CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hòa Phát chi 14.000 tỷ đầu tư dự án sản xuất đường ray

Invest Global 15:17 17/04/2025

Ông Trần Đình Long cho biết Tập đoàn Hòa Phát có dự án mới sản xuất ray đặt tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2, tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng, phấn đấu tháng 5/2027 có sản phẩm đường ray đầu tiên.

Tập đoàn Hòa Phát phấn đấu tháng 5/2027 có sản phẩm đường ray đầu tiên. Ảnh minh họa: Tập đoàn Hòa Phát.

Sáng ngày 17/4, Tập đoàn Hòa Phát đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2025.

Chia sẻ tại AGM năm 2025, tỷ phú Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết trong cuộc họp tháng 9/2024, khi Thủ tướng Chính phủ mời các doanh nghiệp lớn tham gia đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Hòa Phát sản xuất đường ray tàu. Tập đoàn hiện có thể cung cấp sắt thép đường ray từ phần nền trở xuống, còn phần đầu máy và toa xe thì Hòa Phát không làm.

Trên cơ sở cân đối nguồn lực, Hòa Phát có dự án mới sản xuất ray đặt tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2, tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng. Tập đoàn phấn đấu tháng 5/2027 có sản phẩm đường ray đầu tiên.

“Đây là dự án mới và sản phẩm chất lượng cao chưa sản xuất ở Việt Nam bao giờ. Tuy nhiên, với truyền thống và quyết tâm, Hòa Phát sẽ sản xuất thành công sản phẩm. Chúng tôi cam kết sẽ làm được hết các sản phẩm thép đường ray, thép xây dựng, làm hầm, cầu, cao tốc…”, ông cho biết.

Chủ tịch Hòa Phát cũng khẳng định việc làm thép ray để thể hiện sức mạnh, uy lực của Hòa Phát còn trọng số đóng góp vào kết quả kinh doanh là rất nhỏ.

Bên cạnh đó, ông Long tiết lộ Bộ Xây dựng cũng đang trình Chính phủ Nghị định về việc giao nhiệm vụ và đơn hàng cụ thể cho doanh nghiệp trong nước. “Nếu được thông qua, các cổ đông có thể yên tâm về đầu ra sản phẩm đường ray của Tập đoàn”, người đứng đầu Hòa Phát nói.

Xuất khẩu thép của Hòa Phát sang Mỹ chỉ chiếm 1% cơ cấu doanh thu

Trả lời câu hỏi của các cổ đông tại AGM năm 2025, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, ông Nguyễn Việt Thắng chia sẻ ngành thép có nhiều vụ kiện thương mại lớn nhất và Hòa Phát đã trưởng thành sau những lần như vậy.

Hòa Phát có nhiều kinh nghiệm để đối mặt với các cuộc điều tra chống bán phá giá. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là Tập đoàn đã quản trị chi phí tốt, không bán dưới giá thành. Đây là minh chứng Tập đoàn không bán phá giá.

Đối với tỷ giá, ông Thắng cho biết khó có thể dự báo trước tỷ giá do thế giới có nhiều biến động. “Chúng tôi sẽ thường xuyên theo dõi và có biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro. Cần linh hoạt trong quá trình điều hành. Nhìn chung việc tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, việc đưa giá bán tăng vào thị trường còn phụ thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế và sự điều hành của Chính phủ”, ông Thắng chia sẻ với cổ đông.

Về xuất khẩu thép, CEO Tập đoàn cho biết trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, Hòa Phát luôn duy trì tỷ trọng xuất khẩu dưới 20%, tuy nhiên tỷ lệ này còn tùy vào tình hình thực tế.

Ông Thắng nói: “Năm 2024, khi thị trường trong nước khó khăn với các vấn đề ở bất động sản, tiêu thụ hàng hóa, tỷ trọng xuất khẩu Tập đoàn đạt 31% doanh thu và là mức cao nhất từ trước tới nay, song chúng tôi xác định tỷ lệ này chỉ mang tính chất ngắn hạn. Về nguyên tắc, chúng tôi cố gắng duy trì xuất khẩu dưới 20%”.

Ngoài ra, Hòa Phát sẽ phân chia việc xuất khẩu sang nhiều thị trường. Hiện tại, Tập đoàn đang xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 1%. Mức độ tác động ảnh hưởng từ việc áp thuế quan với Hòa Phát cũng đỡ hơn và có thể xoay chuyển sang thị trường khác.

Thông tin Doanh nghiệp