CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Là doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may được 19 năm, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU và Anh, tuy nhiên, Công ty TNHH Tiến Thắng (tại TP. Đà Nẵng) vẫn gặp khó khăn trong nguồn cung nguyên phụ liệu.
Theo bà Phạm Xuân Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thắng, hiện, nguồn vải sản xuất tại Việt Nam có nhưng không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp may trong nước, bởi, giá thành cao mà chất lượng lại chưa đáp ứng được yêu cầu của đối tác.
Bà Thủy cho rằng, khi có hệ sinh thái tận dụng FTA, phải có giải pháp huy động được các nhà cung cấp nguyên phụ liệu của Việt Nam tham gia vào chuỗi.
Ngoài ra, về phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có những chính sách tạo điều kiện để các nhà cung cấp giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Từ đó, các doanh nghiệp may có thể tiếp cận được các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, đáp ứng được các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ trong các FTA.
Doanh nghiệp dệt may gặp khó trong việc đáp ứng quy tắc về nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu. Ảnh: N.TKhông riêng gì Công ty TNHH Tiến Thắng, để hưởng ưu đãi từ các FTA thế hệ mới, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn TP. Đà Nẵng đều gặp khó khăn trong việc đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu. Trong khi đó, phần lớn nguyên phụ liệu dệt may phục vụ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hiện đều nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Huỳnh Ngọc Anh Khoa, đại diện Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ cho hay, doanh nghiệp ủng hộ việc hình thành, xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA. Bởi, để xuất hàng đi EU, vấn đề đáp ứng được tiêu chí nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi của Hiệp định EVFTA rất khó.
"Chúng tôi kỳ vọng hệ sinh thái tận dụng FTA sẽ góp phần xóa bỏ các rào cản về nguồn cung nguyên phụ liệu, từ đó đáp ứng được các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa", ông Khoa cho hay.
Còn theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nguồn nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam còn nhiều tồn tại, như giá cao, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của một số doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp dệt may trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp có nhu cầu lại chưa gặp được doanh nghiệp cung ứng phù hợp.
Ông Khanh cho rằng, khi Việt Nam chưa có ngành công nghiệp dệt đúng nghĩa thì hệ sinh thái tận dụng FTA sẽ giúp kết nối giữa các doanh nghiệp nguyên phụ liệu với doanh nghiệp dệt may; cùng với đó, hệ sinh thái này cũng sẽ thúc đẩy xử lý, khắc phục những tồn tại vốn có của ngành dệt may.
"Khi hệ sinh thái tận dụng FTA hoạt động được hiệu quả, vấn đề về nguyên liệu của ngành dệt may có thể bớt "nóng" hơn và theo thời gian sẽ có những chuyển biến tích cực", ông Khanh kỳ vọng.
Dệt may chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu Đà NẵngTheo thống kê, hiện, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, với 10 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chiếm 25 - 26% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng.
Cụ thể, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Đà Nẵng ước đạt 484 triệu USD (giảm 10,3% so với năm 2022). Nhưng chỉ sau 10 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu đã đạt khoảng 426 triệu USD (chiếm 26,7% kim ngạch xuất khẩu, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023).
Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may Đà Nẵng đã xuất khẩu sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các đối tác lớn như: Hoa Kỳ, Eu, Nhật Bản, Hàn Quốc…; đồng thời, nhập khẩu từ 40 thị trường trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc...
Hiện, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may. Ảnh: N.TTheo bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn đã nỗ lực vượt khó, duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, bà Trâm đánh giá, số lượng doanh nghiệp dệt may trên địa bàn có giá trị xuất nhập khẩu lớn không nhiều; phần lớn xuất khẩu theo đơn hàng gia công, được chỉ định nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc hoặc các nước khác không thuộc danh sách được hưởng ưu đãi từ các FTA thế hệ mới.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các FTA thế hệ mới như: Hiệp định EVFTA, UKVFTA, CPTPP chưa nhiều.
Ông Khanh thông tin, 5 vấn đề chính ngành dệt may Việt Nam đang gặp phải đó là nguồn cung nguyên phụ liệu còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu; đơn hàng và thị trường chưa ổn định, chủ yếu là hàng gia công; thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng để đổi mới sản xuất và công nghệ; thiếu thông tin, chính sách của thị trường nhập khẩu; chưa xây dựng được thương hiệu.
Theo ông Khanh, với việc hình thành hệ sinh thái dệt may tận dụng các FTA, các cơ quan quản lý Trung ương, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp dệt may và doanh nghiệp phụ trợ sẽ được kết nối để tối ưu hóa lợi ích từ các FTA. Đồng thời, doanh nghiệp dệt may có thể kết nối được với các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.