CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hóa giải thách thức, thúc đẩy tăng trưởng

Invest Global 14:16 25/05/2022

Trước những diễn biến phức tạp và khó lường hơn, khả năng đạt được các mục tiêu của kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP 6% - 6,5% đang là thách thức rất lớn. Tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -

Nhiều khó khăn có thể cản đà phục hồi

Những quyết sách đúng đắn, kịp thời, nhất là việc chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, mở cửa trở lại đã giúp nền kinh tế vượt qua thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Đà hồi phục tăng trưởng có được từ quý IV/2021 tiếp tục rõ nét hơn trong quý I/2022, với những điểm sáng tích cực cả trong sản xuất, đầu tư, thương mại và dịch vụ, đi cùng với đó là số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động đều tăng cao. Đồng thời, kinh tế vĩ mô (KTVM) tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh.

hoa giai thach thuc thuc day tang truong Ảnh minh họa

Nhưng cùng với những khởi sắc và diễn biến tích cực đó, cũng tồn tại không ít hạn chế, khó khăn. Báo cáo của Chính phủ (đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trình bày tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV ngày 23/5) đã nêu ra một loạt khó khăn, cho thấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% đang là thách thức rất lớn. Trong đó, đáng lưu ý là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; Chương trình phục hồi triển khai còn chậm; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu biến động tăng cao, gây áp lực lạm phát lớn.

Về nguyên nhân, bên cạnh các yếu tố khách quan do tình hình thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường thì còn do các nguyên nhân chủ quan, trong đó tính chủ động chưa cao; công tác phối hợp giữa một số Bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả; năng lực làm việc và tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu…

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đi sâu phân tích, đánh giá về những vấn đề này. Trong đó về thực hiện Chương trình phục hồi (theo Nghị quyết số 43/2022/QH15), Báo cáo cho biết, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm, đã qua 5 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết, căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế… Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. Có ý kiến cho rằng việc trang bị máy tính bảng theo Chương trình "Sóng và máy tính cho em" nếu không khẩn trương thực hiện sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi học sinh các cấp đã được đến trường...

Cũng liên quan đến Chương trình phục hồi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: “Đến nay Chính phủ mới đề nghị bổ sung dự toán cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, mà chưa hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình là quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Chương trình, ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như Chương trình đã đặt ra”.

Quyết liệt và hiệu quả hơn

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và phần dự kiến GDP tăng thêm khoảng 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi thì chỉ tiêu tăng trưởng GDP cần đạt được năm nay phải trong khoảng 8-8,5%. Đây là điều rất khó khăn nếu việc thực hiện Chương trình không được đẩy nhanh hơn.

“Đề nghị triển khai nhanh, khẩn trương và hiệu quả Nghị quyết 43, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và 2023, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Để triển khai Nghị quyết, đề nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến Danh mục dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Cùng với đó là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công khi mà tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm chỉ đạt 16,36% kế hoạch được giao. Trong khi ngoài giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch 5 năm 2021-2025 còn phải thực hiện nhiệm vụ giải ngân theo Chương trình phục hồi. Vì vậy Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp quyết liệt hơn để giải quyết những vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, đồng thời sớm báo cáo danh mục dự án thuộc phạm vi của Chương trình phục hồi, trong đó cần có phương án phân bổ hợp lý, bảo đảm tính hiệu quả của vốn đầu tư, khả năng hấp thụ nguồn vốn, tránh việc đầu tư dàn trải. Song song với đó, cần xây dựng cơ chế đặc biệt để giám sát, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện giải ngân để vừa bảo đảm giải ngân nhanh, đúng địa chỉ, đạt hiệu quả tiến độ và chất lượng, vừa tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng cũng như tránh gây áp lực thêm lên lạm phát.

Về lạm phát, theo Ủy ban Kinh tế, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản cộng thêm tác động từ xung đột Nga – Ukraine leo thang, khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục, theo đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát trong năm nay. Trong đó nhấn mạnh lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm tạo áp lực lớn nhất, do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Do đó, cần tập trung kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, đặc biệt là vật tư, nguyên liệu đầu vào sản xuất để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp, nhất là cân đối về điện, than, xăng dầu.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn (trước đó đã giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu từ ngày 1/4/2022, áp dụng đến hết ngày 31/12/2022), cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua tính toán sơ bộ cho thấy, giá dầu 100 USD/thùng sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu KTVM năm 2022 và 2023, làm giảm tốc độ tăng trưởng lần lượt là 0,12 và 0,27 điểm %; khiến lạm phát tăng thêm 0,5 điểm % mỗi năm; kéo xuất khẩu giảm lần lượt 0,57% và 1,1%. Thực tế trên thị trường thế giới, giá dầu thô từ cuối tháng 2 đến nay thường xuyên duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng.

Môi trường kinh doanh