CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp FDI nói gì về việc áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% từ năm 2024?

Invest Global 16:08 15/03/2024

Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Bởi từ 1/1/2024 các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu euro trở lên đều phải đóng thuế tối thiểu là 15%.

Được biết, 2024 là năm bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 107 về việc áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%. Chính sách mới này tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.

Mức thuế này không áp dụng với các tổ chức của Chính phủ; tổ chức quốc tế; tổ chức phi lợi nhuận; quỹ hưu trí; quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao; tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao.

Qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều áp thuế từ năm 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỷ đồng.

z5248653855483_4977197920ce5f1d0d74b4705d52e7c8-1609Bà Đặng Mai Kim Ngân, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết, doanh nghiệp FDI đang rất quan tâm chính sách hỗ trợ từ phía Việt Nam khi áp thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh: Kim Ngọc

Phát biểu tại Hội nghị "Triển vọng và giải pháp thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và các xu hướng mới" tổ chức mới đây, bà Đặng Mai Kim Ngân, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết, với việc thuế tối thiểu toàn cầu sắp được thực thi, các doanh nghiệp trong phạm vi áp dụng đang rất quan tâm tới chính sách hỗ trợ của Chính phủ để có những tính toán tiếp theo.

"Sau 2 năm tìm hiểu tác động, chúng tôi mong sớm được biết doanh nghiệp chịu ảnh hưởng sẽ được phía nhà nước hỗ trợ ra sao cho khoản thất thoát phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Các doanh nghiệp đón nhận làn sóng hỗ trợ đầu tư mới, chính sách hỗ trợ của Việt Nam liệu có lâm vào tình trạng phải đóng thuế 2 lần", bà Ngân đặt câu hỏi.

Từ trước đến nay, các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thường được hưởng thuế suất ưu đãi, có thể bao gồm mức 0% trong những năm đầu hoạt động, sau đó tăng dần lên mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% trong một khoảng thời gian có thể lên đến 10 năm.

Liệu việc áp dụng thuế này có ảnh hưởng đến dòng vốn ĐTNN, bởi ưu đãi thuế dành cho họ trước đây sẽ không còn tác dụng và kéo theo hệ lụy là sự chuyển dịch đầu tư vào các thị trường tương tự nhưng có hỗ trợ tốt hơn từ phía quốc gia sở tại.

Nói về vấn đề này, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng phân tích Kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trưởng của VinaCapital đánh giá, thuế suất tối thiểu toàn cầu khó có khả năng cản trở dòng vốn ĐTNN của Việt Nam do thực tế là các ưu đãi về thuế không phải là điểm thu hút chính để thành lập nhà máy ở Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.

LG Chem, Samsung SDI, SK Innovation, Hanwha Solutions, Hyosung và Lotte Chemical, Intel, Foxconn là những cái tên được quan tâm trong bối cảnh áp thuế mới như hiện nay.

Cuối tháng 2 vừa qua, LG Chem dự kiến sẽ có nghĩa vụ nộp thêm 150 tỷ won (112 triệu USD) cho Chính phủ Hàn Quốc. Điều này là do công ty nắm giữ hơn 80% cổ phần của LG Energy Solution (LGES), dự kiến sẽ được hưởng lợi từ khoảng 2.000 tỷ won (1,5 tỷ USD) ưu đãi thuế ở Mỹ theo Đạo luật Giảm lạm phát. Đại diện doanh nghiệp này cho biết việc LG Chem có nộp thêm thuế hay không phụ thuộc vào quyết định bán cổ phần của mình trong công ty con.

Doanh nghiệp - Doanh nhân