CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đầu tư vào cổ phiếu 'nóng' cần 'cái đầu lạnh'

Invest Global 08:59 05/02/2025

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giao dịch ảm đạm, nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận từ những "sóng" ngắn khiến nhiều cổ phiếu có câu chuyện nhanh chóng "dậy sóng". Tuy nhiên, điểm chung của phần lớn những "con sóng" đó là lên sốc, giảm sâu.

Theo quan sát, diễn biến chung của thị trường thời gian qua khá ảm đạm, thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, trong khi khối ngoại tiếp tục trạng thái bán ròng.

Lên sốc, giảm sâu

VN-Index gần như chỉ dao động quanh khoảng 1.200 – 1.300 điểm trong suốt gần 1 năm qua khiến nhiều nhà đầu tư chán nản. Giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE nhiều tháng trở lại đây thường xuyên chỉ ở mức 9.000 – 12.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí có nhiều phiên xuống dưới 9.000 tỷ đồng.

Mặc dù không có "con sóng" nào thực sự rõ rệt nhưng vẫn có những "đợt sóng" tại từng cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, điểm chung của phần lớn những "con sóng" đó là lên sốc, giảm sâu.

Thực tế, nhiều cổ phiếu sau đà tăng nóng đã quay đầu giảm mạnh, nhanh chóng tạo mô hình “cây thông”. Nhiều người lỡ “đu đỉnh” bị "kẹp hàng", phải cắt lỗ.

-9920-1738660950.jpg

Nhiều cổ phiếu sau đà tăng nóng đã quay đầu giảm mạnh, nhanh chóng tạo mô hình “cây thông”.

Gần nhất, thị trường chứng kiến đà tăng phi mã với nhiều phiên tăng kịch trần liên tiếp, sau đó "lao dốc" của cổ phiếu YEG (CTCP Tập đoàn Yeah1). Cổ phiếu này đã tăng gấp 2,2 lần chỉ trong vòng 1 tháng, lên 21.800 đồng/cp - đỉnh giá gần 4 năm, rồi liên tục giảm sàn, suýt "chia đôi" sau khoảng 2 tuần.

Cơn sốt từ chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" được cho là một trong những yếu tố quan trọng kéo thị giá YEG tăng cao, đặc biệt là hiệu ứng từ các đêm nhạc (concert) diễn ra trong cuối năm 2024.

Hay như cổ phiếu VCA của CTCP Thép VICASA – VNSTEEL cũng “đại náo” thị trường với đà tăng dựng đứng 11 phiên trần liên tiếp, đẩy thị giá tăng 120% chỉ sau 2 tuần (từ 27/11-12/12) lên 17.600 đồng/cp, trước khi "rơi" hơn 40% cũng chỉ với 2 tuần. Hiện, cổ phiếu VCA đang đi dưới vùng giá 12.000 đồng/cp.

Đà tăng của VCA xuất hiện sau khi cổ đông nhà nước "đánh tiếng" thoái sạch vốn. Dù vậy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại là điểm trừ: Lũy kế cả năm 2024, doanh thu đạt 1.358 tỷ đồng, giảm 21%, lợi nhuận giảm gần 86% xuống còn hơn 1 tỷ đồng.

Một trường hợp khác có thể kể đến là cổ phiếu NO1 của CTCP Tập đoàn 911. Cổ phiếu này đã tăng hơn 100% sau khoảng 3 tháng, lên trên ngưỡng 13.000 đồng/cp. Tuy nhiên, áp lực bán mạnh sau đó khiến mã này nhiều phiên giảm sàn, thanh khoản cũng giảm mạnh sau khi "đợt sóng" kết thúc.

Tương tự Thép VICASA, kết quả kinh doanh của Tập đoàn 911 trong quý cuối năm 2024 tương đối kém sắc, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa đầy 200 triệu đồng, giảm 98% so với cùng kỳ.

Đầu tư thế nào để hạn chế rủi ro?

Có thể nói, mong muốn tham gia vào các cổ phiếu "nóng" trên thị trường là nhu cầu thực tế và chính đáng, bởi rủi ro cao thường đi kèm kỳ vọng lợi nhuận vượt trội.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán năm 2025 rất khó dự báo, với sự kiện nổi bật là ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và sẽ đi kèm nhiều chính sách có thể tác động đến kinh tế thế giới. Thông thường, nếu thị trường dễ dự báo thì nên đầu tư vào cổ phiếu cơ bản từ đầu năm và sau đó nắm giữ, điều chỉnh theo xu hướng thị trường. Nhưng trong bối cảnh năm 2025 là biến số lớn, nhiều ý kiến cho rằng nhà đầu tư nên chọn "siêu" cổ phiếu để sinh lời nhanh.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng các cổ phiếu "nóng" thường gây tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, trong đó trạng thái phổ biến nhất là FOMO (fear of missing out - sợ bỏ lỡ cơ hội). Theo đó, nhà đầu tư thường bị cuốn vào hiệu ứng tâm lý sợ mất cơ hội khi thấy giá cổ phiếu tăng mạnh cùng các tin tích cực tràn ngập trên truyền thông và cộng đồng đầu tư. Điều này khiến họ ra quyết định mua một cách vội vàng, chỉ dựa trên cảm xúc mà thiếu đi sự phân tích kỹ lưỡng.

Do đó, thay vì để tâm lý chi phối, nhà đầu tư cần học cách kiểm soát cảm xúc, nhận diện các dấu hiệu "nóng" của cổ phiếu và xây dựng quy trình ra quyết định đầu tư sáng suốt, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận mà vẫn kiểm soát được rủi ro.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, để tránh rơi vào bẫy tâm lý và ra quyết định sai lầm, trước hết nhà đầu tư phải hiểu khẩu vị rủi ro của bản thân. Đây là bước rất quan trọng để đánh giá mức độ phù hợp khi đầu tư vào cổ phiếu "nóng". Vì những cổ phiếu này thường có độ biến động giá cao hơn nhiều so với bình thường, đặc biệt trong giai đoạn đỉnh điểm. Chỉ những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro từ trung bình cao trở lên mới phù hợp, bởi nhóm chấp nhận rủi ro thấp dễ bị áp lực tâm lý từ biến động giá, dẫn đến những hành động nóng vội, không hiệu quả.

Ngoài ra, cũng như với cổ phiếu thông thường, khi dốc tiền vào cổ phiếu "nóng" thì nhà đầu tư vẫn cần phải đánh giá khả năng sinh lời và mức độ rủi ro của danh mục hiện tại. Việc tăng tỷ trọng cổ phiếu "nóng" có thể làm gia tăng rủi ro tổng thể, vì thế cần sự cân đối giữa tỷ trọng đầu tư và mức độ rủi ro để tăng độ an toàn.

Bước tiếp theo là phân tích triển vọng. Những "siêu cổ phiếu" thường đi kèm các thay đổi trọng yếu trong nội tại doanh nghiệp nên có thể không duy trì được đà tăng trưởng trong một thời gian nhất định. Nhà đầu tư cần xem xét 3 yếu tố: tính khả thi, tính trọng yếu và tính bền vững. Nếu cổ phiếu đáp ứng ít nhất 2 trong 3 yếu tố kể trên thì có triển vọng tăng trưởng cao. Xác định rõ những điều này cũng có thể giúp giảm thiểu rủi ro từ các cổ phiếu có dấu hiệu bị thao túng.

Sau tất cả, nhà đầu tư mới lên kế hoạch và thực hiện. Trải qua các bước đánh giá cơ hội, nhà đầu tư cần xây dựng kế hoạch chi tiết về vùng giá mua, giá bán và kế hoạch cắt lỗ rõ ràng. Với các cổ phiếu "nóng", việc tuân thủ kỷ luật đầu tư càng trở nên quan trọng, đặc biệt khi thị trường không diễn biến như kỳ vọng. Khi đó, các cổ phiếu "nóng" mới thực sự mang lại giá trị như mong đợi.

Hải Giang

Môi trường kinh doanh