CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp Việt 'hái quả ngọt' M&A nhờ số hoá

Invest Global 14:58 07/04/2021

Điều gì khiến tập đoàn Hàn Quốc SK Group đầu tư 410 triệu USD để nắm giữ 16,26% cổ phần VinCommerce? Ngoài tiềm năng lớn của mảng bán lẻ tích hợp online - offline (O2O) thì việc áp dụng số hoá của doanh nghiệp Việt được cho là mang lại sức hút với khối ngoại trong hoạt động mua bán sáp nhập (M&A).

Việc tập đoàn Hàn Quốc SK Group đầu tư 410 triệu USD để nắm giữ 16,26% cổ phần của nhà bán lẻ VinCommerce (VCM) đã được CTCP Tập đoàn Masan (doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát tại VCM) chính thức công bố vào ngày 6/4. 

Sức hút từ mảng bán lẻ tích hợp O2O

Nói về lý do rót vốn đầu tư vào nhà bán lẻ này, ông Woncheol Park, Giám đốc đại diện của SK South East Asia Investment (công ty thành viên của SK Group), cho biết vô cùng tin tưởng vào tiềm năng to lớn của ngành bán lẻ tích hợp O2O, từ trực tuyến (online) đến ngoại tuyến (offline) tại Việt Nam.

Áp dụng số hoá và kết hợp mô hình bán lẻ tích hợp O2O giúp nâng giá trị của nhà bán lẻ Việt trong “con mắt” đầu tư của khối ngoại.

Thông qua thương vụ này, VCM được định giá 2,5 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu. Trong chiến lược phát triển mảng bán lẻ của mình, nhà bán lẻ VinCommerce đặt mục tiêu 5 năm tới sẽ mở rộng hệ thống lên hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, phủ sóng 63 tỉnh, thành.Theo ông Park, VCM sẽ là một thành tố quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa ngành bán lẻ, sẽ trở thành nhà bán lẻ tích hợp O2O hàng đầu Việt Nam trong tương lai.

Còn hiện tại, thương hiệu bán lẻ này có gần 2.300 cửa hàng tiện ích và siêu thị dưới tên VinMart. Và một thế mạnh của họ để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại chính là áp dụng số hoá trong quản lý vận hành và kết hợp mô hình O2O retail (online to offline).

Giới phân tích nhận định việc áp dụng số hoá kết hợp mô hình bán lẻ tích hợp O2O sẽ thay đổi cục diện bán lẻ tại Việt Nam trong vài năm tới và quá trình này sẽ được đẩy nhanh bởi đại dịch Covid-19. 

Chẳng hạn như việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng từ chuyện phải đến cửa hàng thực tế để mua sản phẩm, nhận dịch vụ sẽ chuyển sang số hóa các dịch vụ này và để khách hàng bắt đầu hành trình mua sắm trực tuyến (thông qua trang web, ứng dụng di động), và phía doanh nghiệp (DN) đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Không những vậy, với những nhà bán lẻ Việt đi tiên phong trong sử dụng số hoá và Internet có thể giúp họ thúc đẩy kinh doanh, cũng như khai thác mô hình O2O. Điều này vừa giúp họ chiếm được thị phần từ các đối thủ cạnh tranh vừa giúp nâng giá trị của thương hiệu trong con mắt của các nhà đầu tư ngoại muốn rót vốn đầu tư.

Theo giới chuyên gia, mức định giá cao các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) sẽ đến với những DN sớm áp dụng số hoá, sở hữu các tài sản công nghệ hoặc tài sản số. 

Như chia sẻ của ông Brian Levy, lãnh đạo toàn cầu Khối tư vấn thương vụ của công ty kiểm toán PwC, việc tăng tốc số hóa và chuyển đổi trong DN đã lập tức trở thành ưu tiên hàng đầu, và M&A là phương thức nhanh nhất để thực hiện mục tiêu này. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh cao đối với các thương vụ cần thiết cho nhiều DN.

Nhất là khi trong năm 2021 này, đa số các dự báo đều thận trọng về sự hồi phục của thị trường M&A tại Việt Nam. Trong đó, 42% dự đoán giá trị thị trường ở mức 3 - 4 tỷ USD, 26% lạc quan hơn khi dự đoán ở mức 4 - 5 tỷ USD, trong khi đó 24% thận trọng hơn với dự đoán giá trị M&A chỉ ở mức 3 tỷ USD, chỉ có 8% tin tưởng giá trị M&A sẽ vượt mốc 5 tỷ USD.

Mang tính sống còn

Và trước sự thận trọng về hồi phục hoạt động M&A trong bối cảnh đầy thách thức do Covid-19 thì việc chuyển đổi số với DN Việt được cho là yếu tố sống còn nếu muốn thu hút vốn đầu tư từ khối ngoại.

Do đó, việc liên tục đẩy nhanh tiến trình số hóa đã trở nên thiết yếu đối với các ngành khác nhau. Nhu cầu đặt ra về tốc độ số hóa đã khiến nhiều DN nghiêng về chiến lược mua lại thay vì tự xây dựng (buy-versus-build). Điều này làm gia tăng cạnh tranh giữa các công ty để có được cơ sở hạ tầng kinh doanh cần thiết, do đó, đẩy mức định giá của các tài sản này lên mức cao hơn.

Theo Ts. Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nghiên cứu về quản trị chuyển đổi thông minh tại Đại học RMIT, việc chuyển đổi số đối với DN Việt là điều hết sức quan trọng “mang tính sống còn” trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới, đặc biệt với việc hội nhập kinh tế quốc tế và nền kinh tế mở của đất nước.

“Chúng ta đang sống trong thế giới thay đổi nhanh chóng và buộc DN phải chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng thay đổi từ khách hàng, nhân viên, đối thủ cạnh tranh, cổ đông và các bên liên quan khác”, ông Trung nói.

Trên thực tế, việc chuyển đổi số không chỉ là thay đổi sang mô hình kinh doanh mới, mà còn là cơ hội để cải thiện đáng kể trải nghiệm khách hàng (như mô hình bán lẻ tích hợp O2O), tối ưu hóa quá trình vận hành và cả trong hoạt động thu hút vốn từ M&A.

Ông Trung nhấn mạnh là các DN hãy hành động ngay lập tức. Đừng đẩy mình vào vị trí của những DN lớn đã trì hoãn quá trình chuyển đổi số như: Sears, Kodak, Nokia và Yahoo. Việc chậm thay đổi trong giai đoạn hiện nay sẽ có thể tác động nặng nề đến DN còn hơn tác động của Covid-19.

Đặc biệt khi mô hình kinh doanh hiện tại có thể không còn phù hợp trong tương lai, các công ty có thể tìm đến các cơ hội M&A hoặc tái cơ cấu để giữ giá trị. Để hoạt động M&A trong năm nay đạt một tầm cao mới thì vẫn cần chờ đợi những thương vụ lớn, cũng như chờ đợi các động thái chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa từ phía các DN trong nước để có thể “hái quả ngọt”.

Thế Vinh

Tin tức khởi nghiệp