CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Còn nhiều dư địa cho cải cách, hỗ trợ thương mại

Invest Global 09:38 09/12/2022

Các cam kết và hành động cải cách thương mại đã giúp Việt Nam có được vị trí thuận lợi để tận dụng thời cơ nhằm gia tăng xuất khẩu, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hồi sinh sau đại dịch. Theo các chuyên gia, dư địa để cải cách và tạo thuận lợi thương

Tiết kiệm 67 triệu USD/năm và có thể hơn…

Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình nỗ lực cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hải quan nói riêng trong 4 năm vừa qua, với sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tạo thuận lợi thương mại TFP, các nhiệm vụ quan trọng về cải cách của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã được triển khai thực hiện và đạt được kết quả nhất định. Trong đó, có thể kể đến việc áp dụng toàn diện quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan thông qua việc thực hiện các quy định đồng bộ về quản lý rủi ro và triển khai chương trình thí điểm tự nguyện tuân thủ; thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế Một cửa quốc gia, cơ chế Một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin trên cơ chế Một cửa quốc gia…

Ông Bradley Bessire, Phó giám đốc USAID Việt Nam ước tính, việc cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và chuyển sang quản lý rủi ro đã giúp giảm 54% các biện pháp can thiệp tại cửa khẩu, từ đó tiết kiệm cho các doanh nghiệp khoảng 67 triệu USD/năm thông qua việc cắt giảm khoảng 2,5 triệu ngày công và các chi phí nhập khẩu liên quan.

con nhieu du dia cho cai cach ho tro thuong mai Ảnh minh họa.

Mặc dù đánh giá các kết quả đạt được là tích cực, song TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng dư địa để tiếp tục cải cách trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu vẫn còn rất lớn.

Ông Cung dẫn chứng, kết quả cắt giảm danh mục hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành cho thấy đến cuối năm 2019, số lượng mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành cắt giảm được khoảng 12.600/82.698 mặt hàng, tỷ lệ đạt được mới ở mức 15%. Bên cạnh đó, các mặt hàng này chủ yếu được chuyển từ danh mục kiểm tra ở giai đoạn trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan; khác với kỳ vọng sẽ được cắt khỏi danh mục để tập trung quản lý ở giai đoạn hậu kiểm.

Không chỉ vậy, theo ông Cung, cách thức áp dụng quản lý rủi ro chưa khoa học, chưa theo thông lệ quốc tế. Cụ thể là kiểm tra chuyên ngành hiện nay vẫn là kiểm tra từng lô hàng; áp dụng quản lý rủi ro chưa thống nhất; đồng thời cũng chưa áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.

Công tác thực hiện một đầu mối kiểm tra đối với một mặt hàng dù có sự cải thiện nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Nếu như tới tháng 4/2017 có 38 nhóm hàng liên quan tới 9 bộ chịu sự quản lý chồng chéo; thì tháng 5/2019 đã giảm xuống còn 25 nhóm hàng với 7 bộ. Cuối năm 2020 còn 13 nhóm hàng liên quan đến 7 bộ còn chồng chéo trong quản lý. Từ sự chồng chéo trong quản lý đã dẫn tới việc nhiều loại hồ sơ, giấy tờ thủ tục hành chính vẫn còn nhiều. Nhiều loại giấy tờ quản lý, kiểm tra chuyên ngành trùng với hồ sơ hải quan.

Cam kết thương mại sẽ về đích trước hạn

Tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg về chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra định hướng chủ yếu phát triển thương mại trong nước giai đoạn tới, trong đó có việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; từng bước phát triển thương mại ổn định, bền vững và duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại trong nước cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Các chuyên gia, doanh nghiệp, ngành hàng nhấn mạnh, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển thương mại của Việt Nam.

Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại (do USAID tài trợ) đánh giá, Việt Nam đang trên đà thực hiện các cam kết trong hiệp định của WTO trước thời hạn, dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ vào cuối năm 2024.

Trong hành trình đó, dự án đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng cục Hải quan chuyển đổi từ thủ tục hành chính dựa trên giấy tờ sang hệ thống hải quan SMART kỹ thuật số. Bằng cách tích hợp các hồ sơ và dữ liệu liên quan đến thương mại trên một nền tảng trực tuyến duy nhất, hệ thống hải quan SMART sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại và giảm chi phí cho các doanh nghiệp có hoạt động thương mại qua biên giới tại Việt Nam.

Cam kết của Chính phủ Việt Nam trong tạo thuận lợi thương mại thể hiện qua nhiều kết quả. Việt Nam đang vượt tiến độ thực hiện các cam kết trong hiệp định tạo thuận lợi thương mại. Tới tháng 6/2022, Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đã hỗ trợ Tổng cục Hải quan thực hiện 21 trong tổng số 24 điều khoản của hiệp định tạo thuận lợi thương mại. Việt Nam dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ hiệp định tạo thuận lợi thương mại vào cuối năm 2024.

Khung pháp lý