CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp trước thách thức 'xanh hóa'

Invest Global 07:56 27/05/2022

Với yêu cầu của các nước nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất chỉ có con đường tất yếu phải đi là xanh hóa quá trình sản xuất. Tất nhiên, con đường để sản xuất xanh chưa bao giờ là dễ dàng với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là thời điểm bắt đầu.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), một bộ phận doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đã tiến tới quá trình tăng trưởng xanh, thông qua hoạt động độc lập hoặc liên doanh với doanh nghiệp trong nước để triển khai các công trình giảm thiểu phát thải khí CO2 ra môi trường.

Không phải để lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc

Để thúc đẩy hơn nữa quá trình này, từ ngày 28 - 30/11/2022, EuroCham sẽ tổ chức Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh. Sự kiện này được tổ chức nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết tại COP 26 và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

San-xuat-que-hoi-1581-1653556744.png

Vinasamex đưa sản phẩm quế, hồi Việt Nam đến thị trường Mỹ, EU nhờ sản xuất gắn với tiêu chuẩn xanh. 

Đại diện EuroCham cho biết, ngày nay, với yêu cầu của các nước nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất chỉ có con đường tất yếu là phải xanh hóa quá trình sản xuất. Vì vậy, áp lực tăng trưởng xanh tại Việt Nam đến từ mọi phía, không chỉ đối với Chính phủ, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Sự nỗ lực của các doanh nghiệp châu Âu về sản xuất xanh cho thấy rõ yêu cầu xanh hóa sản phẩm bây giờ không phải là lựa chọn mà trở thành bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Điều này buộc doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng nếu không muốn nằm ngoài cuộc chơi.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiện tại hầu hết các nhãn hàng thời trang tại Mỹ, Nhật Bản, châu Âu..., thậm chí là Trung Quốc đều đòi hỏi khắt khe hơn về những sản phẩm may mặc. Cụ thể, nhà nhập khẩu yêu cầu đơn vị sản xuất phải tiết kiệm nguồn nước, không chấp nhận việc sử dụng than làm khí đốt vì ảnh hưởng môi trường.

Các đối tác cũng yêu cầu người bán hàng phải sử dụng nguyên vật liệu xanh, nguyên liệu tái chế để đáp ứng xu thế của người tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này cho thấy doanh nghiệp sản xuất muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu sẽ buộc phải tự đổi mới mình, minh bạch hơn trong sản xuất cũng như đảm bảo sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các yếu tố phát triển xanh.

Hiện, một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đã bắt đầu sử dụng nguyên liệu xanh để sản xuất, tuy nhiên các mô hình như vậy vẫn chưa được nhân rộng. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans cho biết, doanh nghiệp đã sử dụng vải sợi tre, cà phê... vào một số sản phẩm nhưng chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của đối tác nên số lượng chưa đáng kể.

Trong khi đó, ông Trần Như Tùng, Phó Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Dệt may đầu tư thương mại Thành Công, chia sẻ việc sản xuất xanh là con đường mà doanh nghiệp phải đi trong thời gian tới. Song, ông mong muốn các nhãn hàng xem Việt Nam là đối tác lâu dài để đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp.

Sở dĩ ông Tùng bày tỏ mong muốn này vì có nhãn hàng yêu cầu đòi hỏi cao hơn về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường nhưng giá nhập sản phẩm không tăng tương ứng.

"Nhãn hàng cần đồng hành cùng nhà sản xuất, bởi doanh nghiệp phải có lợi nhuận thì mới phát triển bền vững và tồn tại được, ông Tùng chia sẻ.

'Trái ngọt' ở cuối con đường

Sản xuất xanh không chỉ là yêu cầu đặt ra với ngành dệt may. Với xuất khẩu nông sản, thực phẩm, những yêu cầu cũng ngày càng thắt chặt. Theo ông Matthieu Penot, Tùy viên Hợp tác thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam, nông nghiệp bền vững và hệ thống lương thực là trọng tâm trong chương trình nghị sự chính sách của EU, đặc biệt là chiến lược Farm to Fork - tầm nhìn nông nghiệp bao quát của EU về hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường. Trong tương lai, Luật của EU quản lý sản xuất lương thực cũng như nhập khẩu lương thực dự kiến sẽ củng cố các điều khoản về tính bền vững.

Ông Matthieu Penot đánh giá, nông nghiệp Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trong những nhà cung cấp rau quả và gia vị hàng đầu trên toàn cầu, tuy nhiên vẫn còn những lĩnh vực cần cải thiện. Nhìn vào danh sách năm 2021 các sản phẩm tươi nhập khẩu từ Việt Nam và phải kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên hơn tại biên giới EU, ông Matthieu Penot chia sẻ, tỷ lệ kiểm tra tăng trong năm 2021 ở một số mặt hàng như rau mùi 72%, húng quế 20%, bạc hà 30%, rau mùi 40%, hạt tiêu 20%, thanh long 10%.

"Do đó, nông nghiệp Việt Nam cần phải làm tốt hơn để khắc phục những tồn tại trên. EU đã mở rộng hỗ trợ Việt Nam để tăng cường hệ thống giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và sẽ tiếp tục thực hiện theo các chương trình song phương và khu vực".

Nắm bắt được xu hướng này, thời gian qua cũng có không ít doanh nghiệp nông sản đi đầu trong việc chuyển hướng sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Công ty Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) là một câu chuyện thành công trong việc đưa quế, hồi Việt Nam vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ.

Sau hơn 10 năm làm bạn với hàng nghìn hộ nông dân trồng quế, hồi, thay đổi từ nhận thức, thói quen hàng ngày trong sinh hoạt của họ cho đến phổ biến về các tiêu chuẩn hữu cơ cho việc trồng quế, hồi, giờ đây, Vinasamex là nhà cung cấp nguyên liệu cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới như: rượu Bombay Sapphire (Anh), trà thảo mộc Teeccino (Mỹ), nước uống vị quế Sujeonggwa (Hàn Quốc), chuỗi cửa hàng bánh quế (Mỹ)…

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Vinasamex, một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công khi đưa quế, hồi vào các thị trường khó tính là phát triển được vùng trồng theo tiêu chuẩn organic. Thời gian đầu, doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là trình độ nhận thức của người nông dân lúc đó rất thấp, đa phần là dân tộc thiểu số. Do đó, doanh nghiệp phải kiên trì để thay đổi nhận thức và lấy niềm tin của người nông dân.

"Chỉ khi người nông dân tin và sẵn sàng làm theo thì khi đó chúng ta mới kiểm soát được vùng trồng", bà Huyền nói và cho biết doanh nghiệp đang dần chuyển hướng sang nghiên cứu và xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, đem về giá trị gia tăng rất cao. Ví dụ dùng nguyên liệu quế và hồi để sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng; mỹ phẩm; bột gia vị hữu cơ...

Có thể thấy, con đường sản xuất xanh gắn với bảo vệ môi trường dù khó khăn nhưng nếu kiên trì thì thành quả thu về của doanh nghiệp là không nhỏ. Đây cũng là xu hướng mà nếu doanh nghiệp nào đi trước, đón đầu sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội như Vinasamex.

Nhật Linh 

Doanh nghiệp - Doanh nhân