CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Còn dư địa giảm lãi suất điều hành'

Invest Global 11:14 25/05/2023

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Việt Nam khác với các nước và chúng ta còn dư địa để giảm lãi suất khi lạm phát đang giảm và ở mức khá thấp, tỷ giá ổn định.

Giao dich Ngan hang Coc tien 7NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành từ ngày 25/5. Ảnh: Trọng Hiếu.

Từ hôm nay, 25/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức áp dụng lãi suất điều hành mới. Trong đó, đáng chú ý, NHNN thay đổi mức lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,5%/năm xuống còn 5%/năm; thay đối mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1-6 tháng từ mức 5,5%/năm xuống mức 5%/năm. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy 3 tháng qua NHNN giảm lãi suất điều hành. 

Nhận định về động thái này, đa số các phân tích đều cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống, giúp chi phí sử dụng dòng vốn thấp. Từ đó, các doanh nghiệp có thể cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn chi chi phí vay vốn thấp. Hiện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có nhận định bi quan hơn, đánh giá sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế, hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Giảm lãi suất được cho là có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. 

Nhận định về tác động của động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, vẫn như các lần trước, mục tiêu của NHNN là tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ một phần chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay, kích thích nhu cầu tín dụng, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. 

Với động thái giảm lãi suất điều hành lần này của NHNN, trong bối cảnh FED chưa thể hiện rõ quan điểm dừng tăng lãi suất từ nay tới cuối năm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam khác với các nước và chúng ta còn dư địa để giảm lãi suất khi lạm phát đang giảm và ở mức khá thấp, tỷ giá ổn định.

Nhận định về tình hình lãi suất 6 tháng cuối năm, ông Lực cho rằng, Việt Nam còn dư địa giảm lãi suất điều hành nhưng cũng cần xem xét tình hình lạm phát, khả năng các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Đồng quan điểm với TS. Cấn Văn Lực, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wi Group cho rằng, với mặt bằng lãi suất chính sách ở mức 3,5-5,5% như hiện nay, có thể nói dư địa giảm lãi suất vẫn còn và NHNN vẫn có thể đưa lãi suất chính sách về 0,5-1% để hỗ trợ nền kinh tế nếu tình hình quá căng thẳng.

Tuy nhiên, ông Báu cũng cho rằng, xét về mặt hiệu quả tổng thể, để cân đối giữa tăng trưởng kinh tế, ổn định lạm phát và kiểm soát tốt tỷ giá thì dư địa thực tế của Việt Nam lúc này cũng không còn nhiều.

"Bối cảnh cung tiền yếu như hiện nay, việc cố gắng chạy theo giảm lãi suất nhanh chóng so với xu hướng toàn cầu trong khi tỷ giá hiện tại vẫn còn nhiều ẩn số có thể phát sinh những rủi ro đảo ngược dòng vốn và gây ra những hệ lụy kép với kinh tế Việt Nam", ông Báu nói.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất

Phát biểu tại cuộc họp với các bộ ngành và một số ngân hàng thương mại nhà nước về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất ngày 24/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Ngân hàng và doanh nghiệp "phải đi chung con đường".

Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phân tích sâu sắc hơn nữa các yếu tố liên quan đến cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; đánh giá kỹ lưỡng khả năng hấp thụ vốn của các nhóm doanh nghiệp. Đồng thời, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để có thể tiếp tục hạ lãi suất, chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp; rà soát, giảm các loại phí; tạo sự đồng bộ cho các ngân hàng; cơ cấu lại các khoản nợ…

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sửa đổi lại một số điểm của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng theo hướng "cởi mở hơn nhưng không phải hạ chuẩn".

Ý kiến chuyên gia