CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG Online) – Áp lực thuế quan từ thị trường Mỹ và xanh hoá từ thị trường châu Âu không chỉ làm tăng chi phí, mà còn đòi hỏi các doanh nghiệp phải tối ưu hóa chuỗi cung ứng và logistics để duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đầu tư nhanh hạ tầng logistics để đánh thức biển ĐBSCLTPHCM mới cần làm gì để trở thành thủ phủ công nghiệp - logistics?Áp lực từ hai thị trường lớn
Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16% mỗi năm, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lên 786,29 tỉ đô la Mỹ năm 2024. Nhưng những biến động địa chính trị toàn cầu thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy hàng hóa toàn cầu, đồng thời đặt ra những với ngành logistics.
Theo đó, chính sách thuế quan mới làm giảm khối lượng hàng hóa, tăng chi phí logistics. Cụ thể, chi phí vận chuyển container tới bờ Tây nước Mỹ tăng từ 1.850 lên 2.950 đô la, cước đến bờ Đông nước Mỹ tăng từ hơn 2.000 lên gần 5.000 đô la mỗicontainer. Còn phí lưu kho tại cảng Los Angeles có thể lên tới 500 đô la mỗi ngày, với một container.

Ông Hoàng Đình Kiên, Tổng giám đốc Công ty tiếp vận Hòa Phát (Hòa Phát Logistics), cho biết biến động thương mại quốc tế những năm gần đây đã dẫn tới thay đổi và gián đoạn chuỗi cung ứng.
“Điều này khiến doanh nghiệp logistics gặp áp lực rất lớn do nhiều loại chi phí tăng, nhưng không thể tăng giá dịch vụ lên cao. Bên cạnh đó, là khó khăn trong quản trị hệ thống làm sao cho hiệu quả nhất, từ đó mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh” ông Kiên nói.
Trong bối cảnh trên, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, dự báo động thái áp thuế đối ứng từ Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sẽ khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất buộc phải thu hẹp đơn hàng hoặc dịch chuyển thị trường. Điều này làm giảm đáng kể khối lượng hàng hóa cần vận chuyển, kho bãi, thủ tục hải quan, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến vận tải quốc tế và hậu cần thương mại điện tử xuyên biên giới.
“Với nhiều doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ, vốn phụ thuộc vào một vài đối tác xuất khẩu lớn, đây có thể là cú sốc khiến doanh thu giảm sút, thậm chí phải ngừng hoạt động nếu không kịp tái cấu trúc”, ông Hải lo ngại.
Cũng theo đại diện Cục xuất nhập khẩu, khi rủi ro thương mại gia tăng, đặc biệt liên quan đến gian lận xuất xứ hay áp thuế đối ứng, các tập đoàn đa quốc gia có thể cân nhắc lại kế hoạch đầu tư. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI, mà còn tác động trực tiếp đến các hoạt động logistics đi kèm như xây dựng trung tâm phân phối, hệ thống kho vận, logistics thương mại điện tử.
“Nếu Việt Nam bị giảm vai trò trong chuỗi cung ứng giá trị cao, ngành logistics sẽ không có cơ hội tiếp cận các dịch vụ giá trị gia tăng cao như logistics tích hợp, logistics thông minh hay quản lý chuỗi cung ứng số hóa”, ông Hải phân tích
Không chỉ đối mặt với áp lực từ Mỹ, mà rào cản thuế carbon, cùng các yêu cầu ESG ngày càng khắt khe từ thị trường châu Âu cũng buộc doanh nghiệp logistics phải ‘xanh hoá’.
“Logistics xanh đang trở thành tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu và yêu cầu của khách hàng. Trong đó, thị trường châu Âu đã triển khai cơ chế CBAM - đánh thuế carbon lên hàng nhập khẩu có mức phát thải cao”, ông Hải nói tại diễn đàn “Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025” diễn ra cách đây ít ngày.
Bổ sung, ông Koen Soenens, đại diện KCN DEEP C, cho biết các doanh nghiệp châu Âu đang chịu áp lực lớn từ những tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt ở thị trường nội địa. Để thích ứng, họ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể tại Việt Nam, gồm: sử dụng năng lượng mặt trời tại kho vận, văn phòng; triển khai đội xe giao nhận xanh; tích hợp công cụ số để tối ưu lộ trình, tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy nhiều rào cản vẫn đang tồn tại như hạ tầng logistics chưa đồng bộ, chính sách còn thiếu nhất quán, nhiều quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai thực tế.
Còn bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty đầu tư và xây dựng Phúc Khang, nêu thực trạng 90% doanh nghiệp logistics là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong khi nguồn lực để chuyển đổi xanh là rất lớn.
“Làm sao để các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, cải tiến quy trình sản xuất và có nguồn lực chuyển đổi xanh dễ hơn? Đây là việc các cơ quan quản lý cần lưu ý để đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp… Đơn cử, tại Singapore, họ đã có cơ chế, nguồn lực để chuyển đổi xanh cách đây hơn 10 năm”, bà Mẫn nói.
Chìa khoá để bứt phá
Trước áp lực từ thị trường Mỹ và châu Âu, việc đầu tư vào phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng container thông minh, tối ưu hoá lộ trình, số hoá quản lý kho bãi… là các giải pháp được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí dài hạn.

Để làm được việc này, ông Trần Thanh Hải khuyến nghị doanh nghiệp cần từ bỏ tư duy ứng phó ngắn hạn, hướng tới xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, dựa trên các kịch bản khác nhau. Trong đó có tính toán rủi ro về chính sách thương mại, tỷ giá, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến động địa chính trị.
"Việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo thị trường, theo dõi diễn biến chính sách quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đầu tư, xuất khẩu... phù hợp với thực tiễn, tránh bị động khi thị trường thay đổi đột ngột", ông Hải nhấn mạnh.
Một giải pháp khác cũng được các doanh nghiệp và chuyên gia kỳ vọng là tăng cường liên kết ngang và dọc trong chuỗi cung ứng, qua trung tâm logistics. Đây sẽ là "cầu nối chiến lược", giúp điều tiết luồng hàng, kết nối dịch vụ và giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí.
Tại Việt Nam, hiện có hai trung tâm logistics hiện đại mới đi vào hoạt động là Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn và Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang. Trong đó, Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang hướng đến mô hình đa phương thức với kết nối đồng thời đường sắt, đường bộ, đường sông và đường hàng không. Đồng thời, tích hợp các giải pháp logistics xanh, thông minh, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo nền tảng kết nối giữa các doanh nghiệp.
“Chúng tôi rất kỳ vọng các trung tâm logistics sẽ cung cấp dịch vụ toàn trình, từ kho bãi, thông quan đến vận chuyển. Khi đó, doanh nghiệp chỉ cần đến một điểm thay vì phải chạy lòng vòng làm nhiều thủ tục”, đại diện Hòa Phát Logistics chia sẻ.
Về dài hạn, tất cả đều kỳ vọng ngành logistics có lộ trình chuyển đổi rõ ràng, với các định hướng chiến lược như: ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng sạch và tái tạo như điện, hydrogen, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho hoạt động vận tải và kho bãi. Ngoài ra, thúc đẩy vận tải đa phương thức, đặc biệt là chuyển dịch hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy và đường sắt – những phương thức có hiệu suất năng lượng cao và phát thải thấp hơn.
Nhưng để làm được việc này, đại diện Cục xuất nhập khẩu và các hiệp hội cho rằng cần có hành lang chính sách để doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ, hướng tới hệ thống vận tải, cảng và kho bãi quy mô lớn, vận hành thông minh. Đồng thời, khuyến khích họ tham gia các chương trình bù đắp carbon, chẳng hạn như hoạt động trồng rừng, để trung hòa lượng khí thải không thể cắt giảm.