CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Giữa loạt bom tấn hạ tầng, đất nền ven sông Hồng 'nóng bỏng tay'

Invest Global 09:12 11/02/2025

Sự cộng hưởng từ loạt dự án hạ tầng nghìn tỷ liên tục xuất hiện đang khiến thị trường nhà đất vùng ven sông Hồng nổi "sóng". Nhà đầu tư cá nhân rục rịch trở lại, nhiều khu vực thiết lập mặt bằng giá mới, chạm ngưỡng 200-300 triệu đồng/m2.

UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của huyện Đông Anh với 513 dự án, tổng diện tích gần 5.325 ha, trong đó có nhiều dự án lớn, với các doanh nghiệp đầu ngành như như Vingroup, Sun Group, BRG, hay Vietracimex, Masterise Homes, Everland...

Thị trường nổi sóng ngầm

“Bão” dự án khủng đổ bộ, cùng với quy hoạch lên quận trong ngắn hạn (dự kiến trong năm 2025) đang là yếu tố cộng hưởng khiến thị trường nhà đất Đông Anh nổi sóng, giá liên tục leo thang.

Đơn cử, tại khu vực dự kiến xây dựng cầu Tứ Liên chạy qua sông Hồng, giá đất thổ cư mặt đường có thể kinh doanh được, đang rục rịch tăng mạnh, hiện ở mức bình quân 150-180 triệu đồng/m2. Đất ở trong khu dân cư cũ, đường rộng, ô tô có thể đỗ cửa có giá khoảng 90 - 100 triệu đồng/m2.

Anh Cường, “cò” đất được mệnh danh như “thổ địa” tại Đông Anh, cho hay từ giữa năm 2024 đến nay, số lượng nhà đầu tư cả cũ lẫn mới tận dụng cơ hội từ quy hoạch và hạ tầng được công bố để nhảy vào thị trường nhà đất khu vực này đã xuất hiện dày hơn.

-9447-1739179100.jpg

Đất nền ven sông Hồng đang rục rịch tăng nhiệt "ăn theo" dự án hạ tầng.

Sau thời gian dài ảm đạm theo đà lao dốc của thị trường chung, theo anh Cường, giá bất động sản ở Đông Anh nói chung và các khu vực có quy hoạch hạ tầng ven sông Hồng đang tăng nhiệt đáng kể.

Minh chứng là giá đất nền, nhà liền thổ tại các xã từng là điểm nóng như Đông Trù, Uy Nỗ, Đông Hội, Vĩnh Ngọc,... đang liên tục được đẩy lên, phổ biến ở mức 100-150 triệu đồng/m2, tăng 10-15% so với cách đây 1 năm. Đặc biệt, đang xuất hiện tầm giá trên dưới 300 triệu đồng/m2.

“Không ít nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường nhà đất khu vực này sẽ “dậy sóng” trong năm 2025, khi Đông Anh chính thức lên quận, và bộ 3 Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản sửa đổi thẩm thấu sâu hơn”, anh Cường chia sẻ.

Không chỉ tại Đông Anh, các dự án hạ tầng cũng đang thổi hơi nóng vào nhiều khu vực ven sông hồng có quy hoạch hạ tầng trọng điểm. Điển hình, khu vực cầu Trần Hưng Đạo phía quận Long Biên thời gian qua nhộn nhịp hơn hẳn.

Giá bất động sản quanh khu vực quy hoạch xây dựng cầu Trần Hưng Đạo đang tăng khá nhanh. Đơn cử dự án Khai Sơn City, căn liền kề 76,2m2, 5 tầng đang chào bán 15 tỷ đồng (196 triệu đồng/m2). Căn hộ tại dự án HC Golden City, diện tích 82m2, 2 phòng ngủ, 2 toilet, nội thất hoàn chỉnh, chào bán 6,2 tỷ đồng (70 triệu đồng/m2).

Kết quả thăm dò cho thấy giá nhà và căn hộ quanh khu vực này thậm chí cao hơn nhiều những khu vực nội thành hoặc những nơi người dân không phải qua sông như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm hay những huyện sắp lên quận như Hoài Đức, Thanh Trì.

Cơ hội đi kèm rủi ro

Tương tự, đón đầu quy hoạch cầu Ngọc Hồi, giá đất Thanh Trì cũng có nhiều biến động. Theo bảng thang giá của Property Guru Việt Nam, giá đất trung bình tại Ngọc Hồi (Thanh Trì) hiện đạt 85 - 182 triệu đồng/m2, tăng vài chục đến vài trăm triệu đồng/m2 so với hồi đầu năm 2024.

Ông Trần Minh Tiến, chuyên gia của One Housing, nhận định nhờ yếu tố quy hoạch và hoạt động đấu giá đất trong thời gian gần đây nên thị trường đất nền đã "sôi động" trở lại.

Bên cạnh đó, một trong những quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) là siết chặt việc phân lô bán nền, trong khi nguồn cầu vẫn khá cao, cũng là lý do khiến giá đất nền có xu hướng bị đẩy lên, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giá đất tăng nhưng không đồng thời trên tất cả khu vực mà chủ yếu tập trung ở những nơi có quy hoạch hoặc thông tin quy hoạch mang tính định hướng. Việc đầu tư nhà đất đón sóng quy hoạch hạ tầng, pháp lý có nhiều tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro.

Đáng chú ý, ngay cả khi có sóng hạ tầng, thị trường nhà đất vùng ven cũng khó lấy lại sự sôi động như thời đỉnh cao. Bởi, sau khó khăn, thị trường dần được thanh lọc, các nhà đầu tư cẩn trọng hơn, ưu tiên đất “sạch” pháp lý, việc lựa chọn về vị trí, hạ tầng… cũng gắt gao hơn.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, cho rằng đất nền ăn theo quy hoạch hạ tầng ở ven sông Hồng tại Long Biên, Đông Anh, Thanh Trì (Hà Nội), hay Văn Giang (Hưng Yên)… là hiện hữu.

Khởi đầu là thông tin lên quận đô thị và dần hiện diện các công trình hạ tầng như cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi… ông Điệp dự báo thị trường bất động sản các khu vực vùng ven sẽ tăng nhiệt. Song nhà đầu tư vẫn cần thận trọng khi rót tiền.

Bối cảnh hiện tại đã không còn nhiều cơ hội cho đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Còn với nhà đầu tư có tiền mặt, cần nới thời gian kỳ vọng lên 3-5 năm, bởi thanh khoản khó có đột biến trong ngắn hạn dù mặt bằng giá có thể tăng.

Để giảm rủi ro, nhà đầu tư cần chọn những lô đất có giá mua thấp hơn giá thị trường trước khi có sốt đất, giao thông thuận lợi, vị trí đất giáp sông hồ... Ngoài ra, nhà đầu tư cần lưu ý đến 4 yếu tố, gồm thông tin quy hoạch, tiềm năng tăng giá của khu vực, sự hiện diện của các chủ đầu tư lớn và diễn biến thị trường trong các năm trước. Đặc biệt là cần tránh “bánh vẽ” của môi giới.

Hưng Nguyên