CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hà Nội sẽ được phép thí điểm lập quỹ đầu tư mạo hiểm từ ngân sách nhà nước

Invest Global 10:37 14/03/2024

Theo dự thảo Luật Thủ đô, TP. Hà Nội được cho phép thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

(TBTCO) - Theo dự thảo Luật Thủ đô, TP. Hà Nội được cho phép thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Đây là một nội dung quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến sáng 14/3.

Trường đại học, viện nghiên cứu được thành lập doanh nghiệp

Báo cáo về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay dự thảo Luật Thủ đô sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 55 điều, giảm 4 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 55 điều, bỏ 6 điều, bổ sung mới 2 điều.

Hà Nội sẽ được phép thí điểm lập quỹ đầu tư mạo hiểm từ ngân sách nhà nước Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Trong đó, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung, biện pháp cụ thể nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô.

Hà Nội được quyết định cơ chế "sand box"

Dự thảo Luật Thủ đô bổ sung, làm rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo hướng thành phố Hà Nội có thẩm quyền cho phép tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới khi đáp ứng các điều kiện nhất định.

Cụ thể, dự thảo quy định cho phép cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu đó (doanh nghiệp khởi nguồn).

Viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp khởi nguồn, khi được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu (khoản 4 Điều 23).

Về các quy định liên quan đến tài chính, dự thảo mở rộng các lĩnh vực mà HĐND thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn và áp dụng trên địa bàn toàn, không phân biệt nội thành, ngoại thành (khoản 2 Điều 33); quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, đồng thời xác định cụ thể, chặt chẽ điều kiện, phạm vi áp dụng và giao HĐND thành phố quy định chi tiết việc thực hiện.

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung, làm rõ hơn một số chính sách huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho TP. Hà Nội như: ngân sách trung ương (NSTW) trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố; bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố toàn bộ số tăng thu (sau khi trích thưởng), với điều kiện NSTW không hụt thu; cho giữ lại toàn bộ phần NSTW được hưởng theo tỷ lệ phân chia khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội,… (Điều 34).

Đặc biệt, TP. Hà Nội được cho phép thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ (Điều 36).

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung và làm rõ hơn cơ chế cho Hà Nội thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 39); xác định rõ cơ chế, phạm vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp trong việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng thông qua việc nhượng quyền kinh doanh, quản lý và cho thuê, liên doanh, liên kết (Điều 41).

Hà Nội được quyết dự án đầu tư công dưới 20.000 tỷ đồng

So với dự thảo Luật Thủ đô trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự thảo luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền TP. Hà Nội trong nhiều lĩnh vực.

Cụ thể là giao HĐND thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố (khoản 3 Điều 17).

UBND thành phố được phân quyền phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều. UBND thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND thành phố thành lập.

Hà Nội sẽ được phép thí điểm lập quỹ đầu tư mạo hiểm từ ngân sách nhà nước Phiên họp diễn ra sáng 14/3.

Dự thảo cũng phân quyền cho cơ quan chuyên môn về du lịch thuộc UBND thành phố cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; thẩm định, công nhận, công bố, kiểm tra, thu hồi quyết định công nhận, thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao, 5 sao (Luật Du lịch giao thẩm quyền này cho Cục Du lịch quốc gia Việt Nam).

Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND thành phố được thẩm định, cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố được áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép áp dụng tại nước ngoài.

HĐND thành phố được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn NSTW, dự án sử dụng nguồn vốn NSNN kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách, dự án đầu tư công liên tỉnh có mức vốn tối đa 20.000 tỷ đồng (bao gồm một số dự án đang thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ).

Dự thảo luật dự kiến thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô là từ ngày 1/1/2025, trừ 7 nội dung cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 54 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 để các cơ quan có thời gian ban hành văn bản quy định chi tiết.

Về tổ chức chính quyền đô thị, dự thảo được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù của Thủ đô.

Theo đó, dự thảo quy định phân quyền cho HĐND thành phố quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố (không bị giới hạn bởi quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của bộ, cơ quan ngang bộ về các nội dung liên quan nhưng phải bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước, mục tiêu cải cách hành chính nhà nước và không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn) (khoản 4 Điều 9).

Khung pháp lý