CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp logistics số hóa, xanh hóa để vươn ra biển lớn

Invest Global 09:09 17/07/2025

Phát triển logistics xanh giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, đi nhanh hơn, vượt lên trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu. Tuy nhiên, việc xanh hóa logistics là một hành trình còn nhiều thách thức.

(TBTCO) - Phát triển logistics xanh giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, đi nhanh hơn, vượt lên trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu. Tuy nhiên, việc xanh hóa logistics là một hành trình còn nhiều thách thức.

Doanh nghiệp logistics số hóa, xanh hóa để vươn ra biển lớn Theo Ngân hàng Thế giới, hoạt động vận tải tại Việt Nam mỗi năm phát thải hơn 50 triệu tấn CO2. Ảnh: Đức Thanh Logistics xanh - hành trình nhiều thách thức

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.

Chi phí logistics tại Việt Nam được cải thiện đáng kể

Về chi phí logistics, theo ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, với sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ vào hạ tầng giao thông và việc doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, chi phí logistics tại Việt Nam đang được cải thiện tích cực, hiện ở mức khoảng 16 - 18% GDP. Việc đầu tư vào hạ tầng, công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số đang giúp cắt giảm đáng kể chi phí vận hành, từ đó giảm chi phí logistics tổng thể.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hóa” các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững về môi trường và công bằng xã hội. “Phát triển logistics xanh" là một trong số các nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành liên quan trong bản chiến lược này… Cũng theo Chủ tịch VCCI, để thực hiện Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm của kế hoạch.

“Bằng việc đặt ra các mục tiêu rõ ràng về giảm phát thải trong Chương trình hành động về chuyển dịch năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải, Việt Nam đang xây dựng nền tảng chính sách vững chắc, thúc đẩy vận tải đa phương thức, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch hơn và công nghệ số…” - ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc xanh hóa - logistics là một hành trình đầy thách thức. Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, dù được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển logistics nhanh nhất khu vực nhưng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sức ép lớn về môi trường. Theo Ngân hàng Thế giới, hoạt động vận tải tại Việt Nam mỗi năm phát thải hơn 50 triệu tấn CO2, trong đó vận tải đường bộ chiếm tới 85%.

Cùng với cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, các doanh nghiệp logistics đang chịu sức ép ngày càng lớn phải chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh và bền vững.

Bên cạnh đó, mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn khá thấp và thiếu đồng đều. Trong đó, những rào cản chính bao gồm: Chi phí đầu tư cao, với khoảng 90% doanh nghiệp logistics là vừa và nhỏ (SME), việc đầu tư vào phương tiện xanh hay công nghệ thân thiện môi trường là thách thức lớn. Hạ tầng chưa theo kịp, cơ sở hạ tầng cho phương tiện vận tải xanh còn hạn chế, khiến việc triển khai gặp khó khăn. Doanh nghiệp gặp thách thức khi lựa chọn công nghệ hay việc thiếu đội ngũ chuyên gia có kiến thức và năng lực triển khai.

“Đặc biệt là pháp lý thiếu đồng bộ. Dù đã có nhiều chiến lược quốc gia như về kinh tế tuần hoàn hay tăng trưởng xanh, nhưng hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ và thiếu liên kết giữa các bộ, ngành…” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng cho rằng, thực tế tại Việt Nam cho thấy, trong cuộc đua chuyển đổi và sẵn sàng “xanh hóa”, các doanh nghiệp logistics chưa đồng đều về nguồn lực.

Theo Chủ tịch VLA, với các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài thì họ đã bắt đầu triển khai các sáng kiến logistics xanh, như sử dụng xe điện, cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng thông qua số hóa hoặc xây dựng trung tâm logistics tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 90% số lượng doanh nghiệp logistics Việt Nam, vẫn gặp nhiều rào cản như chi phí đầu tư cao, thiếu thông tin và thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể.

Đưa Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Chia sẻ kinh nghiệm từ Australia, ông Edwin Law - Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (AusCham) cho biết, tại Australia, nhiều công ty đã tiên phong phát triển và ứng dụng các mô hình công nghệ thông minh, không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn gia tăng lợi nhuận một cách rõ rệt. Hiện một số doanh nghiệp Australia đã và đang chuyển giao mô hình này cho các đối tác tại Việt Nam thông qua hình thức liên doanh và mang lại những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, việc các nhà máy tại Việt Nam bắt đầu sử dụng năng lượng tiết kiệm, tích hợp tiêu chuẩn môi trường vào sản xuất là tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực rõ ràng của Việt Nam trong hành trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

“Trong thời gian tới, AusCham sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VCCI và các bên liên quan để chia sẻ kinh nghiệm, cùng đưa ra các giải pháp về logistics bền vững, đồng thời kết nối sâu rộng hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Australia, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đề cập đến giải pháp xanh hóa logistics, ông Đào Trọng Khoa cho hay, doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước bắt đầu quá trình chuyển đổi xanh dựa trên 3 yếu tố: công nghệ, số hóa và xanh hóa một cách tích cực và đích thực. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển sang sử dụng những năng lượng thân thiện môi trường và tái tạo, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ, các doanh nghiệp đang áp dụng giải pháp tối ưu hóa lộ trình, giảm thiểu quãng đường rỗng, qua đó gián tiếp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Việc đầu tư vào phương tiện và phương thức vận tải xanh cũng là một trong những giải pháp trọng tâm. Minh chứng là các doanh nghiệp đã đầu tư vào đội tàu mới để thúc đẩy vận tải thủy nội địa, gia tăng thị phần vận tải thủy nhằm giảm thiểu vận tải đường bộ.

Giải pháp phát triển logistics xanh

Việc tích hợp logistics xanh trong doanh nghiệp Việt Nam là xu hướng tất yếu, được thúc đẩy bởi 4 yếu tố then chốt: Chính sách quốc gia và cam kết tăng trưởng xanh; áp lực thị trường và nhận thức môi trường ngày càng cao; vai trò nền tảng của hạ tầng logistics; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.

Theo các chuyên gia kinh tế, các nỗ lực chuyển đổi xanh của doanh nghiệp chỉ thực sự hiệu quả khi có sự đồng hành từ chính sách và tài chính. Cần khuyến khích tài chính xanh và các cơ chế hợp tác công - tư; ưu đãi thuế và miễn trừ pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện (EV). Muốn khuyến khích sử dụng EV, thì cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng như miễn thuế đăng ký, nới lỏng thủ tục cho cả xe sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu. Điều này vừa thúc đẩy cung ứng, vừa tạo động lực cho thị trường.

Ở góc độ cơ quan quản lý, để chuyển đổi sang logistics xanh, ông Trần Thanh Hải cho rằng, trước hết cần tập trung chuyển đổi năng lượng, các phương tiện vận chuyển sử dụng năng lượng điện tái tạo, hydrogen, LNG…; khuyến khích chuyển đổi phương tiện sang đường thuỷ, đường sắt có năng lượng vận tải lớn. Bên cạnh đó, cần tối ưu hóa quy trình thông qua việc vận tải quy mô lớn hơn, giảm chạy rỗng, xây dựng kho, cảng thông minh; thực hiện bù trù phát thải bằng cách tham gia trồng rừng...

Với doanh nghiệp, cần xây dựng chiến lược phù hợp với định hướng phát triển xanh; nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, đầu tư các trang thiết bị hiện đại; ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường; chia sẻ và nỗ lực hợp tác; áp dụng công nghệ mới và ứng dụng AI để tối ưu hoá hoạt động; xây dựng mô hình logistics xanh tích hợp.