CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

‘Đệm đỡ’ cho doanh nghiệp Việt thích ứng tốt với thách thức từ bên ngoài

Invest Global 10:37 23/07/2025

Những thách thức từ bên ngoài được ví như “cơn gió ngược” đang cần các doanh nghiệp Việt thể hiện năng lực thích ứng để vượt khó và hái “quả ngọt”. Nhưng, song song đó, rất cần biện pháp chính sách đủ mạnh làm “đệm đỡ” để họ giảm thiểu những tác động tiêu cực. 

Trong báo cáo mới đưa ra từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) về kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy điểm đáng chú ý là lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 598 tỷ đồng, tương đương gần 66% kế hoạch năm và tăng 112% so với cùng kỳ năm trước. 

“Quả ngọt” nhờ năng lực thích ứng

Đây được xem là mức lợi nhuận bán niên cao nhất của doanh nghiệp (DN) này trong 3 năm trở lại đây trong bối cảnh thị trường xuất khẩu (XK) dệt may đối mặt với nhiều biến động (như các cuộc xung đột địa chính trị và thay đổi chính sách của Mỹ). 

-3843-1753180360.png

Bên cạnh năng lực thích ứng của DN thì biện pháp chính sách cần đủ mạnh làm “đệm đỡ” để vượt qua các thách thức từ bên ngoài.

Không chỉ vậy, Mỹ tiếp tục là thị trường XK chủ lực của Vinatex, chiếm tới 43,8% tổng kim ngạch. Ngoài ra, công ty vẫn giữ được đà tăng trưởng ở các thị trường quan trọng khác như: Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Qua đó để thấy phía DN này đang thể hiện được năng lực thích ứng khá tốt trước những thách thức từ bên ngoài (như biến động thuế quan của Mỹ). Nhất là việc chủ động nguồn nguyên liệu để ứng phó với các rủi ro thuế quan.

Và trong thời gian tới, như chia sẻ của ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, trước yêu cầu khắt khe về xuất xứ nguyên phụ liệu sản xuất dệt may, rất cần các DN thành viên phân loại và làm rõ các chủng loại vải có thể tìm kiếm trong nước để giảm bớt nhập khẩu. 

Theo ông Trường, cần nhập khẩu nguồn phụ liệu hoàn toàn trong nước để ưu tiên tỷ lệ cho nhập vải. Bên cạnh đó, cần làm việc với khách hàng để đa dạng các quốc gia nhập khẩu nguyên liệu. Đồng thời đẩy nhanh giải pháp số để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm…

Ngoài ra, có thể kể thêm một DN dệt may cũng đang ứng phó tốt trước biến động bên ngoài, đó là CTCP Đầu tư và Thương mại TNG với lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2025 đạt 120 tỷ đồng, cao hơn 39% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà DN đạt được trong một quý.

Có được kết quả khả quan như vậy là nhờ công ty này tập trung vào khai thác các dòng hàng khó, phức tạp cũng như mở rộng thị trường XK trước áp lực thuế đối ứng từ Mỹ. Và các đơn hàng XK sang các thị trường mới đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng này.  

Ngoài ra, phía TNG đã thực hiện nhiều biện pháp cải tiến quy trình sản xuất và quản lý, giúp tối ưu hóa chi phí nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, từ đó gia tăng hiệu quả kinh doanh. 

Hoặc như trước biến động của tỷ giá USD, phía TNG đã chủ động trong việc sử dụng vốn vay lưu động và hạn chế vay USD để cuối kỳ báo cáo không bị ảnh hưởng lớn từ chi phí tài chính (do đánh giá lại gốc vay).  

Từ tín hiệu khả quan, hái “quả ngọt” về sản xuất kinh doanh và lợi nhuận của hai DN nội địa trong ngành dệt may như kể trên, rất cần các DN khác tham khảo trong quá trình thích ứng trước những biến động từ bên ngoài.

Chẳng hạn với các DN chuyên XK tôm sang thị trường Mỹ. Trong nửa cuối năm 2025, triển vọng XK của họ phụ thuộc lớn vào: Diễn biến chính thức của chính sách thuế quan từ Mỹ, gồm thuế chống bán phá giá (AD), thuế chống trợ cấp (CVD) và mức thuế đối ứng 20%. 

Nếu các mức thuế chính thức từ Mỹ không vượt kỳ vọng, con tôm của Việt có thể duy trì được nhịp XK sang Mỹ ở mức ổn định thấp. Nhưng trong trường hợp thuế AD hoặc CVD ở mức cao, XK tôm sang Mỹ có thể giảm mạnh, kéo tụt tổng kim ngạch XK toàn ngành tôm Việt.

Cần biện pháp chính sách đủ mạnh

Và trước những biến động từ thị trường và chính sách quốc tế, theo một chuyên viên phân tích thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), các DN tôm Việt Nam cần chủ động tái cấu trúc chiến lược XK. Việc đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Mỹ và tận dụng ưu đãi từ các hiệp định như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hướng đi cần thiết.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên viên phân tích của Vasep, cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, phù hợp với xu hướng thực phẩm tiện lợi và “ready-to-eat”. Một yếu tố then chốt là đảm bảo truy xuất nguồn gốc minh bạch, tránh rủi ro bị cáo buộc gian lận thương mại hay chuyển tải bất hợp pháp.

“Ngoài ra, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số toàn chuỗi – từ nuôi trồng, chế biến đến quản trị đơn hàng – sẽ giúp nâng cao khả năng thích ứng. Việc chủ động vùng nuôi đạt chuẩn và kiểm soát chi phí trong chuỗi cung ứng là giải pháp quan trọng để bảo vệ biên lợi nhuận. Cuối cùng, DN cần chuẩn bị kỹ về tài chính và pháp lý để ứng phó linh hoạt với các chính sách thuế thay đổi bất ngờ từ các thị trường lớn”, chuyên viên phân tích của Vasep lưu ý.

Tuy vậy, bên cạnh nỗ lực thích ứng của các DN Việt trước biến động bên ngoài như nêu trên thì khâu chính sách cũng cần có những trợ lực nhất định. Chẳng hạn như trước biến động giá dầu thế giới do xung đột leo thang trên thế giới trong thời gian gần đây, Ts. Vũ Thị Hồng Nhung, chuyên gia kinh tế, cho rằng mặc dù giá dầu đã hạ nhiệt so với đỉnh gần đây, nhưng chi phí năng lượng và logistics vẫn ở mức cao. Và nếu không có các biện pháp chính sách đủ mạnh làm “đệm đỡ”, nền kinh tế sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những cú sốc đột ngột.

Để giảm bớt tác động tiêu cực từ biến động giá dầu, Ts. Phan Thanh Chung, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh Việt Nam cần một chiến lược chính sách hai chiều: Biện pháp ngắn hạn để ứng phó tức thời và cải cách dài hạn để nâng cao khả năng tự phục hồi trước biến động năng lượng.  

Như khuyến nghị của ông Chung, trong ngắn hạn, Chính phủ có thể cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho các nhóm dễ bị tổn thương và các ngành then chốt. Tạm thời giảm thuế môi trường và thuế nhập khẩu nhiên liệu có thể giúp giảm giá bán lẻ. Đồng thời, cần tăng cường Quỹ bình ổn giá xăng dầu để có công cụ điều tiết khi giá tăng đột biến. Ngoài ra, miễn hoặc giảm thuế cho các ngành sử dụng nhiên liệu nhiều như logistics và thủy sản cũng sẽ giúp giảm chi phí đầu vào.

Cần nhắc thêm, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 60/2024/UBTVQH15 thì kể từ ngày 1/1/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ tăng lên mức trần trong Biểu khung thuế, trừ dầu hỏa.

Giới chuyên gia chỉ rõ trong bối cảnh nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình trong nước và thế giới - được ví như “cơn gió ngược”, việc mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trở về bằng mức trần trong Biểu khung thuế (trừ dầu hỏa) sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của DN.

Cho nên, một trong những “đệm đỡ” cho DN trong thời gian tới là nên tiếp tục thực hiện các kết quả đạt được của việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Nhất là hạn chế những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến lạm phát, tăng trưởng kinh tế khi mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng về mức trần từ ngày 1/1/2026.

                                                                                          Thế Vinh