điển hình là một số vụ án đã và đang được cơ quan công an điều tra, khởi tố như tại: Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình,… Hành vi thủ đoạn của các DN hết sức tinh vi, phạm vi thực hiện trên cả nước, thời gian diễn ra từ khi thành lập đến khi bỏ địa điểm kinh doanh hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian ngắn.

Vấn nạn gian lận, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp ngày càng phức tạp

Thực hiện Công điện số 01/CĐ-BTC ngày 12/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng HĐĐT, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu tại các cục thuế và 413 điểm cầu tại các chi cục thuế/chi cục thuế khu vực nhằm thảo luận và đề ra các giải pháp triển khai thực hiện thống nhất trong toàn ngành Thuế nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, kịp thời xử lý hành vi vi phạm trong việc phát hành và sử dụng HĐĐT bất hợp pháp.

Ngành Thuế quyết đẩy lùi nạn mua bán hóa đơn điện tử bất hợp pháp Ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra Tổng cục Thuế, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Thúy

Thông tin về vấn đề nhận diện hành vi gian lận hóa đơn, ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, các đối tượng thường sử dụng chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân giả mạo/mất cắp, thuê người làm đại diện pháp luật (những người không hiểu biết, thương binh,...), thành lập chuỗi DN trung gian hoặc mua lại các DN và thay đổi giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Đăng ký thuế, đăng ký sử dụng HĐĐT bằng hình thức qua mạng. Mở tài khoản ngân hàng và đăng ký thanh toán qua Internet Banking. Sau đó thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian khai thác thông tin các DN trên trang thông tin điện tử để liên hệ bán trái phép HĐĐT.

Để hợp thức cho các hóa đơn đã bán có những mặt hàng cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như: đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm… các đối tượng làm con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các sở, ngành và các cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng…) để thiết lập các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn khống chuyển cho DN mua hóa đơn.

Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) đề xuất bổ sung chữ ký số trên hóa đơn phù hợp với chữ ký số đã đăng ký trên tờ khai Mẫu 01ĐKTĐ/HĐĐT và phải xác thực danh tính, xác thực điện tử khi đăng ký theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ…

Chia sẻ về giải pháp ngành Thuế đã triển khai nhằm ngăn chặn sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, ông Vũ Mạnh Cường cho biết, trên cơ sở bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định người nộp thuế (NNT) có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn ban hành kèm theo Quyết định số 78/QĐ-TCT ngày 2/2/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, theo đó cơ quan thuế đã thực hiện lập danh sách NNT có rủi ro, thực hiện việc rà soát, đối chiếu với thực tế quản lý thuế tại địa phương, đặc biệt tập trung vào những NNT có rủi ro cao như: nộp thuế thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình ngành nghề kinh doanh, tăng đột biến về doanh thu, không có tài sản, sử dụng số lượng hóa đơn lớn,... để đưa vào danh sách NNT phải thực hiện giám sát trọng điểm; xác minh thực tế hoạt động của NNT; kiểm tra tại cơ quan thuế; để xây dựng kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng bỏ sót các doanh nghiệp có rủi ro cao, DN nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra.

Nêu giải pháp tại hội nghị, bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho rằng, cần rà soát các quy định pháp luật về hóa đơn, đặc biệt là thủ tục đăng ký sử dụng HĐĐT, lập HĐĐT. Hiện nay, DN sau khi đăng ký thành lập, việc đăng ký sử dụng HĐĐT được thực hiện bằng phương thức điện tử, chỉ sử dụng chữ ký số cấp cho tổ chức do các tổ chức cung cấp chữ ký số cấp (chữ ký nhân danh) là chưa đảm bảo chặt chẽ, không có thông tin xác thực danh tính của người sử dụng chữ ký số, không có chữ ký số của cá nhân là người lập hóa đơn hoặc chữ ký số của người đại diện pháp luật của DN trên hoá đơn (bản chất chữ ký số nhân danh được hiểu là thay cho con dấu của tổ chức).

Kết luận hội nghị, quyền Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành ghi nhận sự quyết tâm, chỉ đạo sâu sát của các cục thuế địa phương cũng như các vụ, cục thuộc Tổng cục Thuế đã có nhiều giải pháp tham mưu, chỉ đạo để chống tình trạng mua bán, gian lận HĐĐT. Thông qua hàng loạt giải pháp về công nghệ thông tin, ngành Thuế đã từng bước kiểm soát được tình trạng này.

“Trước yêu cầu đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người kinh doanh tuân thủ pháp luật, trước tiên phải xoá bỏ tình trạng mua bán hoá đơn, phải xây dựng quy chế tổ chức chặt chẽ, tránh tình trạng lỏng lẻo, tạo lỗ hổng cho các hành vi gian dối” - lãnh đạo Tổng cục Thuế nhận định.

Thời gian tới, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, báo cáo kịp thời với lãnh đạo UBND địa phương về các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Cùng với đó, cơ quan thuế cũng phải phối hợp trong nội ngành để thực hiện tốt công tác xác minh, phát triển hơn nữa các ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, cơ quan thuế phải cung cấp đầy đủ công cụ làm việc cho cán bộ thuế để có thể thực hiện tố công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng HĐĐT./.