CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Trong thông báo mới được Gojek đưa ra hôm nay, hãng xe công nghệ này quyết định chấm dứt hoạt động tại thị trường Việt Nam từ ngày 16/9. Đây được xem một bước tiến chiến lược nhằm củng cố hoạt động kinh doanh của công ty.
"Động thái này là quyết định chiến lược nhằm cho phép Công ty tập trung vào các hoạt động có thể mang đến tác động đáng kể lên thị trường một cách bền vững, phù hợp với cam kết của GoTo trong việc đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn. Chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến toàn bộ nhân viên, người dùng, các đối tác tài xế, đối tác nhà hàng, những người đã đóng góp và là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của Gojek tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ thực hiện các hỗ trợ cần thiết đối với tất cả các bên bị ảnh hưởng trong suốt quá trình chuyển tiếp này, đồng thời tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành", đại diện Gojek cho biết.
Như vậy, sau đúng 6 năm gia nhập thị trường trăm triệu dân, Gojek đã phải nói lời giã từ. Vào Việt Nam từ 8/2018 với tên gọi GoViet, hãng này sử dụng màu đỏ làm nhận diện thương hiệu với hai mảng hoạt động chính là GoBike (xe máy) và GoSend (giao nhận). Thậm chí, từng có lúc GoViet muốn đấu trực diện với "gã khổng lồ" Grab khi nhanh chóng tung ra mảng giao đồ ăn (GoFood) chỉ sau hai tháng. Thế nhưng, tham vọng đa dịch vụ trên một nền tảng cũng tiêu tốn rất nhiều tiền và giấc mơ nhanh chóng vụt tắt.
Tháng 8/2020, sau đúng 2 năm hiện diện, GoViet chính thức "chỉ còn là cái tên". Gojek tái cơ cấu, chuyển GoViet thành Gojek Việt Nam. Đến tháng 5/2021, Gojek sát nhập với Gojek sáp nhập với Tokopedia lấy tên công ty là GoTo. GoTo tiếp tục tái cơ cấu Gojek Việt Nam, sử dụng màu chủ đạo là xanh lá cây để hoạt động. Tuy nhiên, cũng chỉ 3 năm sau, Gojek chính thức rút lui khỏi thị trường Việt Nam.
Quyết định rút lui khỏi thị trường Việt Nam của Gojek, dù bất ngờ song cũng phản ánh đúng xu thế. Như Nhadautu.vn từng phân tích, miếng bánh nền tảng gọi xe và đặt đồ ăn công nghệ của thị trường Việt Nam vốn do Grab, kỳ lân đến từ Malaysia nắm chính. Thậm chí, thương hiệu này từng mua lại thị phần Đông Nam Á của Uber, khiến đối thủ sừng sỏ đến từ châu Âu phải rút lui.
Sau 10 năm hiện diện tại Việt Nam, "Grab" thậm chí đã trở thành thuật ngữ chuyên dụng để gọi các nền tảng xe công nghệ nói chung. Dù cùng xuất phát điểm ở Đông Nam Á như gã khổng lồ, song, Gojek lại cho thấy sự chậm chân và hụt hơi, cộng hưởng với những ảnh hưởng kinh tế, khiến thương hiệu này buộc phải từ bỏ thị trường trăm triệu dân, để củng cố vị thế dẫn đầu tại các thị trường trọng điểm khác, như "quê nhà" Indonesia hay Singapore.
Tại Indonesia, GoTo đã định hình là nhà vô địch quốc gia và là hệ sinh thái kỹ thuật số hàng đầu về dịch vụ theo yêu cầu (ODS) và công nghệ tài chính (Financial Technology) thông qua GoTo Financial. Là thị trường lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia vẫn còn nhiều dư địa phát triển và tiếp tục tăng trưởng, đòi hỏi nhiều nguồn lực phân bổ. Trong quý 2 năm nay, tổng giá trị các giao dịch (GTV) và số lượng đơn hàng hoàn thành tại Gojek tăng lần lượt 18% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Tương tự, tại Singapore, Gojek cũng chứng kiến thị phần tăng 3 điểm phần trăm trong 6 tháng đầu năm. Thị trường Singapore, được biết đến là thị trường với giá trị đơn hàng trung bình (AOV) ở mức cao, tiếp tục là một thị trường trọng điểm của GoTo.