CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Giá vàng thế giới giảm mạnh và tuột khỏi mốc 2.600 USD/oz trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (12/11) trước khi hồi nhẹ và lấy lại mốc này trong phiên sáng nay (13/11). Đồng USD duy trì xu thế tăng tiếp tục là nguồn áp lực mất giá chính đối với vàng, bên cạnh tâm lý ham thích rủi ro gia tăng khiến dòng tiền chảy khỏi những kênh đầu tư an toàn như kim loại quý.
Lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 12,8 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại thị trường Mỹ, tương đương tăng 0,53%, đạt mức 2.612,6 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 80,3 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Từ đầu tuần tới nay, giá vàng thế giới quy đổi đã giảm 2,1 triệu đồng/lượng, sau khi “bốc hơi” 1,5 triệu đồng/lượng trong tuần trước.
Vietcombank cùng thời điểm trên báo giá USD ở mức 25.150 đồng (mua vào) và 25.502 đồng (bán ra), tăng tương ứng 60 đồng và 22 đồng so với sáng hôm qua.
Phiên ngày thứ Ba tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 21,3 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm hơn 0,8%, còn 2.598,8 USD/oz.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của vàng trong vòng 2 tháng trở lại đây. Sự giảm giá này của vàng nằm trong sự xoay trục trên diện rộng của thị trường tài chính toàn cầu sau bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11.
Với chiến thắng áp đảo thuộc về ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump và khả năng đảng này sẽ giành quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội, nhà đầu tư đã chuyển sang mua mạnh những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu và tiền ảo, khiến những tài sản an toàn như vàng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, đồng USD tăng giá mạnh do kỳ vọng lạm phát và lãi suất sẽ cao hơn dưới thời chính quyền Trump 2.0. Vàng được định giá bằng USD nên đà tăng giá của đồng tiền này gây áp lực giảm lên giá vàng.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt mức cao nhất 6 tháng rưỡi trong phiên ngày thứ Ba. Chốt phiên, chỉ số tăng gần 0,6%, đạt mức 106,02 điểm, cao nhất kể từ đầu tháng 5. Phiên này, USD tăng giá gần 0,3% so với đồng euro, tăng hơn 0,5% so với đồng yên Nhật và tăng khoảng 0,2% so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Giới chuyên gia lạc quan về triển vọng dài hạn của giá vàng, dù cho rằng trong ngắn hạn, giá kim loại quý này sẽ còn đương đầu áp lực giảm.
“Tôi cho rằng đây chỉ là một sự điều chỉnh trong xu hướng thị trường giá lên dài hạn của vàng. Các chính sách của ông Trump có thể sẽ đẩy lạm phát lên. Bởi vậy, nếu xuất hiện một làn sóng lạm phát mới, giá vàng sẽ tăng cao hơn”, chiến lược gia Daniel Pavilonis của công ty RJO Futures nhận định với hãng tin Reuters.
Cũng theo ông Pavilonis, về mặt kỹ thuật, thị trường vẫn đang nghiêng về giá lên, với mức hỗ trợ là vùng 2.600 USD/oz.
Diễn biến giá vàng thế giới trong 1 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.Tương tự, nhà phân tích Carsten Menke của ngân hàng Julius Baer nhận định một thế giới đa cực và “việc các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD” sẽ thúc đẩy vàng tăng giá trong dài hạn.
Trong thời gian còn lại của tuần này, mối quan tâm của nhà đầu tư sẽ dành cho hai báo cáo lạm phát tháng 10 gồm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) - những dữ liệu có thể chi phối kỳ vọng về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau 2 đợt giảm lãi suất liên tiếp vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua. Triển vọng lãi suất sẽ tác động tới tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, từ đó tác động tới giá vàng.