CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

‘Dò sóng’ để cải thiện đơn hàng xuất khẩu nông sản thực phẩm

Invest Global 08:29 07/06/2023

Trước bối cảnh nông sản thực phẩm Việt đang tìm mọi cách để cải thiện đơn hàng xuất khẩu, thì sự chủ động “dò sóng” của các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài rất quan trọng. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng cần khắc phục điểm yếu để tăng sức cạnh tranh, nhất là khi thị trường xuất khẩu chủ lực ngày một thêm khó.

Thương vụ Việt Nam tại Australia trong thượng tuần tháng 6/2023 cho biết, cơ quan này tiếp tục đưa nông sản Việt Nam vào thêm một hệ thống siêu thị ở Australia. Theo đó, Thương vụ vừa kết nối đưa hàng hóa vào Hệ thống siêu thị Orange, đây là hệ thống siêu thị phục vụ người gốc Trung Quốc, với lượng tiêu thụ lớn, giá tốt, phù hợp với cơ cấu hàng hóa Việt Nam. 

Từ sự chủ động của Thương vụ

Tuy nhiên, như lưu ý của phía Thương vụ Việt Nam tại Australia, để vào được hệ thống, đòi hỏi phải có sự tin tưởng về chất lượng. Trước đó, Thương vụ đã trao đổi các bước cuối cùng, để đón container hàng mẫu đầu tiên sẽ đưa vào hệ thống siêu thị này.

-7654-1686048435.png

Để cải thiện đơn hàng XK nông sản thực phẩm không chỉ cần sự chủ động “dò sóng” từ phía các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài mà  bản thân các DN cũng cần khắc phục những điểm yếu.

Trước hiện trạng nông sản Việt chưa đề ra quy chuẩn phân loại để đảm bảo khách hàng lựa chọn đúng sản phẩm và doanh nghiệp (DN) chân chính, không bị các DN khác cạnh tranh phá giá bằng chất lượng kém, ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, đã họp với các nhà nhập khẩu, đề ra biện pháp xây dựng thương hiệu quả vải Việt Nam loại 1 (Premium) tại Australia.

Thương vụ này đã trao đổi với các nhà nhập khẩu để đảm bảo kích cỡ, độ ngọt của quả vải nhằm xây dựng thương hiệu quả vải tiêu chuẩn Premium tại Australia. Mặt khác, loại quả vải này cần được xuất khẩu (XK) bằng đường hàng không để đảm bảo chất lượng và bán giá tốt.

Trước bối cảnh nông sản thực phẩm Việt đang tìm mọi cách để cải thiện đơn hàng XK thì sự chủ động của Thương vụ như trên là rất quan trọng. Mặc dù vậy, ngoài việc các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường XK thì bản thân các DN Việt trong ngành nông sản thực phẩm cũng cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hàng hóa để tăng sức cạnh tranh, nhất là khi những thị trường XK chủ lực ngày một thêm khó.

Chẳng hạn, với XK rau quả vào thị trường Australia, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dù kim ngạch tiêu thụ ở thị trường này còn khiêm tốn nhưng đòi hỏi chất lượng khá cao và có sự cạnh tranh khá lớn, chịu sức ép cạnh tranh từ nhiều đối thủ khác trong khu vực.

Hoặc như với thị trường Mỹ, theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), tồn kho bán lẻ ở Mỹ hiện đã đạt 740 tỷ USD. Từ đó cho thấy, nhu cầu nhập khẩu thêm hàng hóa của Mỹ đang giảm vì lượng hàng tồn kho trong hệ thống bán lẻ của họ đang ở mức báo động. Như vậy, nếu con số tồn kho 740 tỷ USD có giảm thì Việt Nam mới có cơ hội tăng XK ở thị trường Mỹ. 

Đến “điểm yếu” cần khắc phục

Trước những khó khăn ở thị trường Mỹ, giới chuyên gia cho rằng với những nhà XK nông sản thực phẩm vốn đã chọn Mỹ là thị trường XK chính yếu đang đòi hỏi phải thích ứng tốt với xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ. 

Theo đó, các DN cần thể hiện rõ năng lực cạnh tranh để duy trì, giữ cho được thị phần ở thị trường Mỹ, trong đó tập trung vào giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu, đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt…

Để cải thiện đơn hàng XK cho các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm, tại một số hội thảo được tổ chức gần đây dành cho cho các DN ở tỉnh, thành phía Nam, điều mà giới chuyên gia lưu tâm là các DN cần chú trọng đến yếu tố cạnh tranh về xu hướng, cũng như những yêu cầu, khuyến nghị từ phía nhà mua hàng, tìm kiếm cơ hội XK thông qua kết nối B2B (DN với DN), B2C (mua bán hàng hóa giữa DN và người tiêu dùng), sàn thương mại điện tử…

Ngoài ra, như lưu ý của ông Nguyễn Thành Huy, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, sau khi các DN trong ngành nông sản thực phẩm tham gia hội chợ thực phẩm hàng đầu Châu Á – Thaifex 2023 ở Thái Lan vào tháng 5/2023, đó là các DN Việt cần phải chủ động tiếp cận đối tác, đa dạng và sinh động hóa phương thức trình bày sản phẩm, cách thức nghiên cứu và đánh giá thị trường sản phẩm. 

“Các DN cần chuyển dịch từ phương thức trình bày sang phương thức trải nghiệm đưa cho khách hàng những ý tưởng, câu chuyện cũng như điểm mạnh của sản phẩm để chạm được đến thị hiếu của khách hàng quốc tế”, ông Huy chia sẻ.

Hoặc như vấn đề về bao bì vẫn còn là điểm yếu của nông sản thực phẩm Việt khi XK. Theo ông Trần Nam, Giám đốc sáng tạo Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên (FYE), sản phẩm của DN Việt Nam còn hạn chế về bao bì, DN đa phần mới nhấn mạnh đến sản phẩm chứ chưa nhấn mạnh đến thương hiệu. Dẫn đến việc khách hàng nước ngoài dễ mua nhầm sản phẩm của đối thủ.

Ông Trần Nam có lời khuyên cho các DN, nên chú trọng các xu hướng thiết kế thay đổi bao bì phải dựa trên thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng quốc tế. Một bao bì hấp dẫn, độc đáo, phù hợp với nguyên tắc thiết kế của thương hiệu có thể tạo ra sự nhớ đến thương hiệu và tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.

“Bao bì tạo ra sự kích thích tò mò, sẽ khơi gợi cho người tiêu dùng tìm hiểu, trải nghiệm sản phẩm, bằng cách sử dụng hình ảnh, biểu đồ, từ ngữ và các yếu tố khác. Bao bì có thể nhanh chóng và dễ dàng truyền đạt thông điệp về chất lượng, tính độc đáo, thành phần tự nhiên hoặc bất kỳ giá trị nào mà thương hiệu muốn nhấn mạnh”, ông Nam chia sẻ.

Hoặc khi dẫn lại báo cáo của World’s Global Style Network (WGSN), trang chuyên dự đoán xu hướng thế giới, bà Nguyễn Thị Xuân Yến – sáng lập Trà Quế Studio, cho rằng xu hướng của người tiêu dùng quốc tế đang hướng đến chăm sóc sức khỏe có tính phòng ngừa, người ta ăn để không bị bệnh, hay để giảm bệnh. Do đó, các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm phải “show” (trưng bày) ra được yếu tố này trên bao bì sản phẩm, có như vậy cạnh tranh trên thị trường quốc tế mới hiệu quả.

                                                                                 Thế Vinh

Môi trường kinh doanh