CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh (Nghị định sửa đổi).
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất mức phạt cho hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa dao động từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Nếu tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm, họ có thể bị đình chỉ hoạt động này trong 3 - 5 tháng.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa có thể bị phạt 300 triệu đến 2 tỷ đồng cho những vi phạm như không xác minh danh tính nhà đầu tư, thông tin quảng cáo gây hiểu lầm, không tách biệt quản lý tài sản mã hóa của khách với tự doanh...
Ngoài ra, đề xuất phạt 100-200 triệu đồng nếu nhà đầu tư không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu giữ, giao dịch tại các tổ chức được cơ quan này cấp phép.
Điều 1 dự thảo Nghị định dự kiến bổ sung 1 Mục và 5 Điều quy định xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa như quy định các vi phạm trong cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa, tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa, báo cáo, công bố thông tin liên quan đến tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa…
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định bổ sung quy định vi phạm về giao dịch trên thị trường tài sản mã hóa để có cơ sở xác định, xử lý hành vi.
Cụ thể, hành vi "Sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch tài sản mã hóa" được mô tả là việc sử dụng hoặc tiết lộ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến tổ chức phát hành tài sản mã hóa hoặc tài sản mã hóa chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá tài sản mã hóa, để giao dịch tài sản mã hóa cho chính mình hoặc cho người khác hoặc tư vấn cho người khác giao dịch tài sản mã hóa.
Dự thảo cũng đưa ra mô tả 5 hành vi được xem là "Thao túng thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam" gồm sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục giao dịch tài sản mã hóa nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; Thông đồng với nhau giao dịch tài sản mã hóa mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá tài sản mã hóa, cung cầu giả tạo; Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh giao dịch tài sản mã hóa gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá tài sản mã hóa, thao túng giá tài sản mã hóa; Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại tài sản mã hóa, về tổ chức phát hành tài sản mã hóa nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại tài sản đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại tài sản đó; Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá tài sản mã hóa.