CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp địa ốc ‘khốn khổ’ trên đống ‘đất vàng’

Invest Global 15:49 26/09/2021

Năm 2016, Công ty CP Địa ốc Him Lam triển khai dự án Him Lam Phú An với 1.029 căn hộ chung cư tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Cũng từ đó đến nay, doanh nghiệp này không ra mắt một dự án nào mới tại TP.HCM dù trong báo cáo tài sản của doanh nghiệp này thì quỹ đất mà họ nắm trong tay không phải ít. Cụ thể, công ty phụ trách mảng bất động sản của Tập đoàn Him Lam đang có trong tay quỹ “đất vàng” mà bao doanh nghiệp bất động sản khác phải mơ ước. Cụ thể, tại phường Bình An, TP Thủ Đức, doanh nghiệp này đang sở hữu quỹ đất rộng 127ha ngay đường song hành cao tốc nối vào đường Mai Chí Thọ. Bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó tổng Giám đốc Him Lam Land cho biết quỹ đất này đang được doanh nghiệp xin phát triển dự án từ năm 2015, nhưng tới nay vẫn chưa được chấp thuận pháp lý phát triển dự án.

Tại quận 7, doanh nghiệp này đang sở hữu mảnh đất rộng gần 4.000m2 tại mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ và năm 2017 đã nộp đơn xin  hồ sơ xin phát triển dự án chung cư, tuy hiện tới nay dự án vẫn chưa được cấp phép. Bên cạnh đó, một quỹ “đất kim cương” nằm tại số 11D đường Thi Sách quận 1 mà doanh nghiệp này đang sở hữu cũng được phía doanh nghiệp cho biết đã nằm trong danh sách phát triển dự án bất động sản giai đoạn 2016 – 2020 nhưng tới nay vẫn chưa được cấp phép phát triển.

Tập đoàn Hà Đô cũng trong tình cảnh như Him Lam Land. Sau khi phát triển dự án lớn tại đường 3/2 quận 10 vào năm 2015 thì tới nay doanh nghiệp này chưa có thêm dự án mới tại TP.HCM. Trong khi đó, quỹ đất mà doanh nghiệp này có trong tay ở TP.HCM cũng không hề nhỏ. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Hà Đô tại TP.HCM cho biết ngay sau khi phát triển dự án tại quận 10 thì doanh nghiệp ông đã mua 2 quỹ đất tại quận 8 và TP Thủ Đức. Cả hai quỹ đất này doanh nghiệp đã phải chi số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng, đã nộp hồ sơ xin phát triển dự án từ năm 2017 tới nay, thế nhưng cũng từ đó tới giờ các quỹ đất này chỉ để cỏ mọc.

Công ty CP Đầu Tư và Xây dựng Phúc Khang thậm chí còn ảnh hưởng nặng hơn khi từ năm 2014 tới nay, sau dự án bất động sản xanh tại quận 8 được đưa ra thị trường thì tới nay doanh nghiệp này chưa thể phát triển dự án mới tại TP.HCM. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang cho biết, hiện trong tay Phúc Khang có quỹ đất rất lớn. Cụ thể tại mặt tiền đường Mai Chí Thọ TP Thủ Đức doanh nghiệp bà có tới 3 quỹ đất rộng hơn 10ha. Tại quận 10 đường Thành Thái có quỹ đất 10ha, tại quận Tân Phú cũng có quỹ đất rộng hơn 2ha… Các quỹ đất này đều là đất sạch mà doanh nghiệp đã bỏ hàng ngàn tỷ đồng để thâu tóm. Hiện các quỹ đất đều được Phúc Khang làm thủ tục xin cấp phép phát triển dự án bất động sản nhưng vẫn chưa được cấp phép.

Các quỹ đất mà doanh nghiệp này có phải nhắc tới như quỹ đất hơn 5ha tại đường Thủy Lợi TP Thủ Đức, một dự án rộng hơn 3ha trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức. Tại đường Phạm Văn Đồng TP Thủ Đức doanh nghiệp này cũng có trong tay quỹ đất rất lớn… phía Đất Xanh Group cho biết tất cả các quỹ đất này đều đã được doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ nộp xin phát triển dự án bất động sản nhiều năm nhưng vẫn chưa được cấp phép…

Bên cạnh các doanh nghiệp trên thì tại TP.HCM các “ông lớn” trong ngành bất động sản như Hưng Thịnh Corp, Novaland, Vietcomreal, TTC Land, Phát Đạt, Vạn Thạnh Phát… Cũng có những quỹ đất rất lớn. Vậy nhưng, số lượng dự án được các doanh nghiệp này triển khai mở bán mới tại TP.HCM lại chỉ đếm trên đầu bàn tay trong vòng 4 năm qua.

“Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp lớn như Hưng Thịnh Corp, Novaland, Phát Đạt… phải bỏ chạy ra các tỉnh khác để phát triển dự án bất động sản. Các doanh nghiệp không thể phát triển dự án bất động sản tại các tỉnh khác thì đành cắt giảm nhân sự doanh nghiệp, thậm chí có những doanh nghiệp khó khăn tài chính tới mức đã nhiều tháng qua phải nợ lương người lao động”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết.

Đúng như ông Châu nói, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết sau khi dự án đầu tiên tại TP.HCM được phát triển thì tới nay doanh nghiệp đã cắt giảm số lượng lớn nhân sự của công ty, chỉ còn lại dàn lãnh đạo là chủ yếu. Phía Công ty Phúc Khang thì đã phải bỏ bộ máy nhân sự mảng môi giới chỉ còn lại mảng phát triển dự án. Vietcomreal cũng trong cảnh chỉ còn lãnh đạo chứ đã phải cho nghỉ nhân viên các mảng còn lại mà doanh nghiệp bất động sản cần có như kinh doanh hay hậu cần. Công ty Him Lam Land cũng trong cảnh tương tự đó là cắt giảm nhân sự…

Một vị Tổng giám đốc tập đoàn bất động sản lớn tại TP.HCM cho biết những quỹ đất mà các doanh nghiệp có trong tay để phát triển dự án là rất lớn, trong khi đó nhu cầu nhà ở của người dân tại TP.HCM rất nhiều. Nhưng vì không được cấp phép dự án mới nên đã tạo ra một cảnh tượng giá nhà tăng cao, khách hàng không thể mua nhà ở, ngân sách bị thất thu còn doanh nghiệp phải sống trong đống nợ và nguy cơ phá sản dù tài sản chính là đất lại có rất nhiều.

“Cái vướng mà cơ quan chức năng không cấp phép dự án ở các quỹ đất mà doanh nghiệp có đó là đa phần các quỹ đất này là đất sản xuất mua lại từ các công ty cổ phần nhà nước đã giải thể hoặc không còn hoạt động rồi chuyển qua mục đích làm đất ở. Và hiện luật đang khắt khe với việc cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ các quỹ đất này”, vị Tổng giám đốc xin giấu tên cho biết.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng câu chuyện giải cứu diểm nghẽn của dự án bất động sản cũng như chủ đầu tư thoát cảnh “ôm đống đất” mà vẫn nghèo đã được thực hiện rất nhiều lần tại TP.HCM. Tuy nhiên việc giải cứu này lại chưa thực sự làm doanh nghiệp thoát nghèo.

Cụ thể như dự án trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú của Công ty Phúc Khang, bà Lưu Thị Thanh Mẫu cho biết dự án này được phát triển từ năm 2016 và vì vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở và được TP.HCM đưa lên bàn giả cứu từ năm 2018 nhưng tới nay vẫn chưa thể triển khai.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Hà Đô TP.HCM cho rằng hiện TP.HCM có hàng trăm dự án nhà ở mà chủ đầu tư có quyền sử dụng đất, hoặc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện đang vướng quy định về nguồn gốc đất ở khiến việc thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn và gây hiểu nhầm trong dư luận là doanh nghiệp sắp phá sản…

Do đó, việc sớm sửa Luật Đầu tư sẽ giúp thống nhất lại các quy trình, thủ tục cấp phép triển khai dự án giữa các luật và nghị định. Từ đó, tạo điều kiện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án, giảm áp lực về chi phí gia tăng do thời gian triển khai dự án kéo dài, nhất là trong bối cảnh thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

“Tuy nhiên, chúng tôi cần sự bắt tay ngay của chính quyền vào việc áp dụng luật mới để chúng tôi không phải sống cảnh trong tay đầy đất mà vẫn nghèo đói như hiện nay. Chúng tôi chờ đợi quá lâu để được phát triển rồi”, ông Tuấn nói.

Doanh nghiệp - Doanh nhân