CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn nhân dịp chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hàn Quốc từ 30/6-3/7, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), nêu rằng tiềm năng mở rộng đầu tư từ Hàn Quốc còn rất nhiều, nhưng các doanh nghiệp cần được giải quyết nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính.
Còn lo ngại về điều kiện đầu tư
Số liệu thống kê cho thấy FDI từ Hàn Quốc giảm và tụt xuống vị trí thứ năm trong năm 2023 trong số các nền kinh tế đầu tư tại Việt Nam. Ông có cho rằng điều này phản ánh sự bi quan của doanh nghiệp Hàn Quốc hay phản ánh sự đi xuống của môi trường đầu tư của Việt Nam?
Ông Hong Sun: Nhiều người biết rằng người Hàn Quốc nói đi đôi với làm. Chúng tôi đang chờ đợi việc công bố của nhiều dự án, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Nếu đúng theo kế hoạch ban đầu thì các dự án đó đã phải bắt đầu từ nhiều năm trước rồi và đáng lẽ giờ đây các dự án đó đã hoàn thiện chứ không phải là chưa khởi công. Hiện tượng đó dẫn đến sự thận trọng của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn. Ảnh: Minh Tuấn.Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang cảm thấy không yên tâm về nguồn điện, mặc dù lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ không để thiếu điện. Những nhà đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, công nghệ cao rất cần nguồn cung điện ổn định để ra quyết định đầu tư.
Hiện có xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và đầu tư trung tâm dữ liệu, mà đây lại là hai lĩnh vực tiêu thụ nhiều điện. Đối với các ngành tiêu thụ điện năng nhiều, nhà đầu tư cần đảm bảo chắc chắn về nguồn cung điện, nếu không họ sẽ không đầu tư. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ điện trong nước ở Việt Nam đang rất cao, nhất là khi thời tiết nắng nóng.
Trở ngại lớn tiếp theo là nguồn nhân lực. Do nền kinh tế phát triển nhanh, nhu cầu về nguồn nhân lực đã qua đào tạo ở Việt Nam rất lớn. Nhiều nhà máy không tuyển được kỹ sư cao cấp nên không vận hành được.
Dù lao động phổ thông dồi dào, song một số trung tâm sản xuất công nghiệp vẫn thiếu lao động. Nguyên nhân là thiếu nhà ở, chế độ phúc lợi xã hội cho những lao động di cư từ vùng quê.
Một nguyên nhân khác khiến môi trường đầu tư ở Việt Nam dần mất tính hấp dẫn là Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) do thuế này đang ảnh hưởng tới các “đại gia” đầu tư ở Việt Nam. Mốc 750 triệu euro để tính thuế là không cao, dẫn tới việc hàng chục công ty Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi thuế này. Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo xây dựng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài, nhưng chưa có kết luận rõ ràng.
Tiến độ xây dựng các nghị định liên quan đến Thuế TTTC đang chậm. Đáng lẽ các doanh nghiệp đạt ngưỡng doanh thu 750 triệu euro/năm đã phải nộp thuế tối thiểu là 15% từ đầu năm nay rồi, mà đến nay vẫn chưa có quy định rõ ràng về mức độ, loại hình hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu đầu tư lớn mà chưa có quy định rõ ràng thì doanh nghiệp không thể ra quyết định đầu tư được.
Tôi không đồng ý với một số ý kiến trong nước cho rằng nhà đầu tư nước ngoài lúc nào cũng xin hỗ trợ, ưu đãi. Nhưng không có những khoản hỗ trợ đó thì khó thu hút được FDI trong khi các nước láng giềng cũng đang quyết liệt ganh đua. Thậm chí, Samsung nhận được hơn 6 tỷ USD hỗ trợ tiền mặt và TSMC (Đài Loan) nhận được khoản hỗ trợ hơn 20 tỷ USD từ Chính phủ Mỹ để đầu tư vào nhà máy tại Mỹ.
Do vai trò quan trọng của chất bán dẫn, nên Mỹ và nhiều nước muốn đảm bảo chuỗi cung ứng trong nước được an toàn, không phải dựa vào nhập khẩu. Trước đây, khi xu hướng tự do thương mại vượt trội, các nhà đầu tư yên tâm, nhưng hiện nay trước các rủi ro địa chính trị, các nước muốn đảm bảo chuỗi cung ứng an toàn tuyệt đối trong lãnh thổ của mình.
Nếu Việt Nam muốn phát triển lâu và xa, thì cần phát triển một số lĩnh vực đó thông qua ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, Thuế TTTC khiến môi trường đầu tư ở Việt Nam kém hấp dẫn. Trước đây doanh nghiệp nước ngoài được hưởng miễn, giãn thuế, nhưng nay bị áp thuế tối thiểu 15% nên họ không vui.
Về thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp đang than phiền tốc độ thực thi không nhanh chóng như trước. Vấn đề nổi cộm là giấy phép lao động, thẻ tạm trú và visa. Ở các nước khác, nhà đầu tư nước ngoài không gặp trở ngại với giấy phép cư trú, thậm chí với khoản đầu tư chỉ vài trăm nghìn USD. Tuy nhiên, chế độ cư trú dành cho nhà đầu tư lớn nhất và nhỏ nhất ở Việt Nam đều như nhau.
Mỗi lần làm thủ tục xin lại giấy phép lao động, họ phải mất nhiều thời gian, phải cung cấp nhiều giấy tờ như thủ tục công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự, giấy xác nhận của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Nhiều người thậm chí cho rằng xin giấy phép đầu tư còn dễ hơn xin thẻ tạm trú. Khi xin giấy phép đầu tư, doanh nghiệp chỉ mất 2-3 ngày chờ các ban quản lý khu công nghiệp cấp. Các địa phương đang cạnh tranh đầu tư, nếu nhà đầu tư gặp trục trặc thì họ sẽ tìm đi chỗ khác.
Vừa qua có luồng ý kiến cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng đã khiến lãnh đạo địa phương và cơ quan chính phủ e ngại ra quyết định, khiến quá trình cấp phép đầu tư chậm trễ. Quan điểm của ông ra sao? Đây có phải là một hệ quả không mong muốn của chương trình chống tham nhũng hay không?
Ông Hong Sun: Chúng tôi ủng hộ nỗ lực chống tham nhũng ở Việt Nam, xử lý các sai phạm và làm trong sạch nội bộ Đảng. Trong ngắn hạn, điều này có thể gây ra một số khó khăn. Nhưng về lâu dài, hệ thống trở nên minh bạch, rõ ràng và tốt đẹp hơn.
Trong thực tế, nhiều dự án gặp vấn đề về thủ tục thuê đất. Đơn cử như một số dự án đã đi vào hoạt động nhưng họ chưa được chính quyền địa phương ký hợp đồng giao, cho thuê đất chính thực. Một số dự án ở Khu công nghệ cao Láng-Hòa Lạc đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và điều này ảnh hưởng đến các khoản đầu tư tiếp theo.
Lợi thế thu hút FDI của Việt Nam không kéo dài mãi
Một số năm gần đây, do căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc lớn và sự đứt gãy nguồn cung, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng được coi là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI. Quan điểm của ông ra sao?
Ông Hong Sun: Chúng tôi không nghi ngờ tiềm năng phát triển của Việt Nam và đầu tư từ Hàn Quốc. Vấn đề là Việt Nam muốn phát triển đến đâu, đến mức vừa phải như một số nước khác ở Đông Nam Á hay vượt lên phát triển vượt bậc như Hàn Quốc và Nhật Bản. Chắc chắn Việt Nam muốn phát triển hơn Hàn Quốc. Để được thế, Việt Nam cần phải nhận được dòng đầu tư mạnh mẽ. Muốn vậy, cần phải có sự quyết tâm, tập trung và tự tin.
Hiện khu vực FDI chiếm đến hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng lợi thế của Việt Nam có thể không kéo dài mãi, như chi phí lao động thấp hay các ưu đãi đầu tư sẽ không thể mãi tốt hơn các nước khác. Khi nào tiền lương tối thiểu của Việt Nam cao hơn các nước khác, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm nơi đầu tư khác.
Ông Hong Sun (phải) cùng ông Park Hang Seo, nguyên huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam, trong cuộc gặp rất giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và những người bạn Hàn Quốc tại Seoul, ngày 30/6/2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
LG và Samsung hiện là những nhà sản xuất đồ gia dụng, điện thoại lớn ở Việt Nam. Doanh thu của họ có lúc chiếm đến 25% tổng GDP của Việt Nam. Điều gì sẽ xảy ra nếu các “đại gia” đó rút khỏi Việt Nam? Việt Nam sẽ còn lại gì? Hiện Samsung đã rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc rồi, chỉ còn lại mảng chất bán dẫn.
Chúng ta phải đầu tư từ bây giờ cho nền tảng công nghiệp và công nghệ, chứ không phải xuất khẩu nông sản, thủy sản hay khoáng sản, là những ngành không tạo ra giá trị gia tăng cao. Cần đưa thêm hàng lượng chất xám, giá trị gia tăng vào sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Bản thân tôi rất lo ngại cho tương lai của Việt Nam. FDI không thể tốt mãi, mà cần phát triển nền công nghiệp trong nước. Do đó, cần có hỗ trợ về chính sách và các hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ. Các doanh nghiệp như Samsung, Hyundai hay LG không thể vươn lên đạt quy mô như hiện nay nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ Hàn Quốc. Chính phủ đã huy động vốn nhà nước một cách hợp lý dành cho những doanh nghiệp xuất khẩu nhiều. Tương tự Việt Nam, Hàn Quốc là một quốc gia chú trọng xuất khẩu và có nhiều cơ quan chuyên trách về xuất khẩu như Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Công ty Thương mại Thực phẩm và Nông - Thủy sản Hàn Quốc (aT)…
Chúng tôi coi những nhà xuất khẩu, sản xuất lớn là những anh hùng. Việt Nam cũng nên coi trọng những doanh nghiệp như vậy. Muốn thế, những doanh nghiệp đó phải làm ăn đàng hoàng, chứ không phải dựa vào lobby (vận động hành lang) hay quan hệ với lãnh đạo nhà nước.
Báo cáo của các tổ chức lớn như JBIC, AHK, KOTRA… cho thấy tâm lý lạc quan nhiều về triển vọng đầu tư tại Việt Nam. Quan điểm của KoCham ra sao về môi trường đầu tư của Việt Nam?
Ông Hong Sun: Việt Nam có nhiều hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương. Đây là một điều rất hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu. Một lợi thế khác là nguồn nhân lực. So với các nước khác, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và khéo léo. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất và xuất khẩu. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang quan tâm đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dù Việt Nam có nhiều ưu thế, nhưng vẫn còn một số vấn đề nhỏ gây ra sự khó chịu và chưa yên tâm cho nhà đầu tư Hàn Quốc. Những vấn đề liên quan đến visa, thẻ tạm trú hay giấy phép lao động không phải là chuyện nhỏ như nói ở trên. Đó là những ví dụ tiêu biểu liên quan đến hoạt động của người Hàn Quốc tại Việt Nam, khiến họ rất khó chịu và suy giảm niềm tin.
Việt Nam nên suy nghĩ kỹ khi làm một số luật mới, đánh giá kỹ tác động tới doanh nghiệp. Ngay cả quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuyên trách cấp phép đầu tư cũng vênh với cơ quan thu thuế là Bộ Tài chính. Lập trường của Bộ Tài chính là càng thu càng nhiều thuế càng tốt. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư xúc tiến và thu hút càng nhiều nhà đầu tư càng tốt. Một bên là muốn tạo điều kiện cho nhà đầu tư, còn một bên khác là siết chặt việc thu thuế. Do đó, các bên cần cân đối lại cách tiếp cận.
Một vấn đề phát sinh khác là sự chậm trễ trong hoàn thuế VAT, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Có doanh nghiệp nước ngoài bị chậm hoàn thuế đến hàng trăm tỷ đồng. Việc hoàn thuế đáng lẽ không thuộc đối tượng phải xin, gửi công văn qua lại, mà phải tự động hoàn trả cho doanh nghiệp. Đáng tiếc là hiện tượng này xảy ra thường xuyên, đến nỗi thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
Một số doanh nghiệp vướng mắc rất lớn, nhưng vấn đề chậm được giải quyết, khiến họ mệt mỏi, không muốn mở rộng đầu tư ở đây. Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc cho các dự án quan trọng và khơi thông dòng vốn đầu tư mạnh mẽ.
Hàn Quốc hiện có 10.000 doanh nghiệp đầu tư ở đây, không nước nào có số lượng doanh nghiệp lớn như vậy. Gần 200.000 người Hàn Quốc sống ở đây. Chúng tôi rất yêu thích ở Việt Nam. Bố mẹ vợ tôi là người Mỹ gốc Hàn, rất muốn ở đây, nhưng gặp khó khi xin visa hoặc sau mỗi 6 tháng họ phải nộp lại hồ sơ từ đầu. Việt Nam chưa có visa cho người về hưu hoặc chỉ cho visa thăm thân ngắn hạn.
Bản thân tôi đã đầu tư và sống ở đây 30 năm rồi, nhưng cứ 2 hoặc 5 năm lại phải xin visa. Dù tôi là Chủ tịch KoCham ở đây nhưng không có ngoại lệ.
KoCham đang chuẩn bị thực hiện một khảo sát quy mô lớn về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tổng hợp các ý kiến, vướng mắc của họ để gửi lên Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị phù hợp.
Xin ông cho biết một số xu hướng đầu tư của Hàn Quốc sắp tới ở Việt Nam ra sao?
Ông Hong Sun: Một số ngành truyền thống như may mặc, giày dép, túi xách vẫn là các lĩnh vực cần được khuyến khích. Nếu ngày trước Việt Nam sản xuất các sản phẩm giá rẻ, thì giờ đây đã sản xuất các sản phẩm có thương hiệu, với giá trị gia tăng cao.
Các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc muốn tiếp tục mở rộng ở đây, nhưng cần đảm bảo một số điều kiện như cơ sở hạ tầng, nguồn điện, nhân lực… Do đó, họ cần Chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm giải quyết các lo ngại.
Quay trở lại vấn đề nguồn điện, Việt Nam nên xem xét khởi động lại dự án điện hạt nhân. Nếu không có điện hạt nhân thì Việt Nam khó có thể thực hiện được các kế hoạch tương lai. Trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp Hàn Quốc có lợi thế về công nghệ và giá cả.
Các lĩnh vực tiềm năng khác bao gồm điện khí và đường sắt cao tốc. Hàn Quốc vận hành đường sắc cao tốc nhiều chục năm nay với hiệu quả tốt, và doanh nghiệp Hàn Quốc cũng quan tâm đầu tư ở lĩnh vực này.
Tựu trung, chúng tôi rất muốn mở rộng đầu tư, nhưng quá trình xử lý các vướng mắc còn hơi chậm. Chúng tôi không quan tâm đến các vấn đề nội bộ của Việt Nam, mà chỉ muốn các thủ tục hành chính diễn ra bình thường.
Hiện quan hệ giữa hai Chính phủ rất tốt, có nhiều chuyến thăm cấp cao lẫn nhau. Do đó, giờ là lúc tập trung cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Xin trân trọng cảm ơn ông!