CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã ban hành một loạt các nghị quyết đột phá, nổi bật là “Bộ tứ chiến lược” - tạo động lực để phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ, hùng cường, trong đó vai trò hạt nhân của kinh tế tư nhân.

Giải pháp để “Bộ tứ chiến lược” đi vào cuộc sống
Tại Toạ đàm với chủ đề "Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ, hùng cường", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/5, TS. Nguyễn Quân cho rằng, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển chiến lược - giai đoạn “chuyển mình vươn lên” của dân tộc.
Việt Nam đang đứng trước một thời cơ lớn
“Việt Nam đang đứng trước một thời cơ lớn - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW, với quyết tâm chính trị từ trung ương đến doanh nghiệp, tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá - phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng nền kinh tế số hiện đại, độc lập và có sức cạnh tranh toàn cầu” - TS. Nguyễn Quân
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia, Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới thể chế, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, cho thấy quyết tâm chính trị rất cao nhằm đưa khoa học - công nghệ, công nghiệp và đổi mới sáng tạo trở thành động lực trung tâm cho sự phát triển đất nước.
Các bộ, ngành, doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội mở ra từ “Bộ tứ chiến lược”. Nghị quyết 57-NQ/TW có những điểm hoàn toàn mới, đặt mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP và đến năm 2045 đạt 50%. Trong khi đó, hiện tại kinh tế số của nước ta mới đạt hơn 18%. Do đó, đây là một cuộc chạy đua thực sự.
“Để đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ cần tăng đầu tư ngân sách cho khoa học - công nghệ lên tối thiểu 3% tổng chi ngân sách - điều mà các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc mất hàng chục năm để đạt được” - TS. Nguyễn Quân cho hay.
Trong “Bộ tứ chiến lược”, TS. Nguyễn Quân tỏ ra quan tâm và đề cập sâu đến Nghị quyết 68-NQ/TW về vai trò then chốt của doanh nghiệp - đặc biệt là khu vực tư nhân.
Theo TS. Nguyễn Quân, Nghị quyết 68-NQ/TW đánh dấu bước chuyển quan trọng khi Đảng lần đầu xác định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế. Trong thực tế, các tập đoàn tư nhân Việt Nam như VinFast, Hòa Phát, FPT… đang đi đầu trong đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm công nghiệp có hàm lượng chất xám cao.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc. Điển hình như, quy định về quỹ phát triển khoa học - công nghệ (trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế) chưa có tính bắt buộc, thiếu linh hoạt, không tạo động lực đầu tư thực sự. Nhiều doanh nghiệp chọn đầu tư bằng lợi nhuận sau thuế để tránh ràng buộc thủ tục, đồng nghĩa với việc không được ưu đãi thuế.
"Do đó, cần tháo gỡ những bất cập này. Cần một cơ chế khuyến khích thực chất, hiệu quả, để doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa - có thể chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất" - TS. Nguyễn Quân đề xuất.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Cuộc tọa đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội từ “Bộ tứ chiến lược” mở ra là rất lớn, tuy nhiên khả năng của doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu còn rất hạn chế, vì thế cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía các bộ, ngành, cơ quan chức năng.
Theo VCCI, trong Chiến lược Phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045, năng lực tự chủ sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu được xác định là yếu tố sống còn để Việt Nam không chỉ là nơi gia công, mà là trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực. Mặc dù vậy, khảo sát của VCCI cho thấy, hiện nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa có định hướng rõ ràng khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, có tới 64,7% doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì khi tham gia; chỉ có khoảng 15,3% có chiến lược tổng thể trong dài hạn… Cùng với đó, khả năng đáp ứng yêu cầu đối tác của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới đáp ứng được ở mức trung bình, doanh nghiệp gặp khó khi đáp ứng các yêu cầu về thời gian giao hàng và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Hiện nay, một trong những điểm yếu của Việt Nam là vẫn chưa làm chủ được các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị công nghiệp, dẫn đến thiếu các doanh nghiệp đầu ngành dẫn đầu, thiếu sự liên kết, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia được vào chuỗi giá trị. Hiện việc tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thách thức khi tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử chỉ từ 5 - 10%, các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam được lắp ráp bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu nên có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.
Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương - Ủy viên Ban Chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cần cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để các doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy chuyển giao công nghệ. “Chúng tôi muốn đề xuất khơi thông nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp; đa dạng hóa các nguồn lực tài chính, không chỉ là từ các nguồn vay ngân hàng mà còn phải xây dựng nhiều quỹ chấp nhận rủi ro trong đầu tư công nghệ. Đồng thời, cần đầu tư vào nguồn nhân lực - điều này chắc chắn cần sự chung tay từ Chính phủ và doanh nghiệp…” - bà Đỗ Thị Thuý Hương bày tỏ.
TS. Lương Minh Huân - Viện Phát triển Doanh nghiệp chia sẻ: "Chúng tôi đánh giá rất cao các chính sách như Nghị quyết 68-NQ/TW - đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có khoảng 20 doanh nghiệp Việt làm chủ chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng để đạt được, cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp về nâng cao năng lực doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính, công nghệ, nhân lực và đặc biệt là tạo môi trường công bằng để doanh nghiệp nội địa được tiếp cận cơ hội".
Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ tạo ra nhiều nền tảng quan trọng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, nội địa hóa và chuyển đổi số đến năm 2030. Từ đó, thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ, hùng cường thời gian tới.
Ngành công nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, để cụ thể hoá mục tiêu trong Chiến lược Phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cần có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, cơ quan nhà nước cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên trong xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp đã và đang triển khai các hoạt động dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp và triển khai Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Cùng với đó, kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp đầu chuỗi như: Samsung, Toyota… nhằm nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Từ đó, đưa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này trở thành nhà cung cấp của các doanh nghiệp đầu chuỗi.
“Trung tâm cam kết, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt phát triển vững chắc và đóng vai trò ngày càng lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu” - ông Chu Việt Cường nhấn mạnh.