CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Giải pháp thoát bẫy thu nhập trung bình và tăng trưởng bứt phá

Invest Global 15:10 06/12/2021

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như yêu cầu của bối cảnh mới đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, mô hình tăng trưởng mới không chỉ nhằm đạt mục tiêu trong trung hạn và dài hạn mà phục vụ cả mục tiêu ngắn hạn...

Giải pháp thoát bẫy thu nhập trung bình và tăng trưởng bứt phá - Ảnh 1Giải pháp thoát bẫy thu nhập trung bình và tăng trưởng bứt phá - Ảnh 2

"Các lợi thế, động lực không được triệt tiêu lẫn nhau mà phải cộng hưởng để đưa đất nước cất cánh.

Lợi thế đầu tiên của Việt Nam phải khai thác, đó là gìn giữ sự ổn định. Kinh doanh tại Việt Nam rủi ro thấp hơn ở những nơi khác, đó chính là lợi thế của chúng ta.

Lợi thế thứ hai phải khai thác là lợi thế địa chính trị, xác lập vị thế Việt Nam trong cục diện mới. Dù lợi thế địa chính trị rất lớn nhưng lại luôn đi kèm thách thức, cách cư xử nếu không khéo sẽ dễ trở thành thách thức. Không phải ngẫu nhiên Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn giữ mối quan hệ với Việt Nam. Thị trường Trung Quốc phát triển nhanh cũng đang mở ra thời cơ mới.

Lợi thế thứ ba là về con người. Động lực vươn lên của người Việt rất lớn, người Việt cũng rất sôi động. Thường đi tư vấn cho Quốc hội Lào, tôi thấy rõ rệt sự khác nhau giữa hai xứ sở. Mặt khác, văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội nhưng văn hoá cũng có những mặt trái, cần tìm cách khắc phục.

Chẳng hạn người Nhật không có điểm dừng trong phát triển ngành nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm. Người ta quan niệm ngày hôm sau vẫn có thể làm tốt hơn ngày hôm trước. Người Nhật luôn biến mọi thứ thành nghệ thuật, với cái “chất” riêng, biến hàng hóa sang nghệ thuật, cư xử thành nghệ thuật, lái xe taxi cũng thành nghệ thuật. 

Rõ ràng điểm mạnh của người Việt ứng biến nhanh, “nước đến chân mới nhảy” nhưng nhảy rất thành thạo. Nhưng người Việt lại sớm hài lòng,  dễ dàng thoả mãn, không đi sâu nghiên cứu tìm tòi. Chính điều này khiến hàng hóa, dịch vụ Việt Nam không thể chuyển từ chất lượng cao sang “nghệ thuật”.

Như vậy, trong quá trình cải cách để đưa đất nước lên đỉnh cao, chúng ta phải xử lý rất nhiều vấn đề, không chỉ thấy ưu thế, mà còn phải khắc phục những mặt trái.

Đầu tiên, tôi cho rằng, cần có một mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, với nền văn hoá tương thích.

Thứ hai, cải cách thể chế để giải phóng nguồn lực của đất nước.

Thứ ba, quyền tự do tài sản chính là triết lý căn bản đằng sau sự thịnh vượng, giàu có. Cải cách thể chế để tài sản được chuyển đổi vào thời điểm phù hợp nhất, vào tay người có thể sử dụng hiệu quả nhất. Cải cách thể chế cũng vô cùng quan trọng để thúc đẩy năng lực sáng tạo, bảo vệ quyền tài sản trí tuệ. Đây là thay đổi căn bản về mặt thể chế sau này thay đổi hệ thống pháp luật phải tính toán".

Giải pháp thoát bẫy thu nhập trung bình và tăng trưởng bứt phá - Ảnh 3

"Sau đại dịch Covid-19, cấu trúc nền kinh tế toàn cầu có sự thay đổi lớn với động lực chủ yếu đến từ khoa học công nghệ và công nghệ số. Bên cạnh đó, thế giới xuất hiện xu hướng sự dịch chuyển các chuỗi giá trị toàn cầu từ chỗ tập trung vào một số quốc gia, khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, về gần các thị trường tiêu thụ hơn. Xu hướng này sẽ ảnh hưởng nhiều tới chính sách thu hút FDI thời gian tới. Việc này liền với xu hướng bảo hộ chính sách của các quốc gia, tập trung vào các ngành quan trọng với nền kinh tế và an ninh quốc gia, hoặc các ngành bị đứt gãy chuỗi cung ứng mà khó phục hồi trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, một xu hướng quan trọng sau đại dịch là quá trình số hóa trong sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và thương mại điện tử. Câu hỏi là chúng ta sẽ làm gì với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới đây. Bởi giờ đây, chuyển đổi số không còn phải là một ưu tiên mà là việc buộc phải làm. Đây là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ tại trên thế giới và là điều ta bắt buộc phải làm để không tụt hậu chứ chưa nói tới việc tận dụng để trở thành một nền kinh tế phát triển.

Một xu hướng nữa xuất hiện sau đại dịch là sự quan tâm tới môi trường, tiêu dùng, sản xuất xanh cao hơn. Các nhà sản xuất và người tiêu dùng giờ đây hành động theo hướng làm sao để ít ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu và xanh hóa nhiều hơn.

Để phục hồi và phát triển sau đại dịch, phải làm sao để tích lũy và phát huy được các nội lực tiềm tàng của nền kinh tế. Trong đó, nội lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam là khu vực tư nhân rất năng động và thích ứng nhanh với biến động. Đây là yếu tố quan trọng  để xác định động lực tăng trưởng của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào với khả năng nắm bắt các xu hướng mới và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là phải xây dựng bộ máy quản lý kiến tạo, trong đó phân định rõ vai trò của nhà nước và thị trường, làm sao để không gây cảnh trở sự phát triển của thị trường, khơi dậy được đóng góp của đội ngũ tư nhân. Ta cần phải xây dựng một bộ máy quản lý chuyên nghiệp, có khả năng xử lý tình huống và phản ứng nhanh với những biến động bất ngờ.

Với khu vực tư nhân, điều họ cần là cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính để tham gia mạnh hơn vào quá trình sản xuất kinh doanh và tận dụng các xu hướng sau đại dịch như chuyển dịch chuỗi, cách mạng 4.0… Một bộ máy chuyên nghiệp và vì dân có thể tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và thúc đẩy đầu tư, thổi bùng tiềm năng của khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phát huy tốt tiềm năng lợi thế của nguồn nhân lực. Để nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì phải có đổi mới sáng tạo, mà việc này bắt nguồn từ con người. Hiện tại, đây vẫn là điểm nghẽn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao và các phân khúc có giá trị gia tăng cao".

Giải pháp thoát bẫy thu nhập trung bình và tăng trưởng bứt phá - Ảnh 4Giải pháp thoát bẫy thu nhập trung bình và tăng trưởng bứt phá - Ảnh 5

"Những cuộc khủng hoảng gần nhất xảy ra vào năm 1997 (cuộc khủng hoảng châu Á); năm 2007 (khủng hoảng kinh tế toàn cầu) và đến nay 2020 (cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19).

Khi khủng hoảng xảy ra, các ngân hàng trung ương đều có xu hướng nới lỏng tiền tệ. Sau đó, ai cũng sẽ bàn đến câu chuyện lạm phát hay tiền chảy vào những tài sản có tính bong bóng như bất động sản, chứng khoán…

Tuy nhiên, tôi nhận thấy thêm một điều đó là, lần phục hồi sau kéo dài hơn lần phục hồi trước, đồng thời tốc độ tăng trưởng của đợt phục hồi sau cũng thấp hơn đợt phục hồi trước.

Tôi lo rằng cuộc khủng hoảng lần này cũng sẽ có diễn biến tương tự. Do đó, chúng ta cần tính đến việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là vấn đề có tính cấp thiết.

Theo tôi, mô hình tăng trưởng kinh tế sẽ có 2 định hướng cơ bản gồm: phát triển khoa học công nghệ; phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Chi tiết về việc phân bổ nguồn lực hiệu quả. Tôi cho rằng, chúng ta phải phát triển dựa trên lợi thế của đất nước, của mỗi vùng miền. Tức, địa phương nào có lợi thế gì thì phải tập trung hơn.

Ví dụ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế nông nghiệp thì tập trung phát triển nông nghiệp; Vùng miền Trung có dải đất ven biển kéo dài thì phát triển kinh tế biển và hoạt động du lịch…

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 6-7 vùng kinh tế, tuỳ theo cách chia, nhưng còn thiếu trung tâm đô thị cho các vùng. Các trung tâm này buộc phải có đặc điểm: giao thông thuận tiên và tập trung nhân lực chất lượng cao.

Mà muốn làm được điều này, hai thành phố lớn hiện nay cần tập trung vào các chức năng chính. Nhưng nên phân cấp ra để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh cho các thành phố trung tâm của các vùng kinh tế. Đồng thời, các thành phố lớn cũng cần bố trí lại về không gian. Trong đó, rất cần có những thành phố vệ tinh để giảm tải cho thành phố chính.

Mặt khác, chúng ta cũng cần phải thay đổi kết cấu nền kinh tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt của kinh tế nhà nước và kinh tế FDI để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp trong nước, kinh tế hộ.

Kinh nghiệm từ khu vực Đông Á cho thấy, khi các quốc gia bắt đầu tăng tốc chuyển sang thu nhập cao thì đều chủ yếu dựa vào doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, doanh nghiệp Nhà nước cần mở đường, sau khi làm chủ được công nghệ, làm chủ được thị trường thì phải nhanh chóng cổ phần hoá, chuyển giao cho các doanh nghiệp có tính thị trường cao hơn.

Điều đáng nói, tất cả những điều trên đều cần nhất sự đột phá thể chế. Tức, chuyển từ cơ chế xin cho sang cơ chế thị trường; chuyển từ quan hệ quản lý sang quan hệ khách hàng; chuyển từ tính chất quan liêu sang phục vụ hiệu quả.

Nếu làm được điều đó, kinh tế tư nhân sẽ phát triển mạnh. Như vậy, vẫn tài nguyên đó, vẫn con người đó, nhưng đất nước đã có sự bứt phá".

Giải pháp thoát bẫy thu nhập trung bình và tăng trưởng bứt phá - Ảnh 6

"Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như yêu cầu của bối cảnh mới đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đổi mới mô hình tăng trưởng không chỉ nhằm đạt được mục tiêu trong trung hạn và dài hạn mà còn phục vụ chính mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn. Đó chính là thúc đẩy phục hồi tăng trưởng sau khủng hoảng đại dịch covid-19. Đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng yếu đã được Đảng, Chính phủ xác định cần tập trung trong năm 2022 và giai đoạn 2022-2025.

Câu hỏi đặt ra là tại sao phải đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn này, khi mà chúng ta đang hết sức cấp bách cần có những biện pháp để tập trung vào phục hồi tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, làm sao để Việt nam thoát được bẫy thu nhập trung bình và bứt phát, tăng trưởng bền vững thời gian tới.

Trả lời được những câu hỏi trên thì mô hình tăng trưởng mới có lẽ cũng đã được phác thảo xong các nét chính. Khi đó, Chính phủ sẽ xác định và đánh giá các nội lực và động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, xem đâu là những điểm đột phá và trọng yếu cần phải điều chỉnh để thực hiện thành công khát vọng hùng cường".

Giải pháp thoát bẫy thu nhập trung bình và tăng trưởng bứt phá - Ảnh 7

VnEconomy 06/12/2021 06:00