CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đức tung gói chính sách chống biến đổi khí hậu trị giá 60 tỉ đô la

Invest Global 15:51 03/10/2019

(TBKTSG Online) - Hôm 20-9, chính phủ Đức đã nhất trí triển khai gói chính sách hỗ trợ chống biến đổi khí hậu trị giá 54 tỉ euro (60 tỉ đô la) nhằm đưa Đức hướng đến mục tiêu giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với thập niên 1990.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) họp báo công bố gói chính sách chống biến đối khí hậu ở Berlin, Đức hôm 20-9. Ảnh: Reuters

Trước thời điểm cuối năm nay,  gói chính sách mới sẽ được đưa bỏ phiếu tại Quốc hội Đức và có khả năng được thông qua.

Đức từng là nước đi đầu toàn cầu trong cuộc vận động chống biến đổi khí hậu và cổ vũ mạnh mẽ cho dự án chuyển đổi năng lượng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch. Với những nỗ lực của mình, Đức đã dần thu hẹp dần các tham vọng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Chính phủ Đức cho rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ không đạt mục đạt mục tiêu giảm 40% khí thải nhà kính vào năm 2020 so mức của năm 1990.

Theo gói chính sách mới, Đức sẽ triển khai nhiều hành động để đến năm 2030, có thể giảm lượng khí thải carbon về mức 55% của năm 1990. Trọng tâm của gói chính sách này là quy định thu phí thải carbon dioxide bắt đầu từ năm 2021 đối với các công ty vận tải và kinh doanh nhiên liệu sưởi cho nhà ở.

Theo đó, các công ty này sẽ phải mua giấy phép trị giá 10 euro cho mỗi tấn khí thải CO2 phát ra môi trường. Mức giá giấy phép này này sẽ tăng dần lên mức 35 euro/ tấn CO2 vào năm 2025. Sau đó, một sàn giao dịch mua sẽ được thiết lập cho phép các công ty gây ô nhiễm đấu giá mua các giấy phép phép thải CO2 trong biên độ 35-60 euro/ tấn CO2 khi hạn mức thải được thiết lập.

Trong khi đó, thuế VAT đối với vé tàu lửa cho hành trình 50km trở lên ở Đức sẽ giảm từ mức 19% về mức 7%. Chính phủ Đức tính toán rằng biện pháp giảm thuế này sẽ giúp chi phí đi lại bằng tàu lửa giảm 10% so với trước đây. Công ty đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn thông báo sẽ mua thêm 30 tàu lửa mới để phục vụ thêm 5 triệu lượt hành khách mỗi năm nhờ thuế VAT giảm. Đồng thời, chính phủ cũng tăng phụ phí đối với vé máy bay chặng ngắn để khuyến khích người dân đi lại bằng tàu lửa.

Gói chính sách mới tăng chi tiêu cho hạ tầng giao thông công cộng thêm 1 tỉ euro mỗi năm bắt đầu từ năm 2021 đồng thời cung cấp các khoản trợ giá cho xe điện và các thiết bị sưởi tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, các nhà chính trị của các đảng đối lập và các chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu nhanh chóng chỉ trích gói chính sách này thiếu tham vọng cần thiết để khôi phục vị thế của Đức với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu trong các nỗ lực chống biến đối khí hậu.

“Gói chính sách tổng thể này thiếu dũng cảm, thiếu vắng cam kết cho tương lai”, Ottmar Edenhofer, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức), nói.

Edenhofer cho rằng mức phí giấy phép khí thải đối cho các công ty vận tải và kinh doanh nhiên liệu sưởi theo đề xuất là quá thấp, không đủ sức tạo ra tác động tài chính lớn để mang lại tác dụng hiệu quả.  Các chuyên gia khí hậu đang kêu gói nâng phí này lên ít nhất 50 euro/tấn CO2.

Phần lớn người dân Đức đều đồng tình với các bằng chứng khoa học cho thấy con người chịu trách nhiệm cho tình trạng nóng lên toàn cầu. Theo kết quả cuộc khảo sát gần đây, 63% người dân Đức muốn chính phủ phải giới thiệu các biện pháp bảo vệ khí hậu cho dù điều này có thể ảnh hưởng đến GDP của Đức.

Gói chính sách hỗ trợ chống biến đổi khí hậu của Đức được thông qua hôm 20-9 sau 18 giờ thảo luận giữa các thành viên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức (CDU) cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel và các đối tác liên minh ở Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD).

Trong khi đó, hàng trăm ngàn học sinh và phụ huynh tuần hành khắp ở các đường phố của thủ đô Berlin và hơn 500 thành phố lớn nhỏ trên khắp nước Đức để kêu gọi chống biến đổi khí hậu.

Những người tham gia tuần hành ở Đức yêu cầu bà Merkel, người từng được mệnh danh là “thủ tướng khí hậu”, phải đưa ra các hành động tham vọng và cụ thể hơn để chống tác động đến từ tình trạng biến đổi khí hậu ở Đức.

Theo New York Times, Reuters
 

Quốc tế