CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp: Lời giải cho ‘bài toán’ 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030

Invest Global 09:26 27/05/2025

Với 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay, việc chuyển lên thành doanh nghiệp, sẽ là lực lượng quan trọng bổ sung cho mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045.

Từ chủ trương đến thực hiện

Nghị quyết 68 -NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động trong nền kinh tế. Con số này được nâng lên thành 3 triệu DN vào năm 2045.

Ngoài chính sách thuế đối với DN mới thành lập, DN khởi nghiệp. một trong những giải pháp được Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra là: ‘Đẩy mạnh số hóa, minh bạch hóa, đơn giản hóa, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm... để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh (HKD) sang hoạt động theo mô hình DN”

Ngay sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai bằng các hành động cụ thể. Theo đó, các nghị quyết, nghị định hướng dẫn đã được soạn thảo và trình Quốc hội. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP nhằm hiện thực hóa hai nghị quyết nêu trên.

Tại Nghị quyết 139/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Chính phủ văn bản hướng dẫn triển khai một loạt ưu đãi thuế, trong đó: Miễn thuế thu nhập DN trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của DN khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Ngoài ra, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn, quyền mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp vào DN khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, thực hiện miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ DN khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đối mới sáng tạo; Miễn thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu…

Ngành Thuế tăng cường tuyên truyền, hứng dẫn người nộp thuế chấp hành các quy định quản lý thuế. Ảnh: KH

Theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, chưa bao giờ việc chuyển đổi HKD lên DN được triển khai nhanh và đồng bộ như hiện nay.

“Điều này thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đảm bảo các chính sách của nghị quyết được thực hiện một cách hiệu quả. Với hành động nhanh, quyết liệt cho thấy đây không chỉ ở chủ trương mà cho thấy sự đồng bộ tích cực từ trung ương đến địa phương, từ khâu hoạch định đến thực thi..”- TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Theo ghi nhận tại một số Chi cục Thuế, số lượng HKD chuyển lên DN đang tăng nhanh. Tại Trung tâm phục vụ hành chính công TP. Hà Nội - Chi nhánh số 6, chỉ trong 3 ngày, từ 20-22/5, số lượng hồ sơ đăng ký khoảng 150-200 hồ sơ/ngày, tăng gấp 3-4 lần so với trước đây và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Quản lý thuế hộ kinh doanh: Nhiều quy định mới

Cùng với các chính sách khuyến khích HKD lên DN, theo Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội, từ 1/1/2026, chấm dứt việc thu, nộp lệ phí môn bài, HKD, cá nhân kinh doanh (CNKD) không áp dụng phương pháp khoán thuế mà nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.

Theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ, từ 1/6/2025, HKD và CNKD có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên phải thực hiện hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế…

Nhiều HKD, CNKD livestream bán hàng có doanh thu khủng nhưng vẫn nộp thuế khoản là không công bằng, gây thất thu NSNN. Ảnh: ITN

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn, trong thời đại nền kinh tế số, hoạt động kinh doanh của HKD, CNKD cũng phát triển nhanh chóng không chỉ theo mô hình truyền thống (có cửa hàng, cửa hiệu, địa điểm kinh doanh cố định, chủ HKD thường là các hộ gia đình, hoạt động trong phạm vi địa bàn nơi cư trú của cá nhân…), mà còn phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức kinh doanh mới như: thương mại, hợp tác kinh doanh với tổ chức, kinh doanh trong mô hình kinh tế chia sẻ, kinh doanh cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số xuyên biên giới,…

Tuy nhiên, số nộp ngân sách nhà nước (NSNN) từ HKD, CNKD chưa tương xứng với tiềm năng, chỉ chiếm 1,5 - 2% tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý, chưa đạt được yêu cầu đặt ra, nhất là so với yêu cầu theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.

“Do đó, cần phải có giải pháp chính sách có tính đột phá về phương thức quản lý thuế đối với HKD, CNKD trên nền tảng số, kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ nhằm hạn chế tối đa thủ đoạn “lách luật” để trốn thuế, gây ra tình trạng thất thu cho NSNN…”- Lãnh đạo Cục Thuế nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, việc xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với HKD và CNKD có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật giữa các đối tượng kinh doanh, dù là cá nhân hay DN.

“Việc chuyển từ thuế khoán sang kê khai thực tế giúp các thành phần kinh doanh nâng cao tính minh bạch, công bằng hơn. Đồng thời, đảm bảo người nộp thuế có trách nhiệm cao hơn với số liệu mình khai báo. Đây là một thay đổi tích cực và cần thiết trong giai đoạn hiện nay…”- Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định.

Tại cuộc họp về công tác quản lý thuế đối với HKD, CNKD được tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành đã nhấn mạnh: “Quản lý thuế đối với HKD, CNKD là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế trong năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang thực hiện đồng bộ chuyển đổi số và cải cách hành chính theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu quả”

Theo Cục trưởng Mai Xuân Thành, đã đến lúc toàn ngành cần chuyển đổi phương pháp quản lý HKD từ phương thức truyền thống sang phương thức quản lý tự động hóa thông qua công tác chuyển đổi số và dữ liệu lớn (Big Data). T “Cơ quan thuế các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, đối thoại, nâng cao nhận thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, đặc biệt là HKD nhỏ lẻ, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, nhà hàng, lưu trú…”- Cục trưởng Mai Xuân Thành lưu ý.

Cục Thuế cho biết, đến nay số lượng HKD, CNKD đã nộp tờ khai bao gồm 1.975.373 hộ nộp thuế theo hình thức khoán; 6.142 hộ nộp thuế theo hình thức kê khai. Số lượng HKD, CNKD được đưa thêm vào quản lý thông qua triển khai bản đồ số HKD là 61.329 hộ.Mức thuế khoán bình quân tháng 3/2025 là 672,3 nghìn đồng/tháng/HKD, CNKD nộp thuế theo phương pháp khoán; Số thuế bình quân theo phương pháp kê khai tháng 3/2025 là 4,6 triệu đồng/tháng/HKD, CNKD nộp thuế. Lũy kế tổng thu NSNN từ hộ, CNKD 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 8.695 tỷ đồng, đạt 27,2% so với nhiệm vụ thu, bằng 25,7% so với cùng kỳ năm 2024 thực hiện.Cục Thuế đánh giá, tỷ trọng thu từ HKD, CNKD 3 tháng đầu năm 2025 so với các năm gần đây giữ nhịp ổn định, chưa xuất hiện sự đột biến. (Từ năm 2022 đến nay, số thu từ HKD, CNKD 3 tháng đầu năm lần lượt là: 22,3%; 29,1%; 26,7%; và 27,2% nhiệm vụ thu cả năm).