Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 6,2%
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 ước tăng 6,2%, đóng góp 0,82 điểm phần trăm vào mức tăng 6,52% của GRDP (chiếm 12,6%). Cụ thể, quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,63%; quý III tăng 6,56%; quý IV tăng 7,08%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,82%; sản xuất phân phối điện tăng 9,48%; cung cấp nước và quản lý, xử lý, nước thải tăng 10,32%.
Công nhân đang làm việc tại Công ty Cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu (EMTC) tại lô 18 Khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: N.HChỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 5,9% so với năm 2023. Cụ thể, quý I tăng 4,6%; quý II tăng 5,7%; quý III tăng 6,0%; quý IV tăng 7,1%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 10,6%; khai khoáng tăng 0,5%.
Trong năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng khá so với năm trước. Cụ thể, sản xuất máy móc thiết bị tăng 27,4%; sản xuất trang phục tăng 9,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 8%.
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm năm 2024 tăng 8,2% so với năm 2023, trong đó một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng như: Máy móc, thiết bị tăng 30%; dệt tăng 29,3%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 18,7%; sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 9,2%; xe có động cơ tăng 8,2%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,2%; trang phục tăng 6,4%.
Về chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm cuối năm 2024 giảm 11,5% so với cuối năm 2023, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm gồm: In, sao chép bản ghi giảm 51,7%; da và sản phẩm liên quan giảm 49,8%; đồ uống giảm 40,5%; thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 39,3%; dệt giảm 36,2%.
Năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,6% so với năm trước, trong đó, lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước tăng 1,5%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 4,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,3%.
Theo bà Nguyễn Kiều Oanh – Phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, trong năm qua, ngành Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, thực hiện quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ khởi công, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn, góp phần tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng đề ra các giải pháp hỗ trợ giảm lượng hàng tồn kho, tăng chỉ tiêu xuất khẩu thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp qua sàn thương mại điện tử...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thủ đô vẫn còn những khó khăn do việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó, trong khi hạ tầng các cụm công nghiệp đang hoạt động chưa đồng bộ, xuống cấp; tiến độ giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp đang đầu tư xây dựng còn chậm, thủ tục tiếp nhận nhà đầu tư thứ phát chưa thống nhất…
Mặt khác, do chưa kêu gọi được những dự án đầu tư sản xuất lớn, có tính dẫn dắt các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, nên công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ chưa tương xứng với tiềm năng của Hà Nội. Các chính sách hỗ trợ của thành phố đối với các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa thực sự rõ nét...
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…
Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm tới 88%), lại thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng. Bên cạnh đó, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp phấn đấu tăng từ 6,95% trở lên. Để đạt được mục tiêu đặt ra, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội cơ bản trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố công nghiệp hiện đại; phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, làm cơ sở phát triển kinh tế tri thức; là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại của khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghệ thông tin của cả nước; tăng hàm lượng khoa học, công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa của sản phẩm công nghiệp; phát triển mạnh các ngành, các sản phẩm công nghiệp vượt trội có lợi thế cạnh tranh, tác dụng dẫn đường thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức; tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị gia tăng và mạng phân phối toàn cầu.
Trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối mặt với các bài toán lớn về địa chính trị, kinh tế; áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao…, để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Công Thương Hà Nội sẽ phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, thành phố chú trọng triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên...
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa; theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng; hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng; đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, giúp doanh nghiệp nắm rõ cơ hội để thúc đẩy đầu tư sản xuất, liên kết chuỗi.
Thành phố đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước. Việc kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng, thị trường thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm... cũng là những giải pháp quan trọng được TP. Hà Nội triển khai quyết liệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ trên thị trường nội địa, giảm hàng tồn kho.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị:
Ngành Công Thương Hà Nội cần có giải pháp hết sức cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp. Theo đó, tập trung phát triển công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư để có những dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất.
Tập trung thu hút đầu tư vào 7 cụm công nghiệp đã hoàn thành công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật; tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật 27 cụm công nghiệp đã động thổ, khởi công và khởi công nốt 9 cụm công nghiệp đã được thành lập giai đoạn 2018-2020. Tiếp tục kiểm tra, phối hợp với các huyện có cụm công nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động của 70 cụm công nghiệp đang hoạt động.
Tham mưu UBND Thành phố thành lập mới các cụm công nghiệp theo Quy hoạch và quy định Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, sử dụng điện với chất lượng cao, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.