CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đà Nẵng: Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý thuế thương mại điện tử

Invest Global 09:15 27/05/2024

Để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã giao nhiệm vụ cho các phòng, các chi cục thuế khẩn trương triển khai rà soát các nguồn dữ liệu thu thập, chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện quản lý đầy đủ các đối tượng phải đăng ký, kê khai, nộp thuế thương mại điện tử.

(TBTCO) - Để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã giao nhiệm vụ cho các phòng, các chi cục thuế khẩn trương triển khai rà soát các nguồn dữ liệu thu thập, chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện quản lý đầy đủ các đối tượng phải đăng ký, kê khai, nộp thuế thương mại điện tử.

Đà Nẵng: Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý thuế thương mại điện tử Nguồn: Cục Thuế Đà Nẵng. Đồ họa: Phương Anh Khó khăn trong việc quản lý đối tượng

Trước thực trạng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ, ông Lưu Đức Sáu - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Đà Nẵng cho biết, căn cứ dữ liệu thu thập từ các sàn giao dịch TMĐT cung cấp, Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã thực hiện lọc danh sách được 95 tổ chức và 1.223 hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh TMĐT qua sàn TMĐT.

Tuy nhiên, theo ông Sáu, vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT. Đơn cử như khó khăn trong việc quản lý đối tượng, đó là hoạt động kinh doanh TMĐT chủ yếu là các hộ, cá nhân kinh doanh trên môi trường nền tảng số, kinh doanh không cần đến cửa hàng, trong đó có hộ có đăng ký kinh doanh, cũng có cả không đăng ký kinh doanh.

Hoạt động mua bán diễn ra thông qua các thiết bị điện tử có kết nối internet trên các tài khoản mạng xã hội, sử dụng tên tài khoản mạng khác với ngoài đời thực... Cơ quan thuế không thể quản lý hết được đối tượng, các trang giao dịch bán hàng, cũng như địa chỉ của của các cá nhân kinh doanh.

Khó khăn nữa là các thông tin thu thập để phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT hiện nay chủ yếu dựa vào việc phối hợp với các đơn vị trung gian như ngân hàng thương mại, các tổ chức thanh toán trung gian, đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, giao hàng…

Tuy nhiên, cơ quan thuế sẽ rất khó trong việc yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ từ các đơn vị này, với lý do bảo mật thông tin khách hàng theo Luật tổ chức tín dụng, Luật Bưu chính viễn thông… Cùng với đó, nhiều trường hợp cá nhân kinh doanh TMĐT từ nhiều năm trước, nhưng hiện nay không còn cư trú tại địa chỉ đã đăng ký, số điện thoại không liên hệ được...

Tuyên truyền, hướng dẫn chính sách thuế

Để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh TMĐT trong thời gian tới, ông Sáu cho biết, cục thuế đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh TMĐT; các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa, chuyển phát nhanh…

“Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoài ngành như: quản lý thị trường, công an về cung cấp thông tin đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, thực hiện các biện pháp khuyến khích người mua hàng tạo thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa” - ông Sáu cho hay.

33 hộ, cá nhân kinh doanh bị xử lý vi phạm

Theo lãnh đạo Cục Thuế TP. Đà Nẵng, trong 4 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã thực hiện rà soát 73 tổ chức và 128 hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh TMĐT. Qua rà soát, cục thuế đã xử lý vi phạm đối với 33 hộ, cá nhân kinh doanh, kết quả truy thu 433 triệu đồng, trong đó, thuế giá trị gia tăng 289 triệu đồng, thuế thu nhập cá nhân 144 triệu đồng.

Thông tin Doanh nghiệp