CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để hiện thực hóa tham vọng toàn cầu?

Invest Global 08:18 21/08/2023

Nhìn từ câu chuyện VinFast vừa lên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ để thấy việc tham gia vào môi trường kinh doanh toàn cầu là hướng đi cần làm với doanh nghiệp Việt (nhất là các doanh nghiệp hàng đầu) có tham vọng toàn cầu. Để hiện thực hóa điều này đòi hỏi cần nâng tầm thương hiệu quốc gia cũng như thương hiệu của từng doanh nghiệp và những bước đi thích hợp cho chiến lược toàn cầu.

Xoay quanh việc VinFast vừa niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq trong trung tuần tháng 8/2023 và có những phiên giao dịch tăng giảm khá hồi hộp, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn quá sớm để nói thị trường đánh giá vốn hoá của doanh nghiệp (DN) này là bao nhiêu, thế nhưng điều tích cực là Việt Nam đã có công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ.

Nhìn từ chuyện VinFast lên sàn Nasdaq

Trên hãng tin Reuters có đưa ra nhận định VinFast sẽ phải vượt qua các thách thức và các vấn đề hiện có trong khâu vận hành của mình với sự chú ý toàn diện từ thị trường chứng khoán Mỹ.

Còn theo Ts. Majo George (Đại học RMIT), chiến lược lên sàn của VinFast đặc biệt ở chỗ đã sử dụng một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (special purpose acquisition company - SPAC). Đây là một phương pháp nhanh chóng để DN tư nhân phát hành cổ phiếu ra công chúng.

-5425-1692353793.png

Các DN hàng đầu ở Việt Nam cần có những bước đi phù hợp cho tham vọng bước vào môi trường kinh doanh toàn cầu.

Đáng chú ý, chiến lược dựa trên SPAC của VinFast được hỗ trợ bởi nguồn vốn từ Vingroup, tập đoàn mẹ uy tín có lịch sử phát triển thành công. Điều này khiến VinFast khác biệt so với phần lớn các nhà sản xuất xe điện khác, vốn thường gặp khó khăn về khả năng sinh lời và vốn dài hạn. Lợi thế khác biệt này tạo điều kiện thuận lợi để VinFast có thể vượt qua những trở ngại từng khiến một số đối thủ cạnh tranh phải rút lui khỏi cuộc chơi.

Màn chào sàn Nasdaq ấn tượng của nhà sản xuất xe ô tô điện đến từ Việt là minh chứng cho sự chuyển mình của ngành công nghiệp ô tô. Ts. Majo George lưu ý các đối thủ cạnh tranh mới, được trang bị chiến lược sáng tạo đang thách thức những chuẩn mực hiện có và chiếm được thị phần đáng kể trong bối cảnh xe điện đang lên ngôi. 

“Hành trình của VinFast sẽ đóng vai trò hình mẫu cho các DN khởi nghiệp đầy tham vọng mong muốn tìm cách bứt phá để phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực xe điện đang liên tục phát triển”, vị chuyên gia của RMIT chia sẻ.

Có thể thấy, việc quyết tâm lên sàn chứng khoán ở thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ để huy động vốn nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất như vậy là rất đáng khích lệ. Và đó cũng là cách thể hiện tham vọng toàn cầu của một DN Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là tham vọng toàn cầu của DN Việt liệu có đủ tầm ? Giới chuyên gia cho rằng việc vươn ra toàn cầu, từ chuyện tham gia các sàn chứng khoán lớn trên thế giới cho đến chiến lược tham gia vào môi trường kinh doanh toàn cầu là hướng đi cần làm cho những DN hàng đầu của Việt Nam, để từ đó góp phần đưa nền kinh tế trong nước phát triển.

Chẳng hạn như để cạnh tranh trong môi trường kinh doanh toàn cầu, các chuyên gia của RMIT nhấn mạnh đã đến lúc cả Chính phủ và cộng đồng DN ở Việt Nam cần có cách tiếp cận toàn diện và cụ thể nhằm nâng tầm thương hiệu quốc gia cũng như thương hiệu của từng DN.

Đi từng bước một vào môi trường kinh doanh toàn cầu

Xét về thương hiệu quốc gia, theo báo cáo gần đây từ Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD. Đến năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (388 tỷ USD). Và đến năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (431 tỷ USD).

Kết quả như vậy có được là nhờ sự phối hợp đồng bộ các chương trình chiến lược cũng như hỗ trợ của Chính phủ, kết hợp với nỗ lực từ phía DN nhằm tăng cường sự hiện diện và giá trị của họ ở cả thị trường trong nước và toàn cầu.

Còn về thương hiệu của DN, trong đánh giá mới nhất vào trung tuần tháng 8/2023, Brand Finance đã công bố top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023. Bảng xếp hạng cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ về giá trị thương hiệu của các ngành tại Việt Nam. Trong đó, viễn thông, ngân hàng và thực phẩm là những ngành có đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị bảng xếp hạng với tỷ trọng lần lượt là 31%, 30%, 10%...

Ngoài vấn đề về thương hiệu, một câu hỏi được đặt ra là các DN Việt sẽ cần có những chiến lược gì để tham gia vào môi trường cạnh tranh toàn cầu? Theo đó, giới chuyên gia chỉ rõ điều trước tiên là cần chinh phục khách hàng trong nước trước khi vươn ra toàn cầu. Nếu một thương hiệu muốn thành công trên thị trường toàn cầu thì trước tiên họ phải giành được sự ưu ái của người dân và thị trường trong nước. 

Cho nên, các DN hàng đầu ở Việt Nam không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của thị trường nội địa. Nếu không thể lấy lòng khách hàng ngay trên sân nhà nơi họ am hiểu nhất về thị trường, thì không có gì đảm bảo rằng DN sẽ có cơ hội cạnh tranh tại các thị trường với môi trường chính trị, văn hóa xã hội và kinh tế khác xa bản địa.

“Nếu một quốc gia và các sản phẩm của quốc gia đó không hấp dẫn chính khách hàng nội địa, thì họ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thu hút khách hàng nước ngoài và duy trì danh tiếng trên trường quốc tế một cách lâu dài” là chia sẻ của Ts. Lindsey M. Bier, Đại học Nam California (Mỹ).

Điều thứ hai là “hành trình ngàn dặm luôn bắt đầu từ những bước đi nhỏ”. Thâm nhập thị trường quốc tế có thể là một hành trình đầy cam go, đòi hỏi những bước đi chập chững ban đầu cùng với sự kiên nhẫn và nhiều nỗ lực mà DN Việt cần chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Các DN có thể chấp nhận làm nhà sản xuất/gia công cho thương hiệu của nước ngoài trong thời gian đầu, sau đó tiến tới kinh doanh sản phẩm với thương hiệu riêng. Tuy nhiên, họ cần lưu ý để không mất đi nguồn gốc Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn nào.

Như bà Võ Thị Liên Hương, Phó tổng giám đốc Công ty Secoin đã từng chia sẻ: “Chúng ta cần phải thực tế. Ai cũng muốn vươn ra quốc tế và trở thành người chơi lớn ở đó, nhưng chúng ta phải biết mình là ai và phải hiểu vị thế của nước mình ra sao. Vì vậy, đừng vội nghĩ đến những điều to tát. Hãy đi từng bước một”.

                                                                                     Thế Vinh

Ý kiến chuyên gia