CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn để tạo động lực tăng trưởng mới

Invest Global 09:03 04/02/2025

Ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn để tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao khả năng chống chịu, phục hồi cho nền kinh tế, tạo ra đột phá trong phát triển, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

(TBTCO) - Ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn để tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao khả năng chống chịu, phục hồi cho nền kinh tế, tạo ra đột phá trong phát triển, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Đây là quan điểm được nêu rõ trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 được Chính phủ ban hành cuối tháng 1/2025.

Theo đó việc thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có lộ trình dài hạn, gắn với đổi mới sáng tạo, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đột phá về khoa học, công nghệ; là một phần quan trọng của chuyển đổi xanh, nền kinh tế xanh, các-bon thấp…

Ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn để tạo động lực tăng trưởng mới

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là nhằm hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; phát triển mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh; tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa và lối sống xanh, thúc đẩy tạo việc làm xanh và phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.

Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; tiết kiệm năng lượng: phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản) tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 được xác định bao gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; năng lượng; khai thác khoáng sản và chế biến khoáng sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; hóa chất; xây dựng; giao thông vận tải; dịch vụ và du lịch; quản lý chất thải; phát triển khu đô thị, khu dân cư tập trung; khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung...

Công suất các nhà máy điện từ nguồn sinh khối, chất thải rắn đến năm 2030 đạt 2.270 MW, tương ứng 1,5% tổng công suất các nhà máy điện. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp phấn đấu đạt từ 47%. Đạt mức tiết kiệm từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.

Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được thu gom, xử lý đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý đạt 80%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom giảm dưới 50%.

Đến năm 2035, sẽ hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn bao trùm gắn với đổi mới, sáng tạo, năng lực cạnh tranh cao, thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; Việt Nam trở thành một trong các trung tâm đổi mới sáng tạo, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm, dịch vụ và huy động vốn đầu tư cho kinh tế tuần hoàn trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn để tạo động lực tăng trưởng mới

Nguồn lực thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước; nguồn hỗ trợ quốc tế (vốn ODA, vốn hỗ trợ và vay ưu đãi); nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân, tín dụng xanh, trái phiếu xanh; vốn FDI; vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân khác.

Ngoài ra là nguồn vốn cộng đồng và xã hội khác như vốn huy động công - tư cho các dự án đầu tư, các quỹ trong nước và các nguồn vốn cộng đồng và xã hội hợp pháp khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, cơ quan chủ trì xây dựng Kế hoạch, việc hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa và lối sống xanh, đồng thời thúc đẩy tạo việc làm xanh và phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.

Theo bà Ramla Khalidi - Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần ưu tiên 4 con đường chính.

Thứ nhất là tích hợp thiết kế sinh thái vào các chính sách. Thứ hai là cần ưu tiên các ngành then chốt để tích hợp các hoạt động tuần hoàn.

Thứ ba, chuyển đổi tuần hoàn nên được lồng ghép vào các cải cách thể chế hiện tại. Chẳng hạn như việc đơn giản hóa các thủ tục tái sử dụng nước thải đã xử lý và giải quyết chênh lệch chi phí giữa nhựa nguyên sinh và nhựa tái chế sẽ mở ra các cơ hội thúc đẩy chuyển đổi tuần hoàn.

Thứ tư, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn phải là nỗ lực của toàn xã hội. Việt Nam phải tiếp tục đặt con người và công bằng xã hội vào trung tâm của quá trình chuyển đổi tuần hoàn để bảo đảm quá trình này vừa công bằng vừa bao trùm.