CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp nội M&A: Tìm thời cơ mới hay 'tất tay' rời cuộc chơi?

Invest Global 14:41 02/03/2021

Vẫn biết mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong kinh doanh là câu chuyện bình thường, nhưng việc doanh nghiệp có vị trí hàng đầu trong nhiều ngành rơi vào tay "ông lớn" ngoại lại khiến chúng ta không khỏi giật mình. Các doanh nghiệp nội "bán mình" là để tìm cơ hội trong những ngành nghề mới hay "tất tay" để rời khỏi thị trường?

Đầu năm 2021, ngành nhựa trở nên nóng bỏng trước thông tin SCG Packaging (SCGP) - một công ty thành viên của SCG Group (Thái Lan) thông báo đạt thỏa thuận mua 70% cổ phần của công ty sản xuất nhựa Duy Tân, một trong những doanh nghiệp (DN) đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng.

Những thương vụ "tạo sóng"

Động thái này không chỉ nối dài thêm danh sách các thương vụ đầu tư của SCG tại Việt Nam mà còn gia tăng vị thế của tập đoàn này với mảng bao bì. Có thêm nhựa Duy Tân, danh sách các công ty trong mảng bao bì của SCG tăng lên 8, với tổng doanh thu của riêng mảng kinh doanh này đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam được bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. 

Nói tới sự "mạnh tay" thâu tóm của nhà đầu tư Thái Lan có lẽ nhiều người sẽ không quên một thương vụ diễn ra vào thời điểm tháng 4/2020. Bất chấp dịch COVID-19 căng thẳng, Stark Corporation mua thành công 100% cổ phần của công ty Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và công ty cổ phần kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam (Dovina).

Theo đó, tập đoàn đến từ Thái Lan chi 240 triệu USD cho thương vụ, tương đương khoảng 66.67 đồng/cổ phần của Thipha Cables và Dovina.

Thương vụ trên không chỉ gây chú ý khi có tổng giá trị giao dịch lên đến hàng trăm triệu USD mà ThiPha Cable còn được biết đến là DN sản xuất công nghiệp tư nhân lớn ở TP.HCM và là một trong những nhà sản xuất dây và cáp điện lớn của Việt Nam.

Cùng với đó, các thương vụ thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài khác như Tập đoàn Mitsubishi và Nomura Real Estate công bố mua 80% cổ phần giai đoạn 2 của dự án Vinhomes Grand Park của Vinhomesi (VHM) tại quận 9, TP.HCM; Thương vụ Sumitomo Life nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Bảo Việt lên 22,09% và thương vụ ngân hàng Aozora bỏ ra 139 triệu USD để mua 15% cổ phần tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông...

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 20/2/2021 có 445 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 543,1 triệu USD, giảm 34,4%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 109 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 202,8 triệu USD và 336 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 340,3 triệu USD.

Tuy nhiên, dự báo của giới đầu tư cho thấy, thị trường M&A có thể phục hồi trong năm 2021 với giá trị được kỳ vọng vào khoảng 4,5 - 5 tỷ USD. Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn vì khống chế tốt dịch COVID-19. Đặc biệt, dịch COVID-19 có thể khiến một số DN suy kiệt, không cầm cự được nữa nên phải bán đi. Đó là những yếu tố để M&A trở nên sôi động.

Hiện tượng cảnh báo

Bình luận về điều này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính đánh giá: M&A là hoạt động tương đối phổ biến và bình thường trong đầu tư. Không chỉ DN Thái Lan, mà các DN nước khác nếu thấy khả năng, nhu cầu tốt mở rộng đầu tư ở Việt Nam thì họ có thể mua DN Việt Nam để đáp ứng nhu cầu đầu tư của mình, điều này cũng được hoan nghênh trong bối cảnh Việt Nam mở cửa thu hút FDI. Vì vậy, bất kể mua bán nào đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho đất nước quốc gia thì cũng là tốt.

"Chúng ta mong muốn DN Việt Nam lớn lên, nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ. Nhà đầu tư nội địa là người đóng góp lớn, tạo ra chuỗi sản xuất thuần Việt. Nhưng nếu nhà đầu tư bán đi mà có lợi hơn, cũng như để đầu tư vào ngành nghề khác thì chúng ta cũng cần ủng hộ", ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng bày tỏ: "Tôi không dám khuyên gì nhà đầu tư nội địa vì dựa trên thực tế, khả năng của mình để họ quyết định bán hay không bởi họ là người trong cuộc nên rõ hơn. Tuy nhiên, có một cảnh báo với các nhà đầu tư nội - người đưa ra quyết định bán hay không bán DN của mình là trong thời điểm dịch COVID-19 này chắc chắn hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, đình trệ trong sản xuất, dẫn tới định giá tài sản trên thị trường không chuẩn xác thì việc mua bán cần thận trọng.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lại trăn trở nỗi lo về việc một số doanh nhân có quốc tịch thứ 2, chuyển tài sản ra nước ngoài. Ông cho rằng đây là câu chuyện rất đáng cảnh báo.

"Nếu DN tính chuyện rời bỏ đất nước, thì chắc chắn họ sẽ không đầu tư lớn. Đến lúc nào đó thì họ sẽ dừng để chọn phương án an toàn. Như vậy, làm sao đất nước có thể lớn mạnh, bởi một quốc gia muốn phát triển thì bắt buộc phải có hai điều kiện rất cần là doanh nhân và tri thức.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, năm 2020 đã chứng kiến một năm đầy cố gắng của cộng đồng DN Việt Nam. Họ đã thay đổi vì sự sống còn của mình. DN đã cố gắng để thực hiện trách nhiệm của mình với người lao động. Do vậy, Nhà nước hãy giúp đỡ cho DN.

"Nhà nước thấy xu hướng nào là rủi ro cho DN thì cảnh báo, đỡ giùm cho người ta. Những gì người ta không biết thì hỗ trợ như hạ tầng số, hành lang pháp lý an toàn...", ông Cung nói.

Ông Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT

Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam làm sao để trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển. Hoàn thiện thể chế để tiếp tục thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN hơn nữa, định hướng trong thời gian tới nên tập trung vào đâu? Khâu nào là trọng yếu trong bối cảnh phát triển vũ bão về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay đổi về tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất cũng như sự phát triển của các học thuyết và xu hướng kinh doanh mới.

Bà Phạm Chi Lan

Chuyên gia Kinh tế

Chúng ta không nên háo hức quá câu chuyện đón "đại bàng" nước ngoài vào Việt Nam. Thực tế, muốn kết nối với "đại bàng" thì trong nước Việt Nam cũng phải có những DN quy mô tầm trung. Tuy nhiên, chúng ta lại đang thiếu lực lượng DN này bởi thời gian qua nhiều DN Việt Nam chỉ phát triển đến cỡ trung là lại bán tài sản cho nước ngoài thông qua M&A hoặc đem vốn ra nước ngoài đầu tư. Họ quyết định ra đi rất nhanh dù mất công sức 20-30 để gầy dựng sự nghiệp. Đây là điều đáng tiếc.

GS. Hoàng Văn Cường

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Các DN tư nhân Việt Nam phải trở thành các tập đoàn lớn để đưa đất nước phát triển. Nhìn từ bài học thành công của các quốc gia lớn trên thế giới đều thấy các tập đoàn tư nhân lớn trong nước có tác động rất lớn tới tăng trưởng kinh tế. Trên thế giới, các nước giàu đều phải dựa vào tập đoàn lớn, không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Do vậy, Việt Nam cần phải nuôi dưỡng DN để họ trở thành nền móng, trụ cột phát triển của quốc gia.

Nhật Linh 

Tin tức khởi nghiệp