CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Kết quả thống kê của VietstockFinance với 84 doanh nghiệp bất động sản nhà ở hàng đầu đã niêm yết, cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2024, các đơn vị có tổng doanh thu thuần hơn 111,3 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt trên 20,5 nghìn tỷ đồng
Mây vẫn chưa tạnh
Một số doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng ấn tượng như Địa ốc Sài Gòn (HoSE: SGR) tăng 3 lần, Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) tăng 2,7 lần, Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) tăng 2,5 lần.
Các tên tuổi có mức tăng trưởng hai chữ số ở mức cao gồm: Novaland (HoSE: NVL) tăng 87%, Hải Phát Invest (HoSE: HPX) tăng 42%, Vingroup (HoSE: VIC) tăng 31%, BecamexTDC (HoSE: TDC) tăng 27%, EverLand (HoSE: EVG) tăng 24%...
Việc các doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng sau thời gian dài thị trường lao dốc rõ ràng là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nếu xét trên toàn cảnh, khó khăn vẫn đang bao trùm, khiến bức tranh lợi nhuận của khối doanh nghiệp nhà ở không mấy khả quan.
Những tín hiệu tích cực đang xuất hiện nhưng mây mù chưa tan với khối doanh nghiệp nhà ở.
Cụ thể, hàng chục doanh nghiệp bất động sản nhà ở tiếp tục phải đối mặt với bài toán lãi mỏng như lá lúa, điển hình như EverLand (9 tỷ đồng), BV Land (8 tỷ đồng), Nam Mê Kông (6 tỷ đồng), Lideco (3,5 tỷ đồng), Fideco (2,4 tỷ đồng), BGI Group (2 tỷ đồng), TTC Land (0,8 tỷ đồng).
Không ít doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh, nhưng thực tế giá trị lợi nhuận không cao, như Địa ốc Sài Gòn (tăng 2,3 lần, đạt 42 tỷ đồng), Quốc Cường Gia Lai (tăng 2,5 lần, đạt 25 tỷ đồng), Hải Phát Invest (tăng 2,7 lần, đạt 12 tỷ đồng), Kosy (tăng 2,4 lần, đạt 11 tỷ đồng), Lideco (tăng 3,4 lần, đạt 3,5 tỷ đồng), Fideco (tăng 3 lần, đạt 2,4 tỷ đồng)…
Đáng chú ý, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản nhà ở tiếp tục lâm vào cảnh “đi lùi” về lợi nhuận. Điển hình như Novaland, tuy lợi nhuận quý III tăng đột biến, gấp hơn 18 lần cùng kỳ, vượt hơn 3 nghìn tỷ đồng, nhưng vẫn không thể giúp công ty báo lãi sau 9 tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, Novaland ghi nhận lỗ hơn 4,1 nghìn tỷ đồng do nửa đầu năm công ty lỗ ròng hơn 7,2 nghìn tỷ đồng khi phải tăng thêm trích lập dự phòng và chi phí tài chính theo đề nghị của kiểm toán đối với tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phải nộp và tiền chậm nộp của dự án 30,1 ha Nam Rạch Chiếc (TPHCM).
Chờ một cú hích
Một ông lớn khác cũng đối mặt với kết quả kinh doanh thua lỗ là Tập đoàn Nam Long. Tập đoàn này báo lỗ sau thuế hơn 40 tỷ đồng trong quý III/2024, so với mức lãi 71 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023. Đây là quý thứ 2 tập đoàn này báo lỗ trong năm 2024.
Ngoài ra, các doanh nghiệp báo lỗ “quen tên” như Long Giang Land lỗ 17 tỷ đồng (quý lỗ thứ 4 liên tiếp), DRH Holdings lỗ 31 tỷ đồng (quý lỗ thứ 6 liên tiếp), EVNLand lỗ 6 tỷ đồng (quý lỗ thứ 8 liên tiếp), LDG Group lỗ 77 tỷ đồng (quý lỗ thứ 8 liên tiếp), Danh Khôi lỗ 6 tỷ đồng (tái lỗ sau 4 quý liên tiếp có lãi)…
Từ những diễn biến thực tế cho thấy, sau năm 2023 đầy khó khăn (hơn 50% doanh nghiệp ghi nhận giảm lợi nhuận sau thuế), các doanh nghiệp bất động sản phát triển nhà ở vẫn tiếp tục đối diện nhiều thách thức trong năm 2024.
Thị trường đang cho thấy tính cô đặc cao, lợi nhuận tập trung vào một số rất ít doanh nghiệp lớn, có lợi thế vượt trội so với phần còn lại. Trong đó, Vingroup – Vinhomes tiếp tục cho thấy vị thế “độc cô cầu bại”, có thể triển khai đồng loạt các dự án lớn và “chia bánh” cho đồng minh như Masterise Group, MIK Group, hay CapitaLand.
Thách thức là dễ thấy song phân khúc nhà ở cũng có những tia hy vọng. Trong báo cáo mới đây, VIS Rating đánh giá, nhìn chung, khả năng tiếp cận nguồn vốn mới của các doanh nghiệp địa ốc đã được cải thiện trong năm 2024, nhờ sự gia tăng các khoản tín dụng ngân hàng cho hoạt động kinh doanh bất động sản và việc phát hành cổ phiếu tăng gấp đôi so với năm trước.
Theo nhận định của VIS Rating, trong thời gian tới, các chỉ số tỉ lệ bao phủ nợ thấp của khối doanh nghiệp nhà ở sẽ được cải thiện một phần, đồng thời dòng tiền từ doanh số bán hàng phục hồi sẽ đáp ứng một phần nhu cầu vốn.
Diễn biến tích cực từ thị trường sẽ thúc đẩy các chủ đầu tư tăng lượng hàng bán ra, từ đó giảm lượng hàng tồn kho, giải quyết bài toán dòng tiền. Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ các dự án để nhanh chóng ra hàng nhằm tạo nguồn thu mới.
Bên cạnh đó, xu hướng dòng tiền đang chảy mạnh vào phân khúc này. Cụ thể, theo khảo sát của OneHousing, hơn 50% người được hỏi đang cân nhắc chuẩn bị mua nhà trong khoảng 1 năm tới. Phần lớn nhóm khách hàng này có thu nhập tầm trung và có nguồn tài chính sẵn để giao dịch.
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing, nhìn nhận thời điểm hiện tại có khá nhiều người sử dụng vốn tự có để sở hữu nhà ở. Nguyên nhân là do lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, vàng tăng giá mạnh, chứng khoán lại chứa đựng nhiều rủi ro. Do đó, nhiều người đang nghĩ tới câu chuyện đầu tư bất động sản.
Đáng chú ý, theo OneHousing, với những dự án đang ra hàng, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn, trong đó có việc sử dụng đòn bẩy tài chính với hỗ trợ lãi suất. Trường hợp không sử dụng hỗ trợ lãi suất, không vay thì khách hàng mua trả thẳng và được chiết khấu từ 13- 19% giá trị căn hộ. Tuy nhiên, việc mua trả thẳng sẽ chỉ phù hợp với loại hình thuộc phân khúc trung bình, còn phân khúc cao vẫn đang là một "bài toán" lớn.
Hưng Nguyên