CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đôi bạn cựu sinh viên FTU xây "cloud kitchen" cho ngành bánh ngọt, tham vọng thu 200 tỷ đồng sau 3 năm: Shark Tuệ Lâm 3 lần rượt đuổi vẫn "trắng tay" trước Shark Hùng Anh

Invest Global 09:28 16/01/2024

Dù không xuất phát với chuyên môn làm bánh, hai nhà sáng lập vẫn khiến 4 "cá mập" tin tưởng và đề nghị đầu tư.

Là startup cuối cùng xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mùa 6, hai nhà sáng lập Lê Tuấn Hiệp và Vy Tuấn Anh đem đến cho dàn "cá mập" một cơ hội đầu tư "ngọt ngào" vào mô hình cloud kitchen (bếp trên mây) dành riêng cho ngành bánh sinh nhật, với đề nghị 3 tỷ đồng đổi lấy 6% cổ phần. 

Hai cựu sinh viên FTU bán bánh theo mô hình "bếp trên mây"

Theo giới thiệu, Savor Cake chuyên cung cấp những chiếc bánh sinh nhật hoa quả đảm bảo cả 2 tiêu chí là tươi và nhanh đến bất cứ một bữa tiệc sinh nhật vui vẻ nào chỉ trong 1 giờ, bán kinh 3km kể từ khi khách đặt hàng.

Cả hai founder đều không xuất phát từ nghề làm bánh. Lê Tuấn Hiệp và Vy Tuấn Anh là bạn học tại TPHT Amsterdam, sau đó cùng theo học tại Đại học Ngoại thương và khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp. Vy Tuấn Anh dù đồng sáng lập nhưng không trực tiếp điều hành do còn vận hành một công ty chuyên cung cấp nguyên liệu làm bánh khác.  

Với lợi thế về công nghệ, quản trị chuỗi, sử dụng hệ thống ERP và CRM, startup đã có thể tối ưu được chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu tới quy trình sản xuất tinh gọn để có thể sản xuất ra những chiếc bánh với mức giá rất hợp lý.

"Bánh sinh nhật không bao giờ đi một mình mà trong bữa tiệc còn có quà. Do đó, khách hàng còn phải để lại một phần kinh phí cho món quà chính. Vì thế chúng em đã tìm hiểu để đưa ra mức giá phù hợp", nhà sáng lập Lê Tuấn Hiệp phân tích về mức giá 270.000 - 320.000 đồng/chiếc của Savor Cake. 

Đôi bạn cựu sinh viên FTU xây "cloud kitchen" cho ngành bánh ngọt, tham vọng thu 200 tỷ đồng sau 3 năm: Shark Tuệ Lâm 3 lần rượt đuổi vẫn "trắng tay" trước Shark Hùng Anh - Ảnh 1.

Hai nhà sáng lập Lê Tuấn Hiệp (trái) và Vy Tuấn Anh

Chưa hết, với kinh nghiệm lập trình, xây dựng hệ thống ERP cho chuỗi cửa hàng, founder Lê Tuấn Hiệp và Vy Tuấn Anh chỉ ra hàng loạt lợi thế công nghệ của Savor Cake. 

Theo đó, về quản lý hàng tồn kho, vì toàn bộ các công thức làm bánh đã được số hoá nên số liệu hàng tồn luôn ở thời gian thực. Mỗi SKU đều đã có định mức hao hụt. Hàng tuần, hàng ngày và hàng tháng, hệ thống sẽ luôn đưa ra khuyến nghị xem SKU nào cần kiểm, từ đó phát hiện ra ngay các hao hụt hoặc dư thừa. Startup tự hào với lượng hao hụt nhỏ, chỉ chưa tới 1%.

Về quản lý sản xuất, hệ thống có khả năng tracking được từng nhân viên làm ra bánh nào, từ đó gắn với trác nhiệm và quản lý hiệu suất. 

Về quản lý bán hàng, công ty đã có chatbot dù quá thông minh. Trong tương lai, startup này  sẽ đưa vào sử dụng chatbot AI, hoàn thiện quy trình lên đơn hàng cho khách mà không cần sự can thiệp của con người.

Savor Cake hiện đang có 3 bếp hoạt động tại thị trường Hà Nội, công suất 80 bánh/bếp. Doanh thu năm vừa qua đạt 15 tỷ đồng, Ebitda 13%, Net profit khoảng 10%.

Shark Hùng Anh, Shark Tuệ Lâm 3 lần "rượt đuổi" deal

Shark Tuệ Lâm tò mò về phần chi phí lớn nhất của mỗi chiếc bánh. Theo Vy Tuấn Anh, đó không phải là cốt bánh mà nằm ở chi phí marketing, chiếm khoảng 30%. 

Trong khi đó, Shark Minh hỏi về điểm nổi trội của Savor Cake khi trên thị trường đã có những thương hiệu "top of mind". Nhà đồng sáng lập Vy Tuấn Anh cho rằng, với các chuỗi lớn (có ít nhất 10 điển bán) thường cần có bếp trung tâm, diện tích tối thiểu 10.000m2 và ở ngoại thành nên việc giao hàng sẽ lâu hơn. Ngoài ra, vì chuỗi có điểm bán nên phải trưng bày, thời gian trưng bày khoảng 3-4 ngày nên độ tươi sẽ kém hơn Savor Cake.

Nói về tiềm năng, founder Tuấn Hiệp cho biết tại Trung Quốc đã có mô hình tương tự, mở rộng thành công 1.000 điểm. Anh tin tưởng tại Việt Nam có thể mở khoảng 90 bếp. Savor Cake đặt mục tiêu chạm mốc 30 bếp vào năm 2026, doanh thu gần 200 tỷ, lợi nhuận 10%. Tuy nhiên, startup không mở rộng theo hình thức nhượng quyền.

Đôi bạn cựu sinh viên FTU xây "cloud kitchen" cho ngành bánh ngọt, tham vọng thu 200 tỷ đồng sau 3 năm: Shark Tuệ Lâm 3 lần rượt đuổi vẫn "trắng tay" trước Shark Hùng Anh - Ảnh 2.

Trong dàn "cá mập", chỉ Shark Bình tỏ ra không hứng thú và không đưa ra đề nghị đầu tư. 

Trong khi đó, nhận thấy tiềm năng kết hợp giữa bánh và thương hiệu trà của mình, Shark Hưng đề nghị đầu tư 3 tỷ đổi lấy 36% cổ phần. 

Shark Tuệ Lâm và Shark Hùng Anh đưa ra đề nghị đầu tư giống nhau là 3 tỷ đổi lấy 25% cổ phần. Còn Shark Minh Beta đề nghị đầu tư 3 tỷ dưới dạng khoản vay chuyển đổi với thời điểm chuyển đổi là cuối năm 2024, định giá doanh nghiệp bằng 5 lần ebitda.

Để cạnh tranh, các “cá mập” đều ra sức quảng cáo về lợi thế của bản thân. Shark Tuệ Lâm nhấn mạnh cô có đầu tư vào một công ty tổ chức sự kiện và ngay lập tức có thể kết nối hợp tác với Savor Cake. Ngoài ra, cô còn có thể hỗ trợ startup gọi vốn những vòng tiếp theo.

Shark Hưng cho biết, ông đang làm du học nghề ở Đức và làm bánh là một trong những nghề đang được ông chú trọng. Shark Minh Beta lại khẳng định về cơ hội để Savor Cake tiếp cận khách hàng của Beta Cinemas, đồng thời nhấn mạnh nếu kết quả kinh doanh năm 2024 của startup tốt thì phần trăm chuyển đổi sẽ ít hơn.

Shark Hùng Anh thì nhanh chóng giảm mức cổ phần sở hữu từ 25% xuống còn 20%. Ngay lập tức, Shark Tuệ Lâm cũng thay đổi đề nghị đầu tư giống với Shark Hùng Anh là 3 tỷ đổi lấy 20% cổ phần để có được thương vụ này.

Tiếp đó, Shark Hùng Anh và Shark Tuệ Lâm vẫn cạnh tranh quyết liệt với đề nghị 3 tỷ đổi lấy 18% cổ phần.

Đến khi nhà sáng lập Savor Cake đề nghị đầu tư 3 tỷ cho 15% cổ phần thì chỉ còn Shark Hùng Anh tiếp tục đàm phán.

Sau quá trình thương thảo, hai bên đã đạt thỏa thuận đầu tư 3 tỷ cho 17% cổ phần và startup có thể mua lại 2% cổ phần nếu đạt KPI, khép lại thương vụ cuối cùng của Shark Tank Việt Nam mùa 6 với cái bắt tay thành công giữa Shark Hùng Anh và Savor Cake.

Tin tức khởi nghiệp