CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chính phủ trình Quốc hội quyết định tăng lương từ 1/7/2024

Invest Global 09:43 26/06/2024

Theo chương trình vừa được điều chỉnh, chiều 25/6, Quốc hội đã nghe báo cáo về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

(TBTCO) - Theo chương trình vừa được điều chỉnh, chiều 25/6, Quốc hội đã nghe báo cáo về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Chính phủ trình Quốc hội quyết định tăng lương từ 1/7/2024 Nguồn: Chính phủ trình Quốc hội. Đồ họa: Phương Anh Chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, trong quá trình triển khai, xây dựng 6 nội dung cụ thể về cải cách tiền lương khu vực công theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, nhất là việc xây dựng các bảng lương mới cùng các chế độ phụ cấp, Chính phủ nhận thấy phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập. Theo đó, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị. Ngày 21/6/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 83-KL/TW thống nhất chủ trương để Chính phủ báo cáo Quốc hội triển khai thực hiện các nội dung.

913.000 tỷ đồng để tăng lương, thưởng, trợ cấp trong 3 năm

Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm 913.000 tỷ đồng.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ tác động của chính sách đến dự toán NSNN năm 2024 và Kế hoạch Tài chính - NSNN 3 năm 2024 - 2026 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và bổ sung thông tin đầy đủ về 5 nguồn kinh phí thực hiện tiền lương tới hết năm 2026, “quy định và hướng dẫn rõ” trong triển khai thực hiện như Kết luận số 83-KL/TW đã nêu; đánh giá tác động về NSNN, dự báo nguồn lực và những phát sinh cho những năm tiếp theo sau năm 2026.

Theo đó, đối với khu vực doanh nghiệp thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết số 27, gồm 2 nội dung: điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% từ ngày 1/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025).

Đối với khu vực công, thực hiện 4/6 nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW đã rõ, đủ điều kiện thực hiện, gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 1/7/2024 (bằng 10% quỹ lương cơ bản); quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Về hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương, sẽ quy định và hướng dẫn rõ 4 nội dung, gồm: thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức; thẩm quyền của người đứng đầu được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và được quyết định mức chi trả thu nhập gắn với nhiệm vụ được giao; mở rộng thí điểm tiền lương tăng thêm đối với các địa phương đã tự cân đối được ngân sách; cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập phù hợp với nguồn kinh phí NSNN cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công, gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương) và cơ cấu lại, sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới, Chính phủ cho biết do phát sinh nhiều bất cập, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng; đồng thời, phải xem xét sửa đổi hoặc bãi bỏ nhiều quy định hiện hành liên quan đến mức lương cơ sở.

Tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội Chính phủ trình Quốc hội quyết định tăng lương từ 1/7/2024 Ảnh minh họa

Theo đó, Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024 với 3 nội dung:

Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); cho nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành mà trong quá trình thực hiện phát sinh bất hợp lý; thực hiện bảo lưu tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị hiện đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Cùng với đó, Chính phủ đề xuất thực hiện điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH). Đồng thời, đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%); trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Tăng lương cơ sở 30% là mức đáng ghi nhận

Thẩm tra các nội dung này, trên cơ sở những khó khăn, bất cập được nhận diện, Ủy ban Xã hội thống nhất với quan điểm cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của NSNN.

Tuy nhiên, với những vấn đề mới, phức tạp, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để có cơ sở triển khai áp dụng, nhất là với quy định bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản và giao người đứng đầu xây dựng quy định chế độ tiền thưởng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý và “tránh trùng lặp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ.

Về thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, Ủy ban Xã hội đánh giá đây là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.

Tuy nhiên, cùng với việc tăng lương cơ sở, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quan tâm về các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát khác, bảo đảm chỉ tiêu tăng CPI bình quân năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2026 mà Quốc hội giao…

Đề nghị cho phép Vietnam Airlines gia hạn gói vay “giải cứu”

Cũng trong phiên họp Quốc hội chiều 25/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã trình bày tờ trình của Chính phủ về Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14.

Chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2022, Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP (VNA - Vietnam Airlines) đã triển khai và hoàn thành Gói hỗ trợ về thanh khoản quy mô 12.000 tỷ đồng (vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu tăng vốn 8.000 tỷ đồng), đạt được các kết quả tích cực. Dự kiến, từ tháng 7 - 12/2024, VNA phải trả khoản vay này.

Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh khó lường và tác động đến VNA nặng nề hơn so với các dự báo. Thêm vào đó, các giải pháp tái cơ cấu của VNA đến nay chưa hoàn thành do gặp nhiều vướng mắc pháp lý. Vì vậy, VNA cần được các cấp thẩm quyền cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn để hỗ trợ VNA có thời gian triển khai tái cơ cấu thành công, giúp VNA tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong năm 2024, không xảy ra các hệ lụy nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, hãng hàng không quốc gia, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, duy trì việc làm cho hàng nghìn người lao động, tạo hiệu ứng kích cầu sử dụng lao động trong các ngành khác như du lịch, dịch vụ… góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay. Tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14) với lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.