CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Gỡ nút thắt, khơi thông chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp

Invest Global 17:09 06/10/2021

Quy trình chống dịch cực đoan và chưa đồng bộ ở một số nơi khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, vừa đội chi phí tăng cao, vừa gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Để duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định chuỗi cung ứng thì cần có quy trình thông suốt và đề cao vai trò của doanh nghiệp.

Công tác phòng chống dịch nên chuyển hướng, đề cao vai trò chủ thể là DN. Ảnh: TL

Các chuyên gia nhấn mạnh tại Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do Bộ Công thương phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức, ngày 5/10 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cung cầu thiếu kết nối, chuỗi cung ứng bị đứt gãy

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp (DN).

"Kết nối cung cầu bị gián đoạn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy trầm trọng, nhiều DN lâm vào hoàn cảnh thiếu nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, thiếu nguồn lao động, phân phối hàng hóa tắc nghẽn" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thanh Hải, dịch bệnh cũng coi là phép thử mạnh với sức chống chịu của nền kinh tế và DN. Quan trọng hơn, qua đó giúp DN hiểu rõ hơn về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của chính mình.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, DN trong một số ngành công nghiệp chế biến như ngành dệt may, da giày rơi vào tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, xuất khẩu giảm sút. Đó là còn chưa kể đến khó khăn từ chi phí vận tải biển tăng cao kỷ lục, gây ra hiện tượng mất cân bằng vỏ container tại Mỹ, châu Âu, châu Á… gây ra nút thắt đối với chuỗi cung ứng hàng hóa thương mại quốc tế, tác động tiêu cực đến xuất khẩu hàng hóa của nước ta.

Còn theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 khiến các chỉ số sản xuất công nghiệp, bán lẻ, xuất nhập khẩu… bị ảnh hưởng nặng.

"Trong hai tháng vừa qua, số DN phải rút lui khỏi thị trường tăng mạnh. Dịch vụ, tiêu dùng, bán lẻ rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. "Bão dịch" đã đánh mạnh vào trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ… gây đứt gãy chuỗi cung ứng" - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh.

Cấp bách tháo gỡ nút thắt để cứu DN

Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, phát triển kinh tế trong thời gian tới, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng lưu thông là huyết mạch nên nếu không giải được bài toán về lưu thông thì không thể phát triển kinh tế, ổn định sản xuất kinh doanh cho DN. Chính vì vậy cần tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh kết nối cung - cầu, nhất là thúc đẩy tiêu thụ nông sản đến mùa vụ.

Còn theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, để duy trì sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, công tác phòng chống dịch nên chuyển hướng, đề cao vai trò chủ thể là DN. Các địa phương cần quy trình thông suốt, tránh sự phân mảnh, cắt khúc trong quy trình chống dịch để giúp DN chủ động xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó với dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh và ổn định chuỗi cung ứng.

Quan trọng hơn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, bản thân các DN cần có phương thức kinh doanh phù hợp và xây dựng chiến lược quản lý rủi ro thực chất hơn. Trước mắt, DN cần sắp xếp nguồn lao động thay thế, đẩy mạnh chuyển đổi số để đa dạng phương thức kinh doanh, tăng cường kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Thời gian tới, phía Bộ Công thương sẽ thực hiện các nhóm giải pháp ngắn hạn tập trung vào việc tăng cường cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.

Được biết, Cục Xúc tiến thương mại dự kiến sẽ tổ chức 60 phiên tư vấn về các thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu, mục tiêu hỗ trợ tối thiểu 600 lượt DN, hợp tác xã tiếp cận thông tin. Cùng với đó, tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo từng khu vực, theo nhóm ngành hàng; quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế…

Ngoài ra, TS. Võ Trí Thành cho rằng, ngoài những hỗ trợ về ngân sách, dư địa về chính sách hỗ trợ của nước ta còn rất lớn. Do đó, chính sách, gói hỗ trợ DN sắp tới cần quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, quyết định đủ nhanh mới có thể kịp thời phục hồi sản xuất kinh doanh cho DN./.

Tố Uyên