CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(Xây dựng) – Chiều 26/11, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội chính thức thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (QHĐT&NT) với tỷ lệ tán thành cao (94,99%).
Theo kết quả biểu quyết điện tử, có 455/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,99% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật QHĐT&NT với tỷ lệ tán thành cao. (Ảnh: Quốc hội)Luật QHĐT&NT được Quốc hội thông qua gồm 5 Chương và 59 Điều, quy định về hệ thống QHĐT&NT; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý QHĐT&NT; quản lý Nhà nước về QHĐT&NT…
Trong đó, Luật quy định các QHĐT&NT phải được lập, thẩm định, phê duyệt bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp giữa các loại và cấp độ quy hoạch theo các nguyên tắc: Các quy hoạch chung có thể được lập đồng thời với nhau. Trường hợp quy hoạch chung khác cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn phải được phê duyệt trước. Trường hợp quy hoạch chung có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung được lập, thẩm định xong trước được phê duyệt trước.
Quy hoạch phân khu cụ thể hóa quy hoạch chung về: Mục tiêu phát triển; chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật; định hướng phát triển, tổ chức không gian và phân khu chức năng; định hướng phát triển hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và không gian ngầm (nếu có). Nội dung, yêu cầu và nguyên tắc bảo đảm cụ thể hóa phải được xác định, quy định rõ trong quy hoạch.
Quy hoạch chi tiết cụ thể hóa quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung (đối với trường hợp không quy định lập quy hoạch phân khu) về: Mục tiêu, yêu cầu đầu tư phát triển; phương án và yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan; chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật; chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch; giải pháp quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội. Nội dung, yêu cầu và nguyên tắc bảo đảm cụ thể hóa phải được xác định, quy định rõ trong quy hoạch.
Quy hoạch không gian ngầm và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với một thành phố trực thuộc Trung ương phải đồng bộ với nhau; cụ thể hóa mục tiêu phát triển, định hướng quy hoạch không gian ngầm và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khung; thống nhất và đồng bộ với định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan tại quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương. Nội dung, yêu cầu và nguyên tắc bảo đảm cụ thể hóa phải được xác định, quy định rõ trong quy hoạch.
Cũng theo quy định của Luật này, đô thị được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị.
Việc xác định tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.
Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về phân loại đô thị bảo đảm các xu hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về kinh phí cho hoạt động QHĐT&NT, Luật quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động QHĐT&NT theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động QHĐT&NT bao gồm: Kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước; kinh phí của tổ chức được lựa chọn làm chủ đầu tư; nguồn kinh phí hợp pháp khác…
Việc quản lý kinh phí cho hoạt động QHĐT&NT thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan. Chính phủ quy định chi tiết khoản này. Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành định mức, phương pháp lập và quản lý chi phí cho hoạt động QHĐT&NT.
Luật quy định rõ, chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày QHĐT&NT được phê duyệt, nội dung của quy hoạch phải được công bố công khai; đối với những nội dung thuộc bí mật Nhà nước phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Nội dung, tài liệu công bố quy hoạch bao gồm: Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (nếu có); Quyết định phê duyệt quy hoạch; Các bản vẽ quy hoạch; Thuyết minh quy hoạch; Quy định quản lý theo QHĐT&NT.
Đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu QHĐT&NT, Luật quy định, cơ sở dữ liệu QHĐT&NT bao gồm dữ liệu điện tử của hồ sơ quy hoạch sau khi phê duyệt, cơ sở dữ liệu địa lý về QHĐT&NT gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý và chia sẻ thống nhất trên cả nước, phục vụ cho hoạt động QHĐT&NT.
Cơ sở dữ liệu QHĐT&NT phải được triển khai xây dựng trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch và phải được cập nhật thường xuyên; bảo đảm kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; bảo đảm phục vụ công tác quản lý; đáp ứng yêu cầu về công khai, minh bạch, quyền tiếp cận thông tin của các cơ quan, tổ chức và người dân. Chính phủ quy định việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu QHĐT&NT.
Luật QHĐT&NT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025. Đối với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị riêng đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục có hiệu lực đến hết thời hạn hiệu lực của quy hoạch theo quy định của Luật này.
Cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).