CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hơn nửa nghìn tỷ được điều chuyển khỏi Everland thế nào?

Invest Global 09:00 18/09/2024

Nhiều đối tác chiếm dụng một lượng vốn lớn của Everland có sự liên hệ với chính các lãnh đạo của tập đoàn.

Phối cảnh dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn của Everland. Ảnh: CĐT

BCTC nửa đầu năm 2024 của CTCP Tập đoàn Everland (Everland - HoSE: EVG) cho thấy những điểm sáng tích cực. Theo đó, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của tập đoàn đạt gần 630 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp trong kỳ cũng tích cực khi đạt gần 5,9%, cao hơn nửa đầu năm 2023 là 5,3%. Trừ các chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế Everland tăng hơn 16,5% lên 28,2 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Tập đoàn Everland đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.250 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 95 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn đã hoàn thành hơn 50% chỉ tiêu doanh thu và gần 30% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Ảnh: Huy Ngọc

Có thể thấy, dù mới chỉ qua nửa đầu năm 2024, song con số lãi ròng của Everland chỉ kém kết quả cả năm 2023 gần 10,2% và vượt mức lợi nhuận đạt được trong các BCTC giai đoạn 2019 – 2022.

Một điểm tích cực khác là sau 2 kỳ BCTC liên tiếp (BCTC năm 2022 và 2023) nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ, BCTC nửa đầu năm 2024 của Everland đã được đơn vị kiểm toán chấp thuận toàn phần và không có ý kiến ngoại trừ. Dựa vào đây, Everland cho biết dự định tiến hành giải trình và kiến nghị với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cùng các cơ quan liên quan để xem xét việc đưa cổ phiếu EVG ra khỏi diện kiểm soát và diện cảnh báo.

Ít ai biết, từ BCTC năm 2021 – 6 tháng 2024, Everland đã liên tục thay đổi đến 4 đơn vị kiểm toán.

Huy Ngọc tổng hợp.

Điểm đáng chú ý là từ khi đổi đơn vị kiểm toán từ Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY sang các công ty kiểm toán mới (Kiểm toán RSM Việt Nam và AFC Việt Nam), BCTC năm 2022, BCTC bán niên năm 2023 và BCTC năm 2023 của Everland liên tục nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán. Nhìn chung, kiểm toán (BCTC năm 2022 và 2023) không đưa ra ý kiến về tính hiện hữu hàng tồn kho, tiền mặt Everland tại ngày 31/12/2022 và 1/1/2022, cũng như ảnh hưởng 2 khoản mục này với các khoản mục khác trên BCTC hợp nhất năm 2022.

Chất lượng tài sản của Tập đoàn Everland

Với tham vọng lớn trong lĩnh vực bất động sản, Everland đã liên tục thực hiện đầu tư nhiều dự án trên cả nước.

Theo BCTC bán niên năm 2024, Everland trong kỳ đã tăng đầu tư 423 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, qua đó đưa khoản mục này đạt hơn 1.244 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng tài sản. Công ty cho biết đây là chi phí đầu tư xây dựng dự án địa ốc (gồm tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng…) các dự án: Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Harbour Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); Tổ hợp thương mại dịch vụ và du lịch nghĩ dưỡng Xuân Đài Bay (tỉnh Phú Yên); dự án đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng Vũng Lắm (tỉnh Phú Yên).

Cùng với đó, sự tăng mạnh của khoản phải thu (báo cáo lưu chuyển tiền tệ ghi nhận các khoản phải thu âm 317 tỷ đồng) đã đẩy dòng tiền kinh doanh Everland nửa đầu năm 2024 âm 434,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương 112,1 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh âm có thể là trở ngại không nhỏ với tham vọng địa ốc của Everland. Trong bối cảnh đó, tìm hiểu của Nhadautu.vn còn cho thấy nhiều doanh nghiệp trong danh sách các khoản phải thu/trả trước cho người bán ngắn hạn của Everland có sự liên hệ nhất định với chính các cổ đông lớn tập đoàn. Theo tính toán, số dư của 2 khoản mục này đạt gần 605 tỷ đồng, tương đương gần 15% tổng tài sản tập đoàn.

Cái tên đầu tiên, CTCP Thương mại Mango Việt Nam (phải thu ngắn hạn 106,4 tỷ đồng) tính đến giữa năm 2023 có Chủ tịch HĐQT/Người đại diện theo pháp luật là bà Lê Thanh Thủy (SN 1970). Bà Thủy hiện cũng đứng tên tại Công ty TNHH Dream House Asia – đơn vị tham gia mua 5,7 triệu cổ phần EVG không phân phối hết trong đợt phát hành vào tháng 2/2021.

Tính đến cuối quý II/2024, Everland có 3 cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Lê Đình Vinh (vốn góp 566,6 tỷ đồng – tỷ lệ 26,3%), ông Nguyễn Thúc Cẩn (vốn góp 161,4 tỷ đồng – tỷ lệ 7,5%) và Công ty TNHH Dream House Asia (vốn góp 116,8 tỷ đồng – tỷ lệ 5,4%).Doanh nhân Lê Đình Vinh, nên biết là người đã sát cánh cùng đồng hương Trịnh Văn Quyết trong những ngày đầu gây dựng Tập đoàn FLC. Ông cũng từng có một thời gian dài giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn này, cũng như P.TGĐ Công ty Luật TNHH SmiC, rồi sau đó mới tách ra là riêng. Ngoài ra, ông Vinh cũng là người từng gây xôn xao khi tranh cử Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội.

Đối với Công ty TNHH Thương mại Hà Vĩnh (phải thu ngắn hạn 73,3 tỷ đồng), dữ liệu cho thấy ông Lê Đình Vinh – Chủ tịch HĐQT Everland, cũng từng là cổ đông lớn nắm đến 90% vốn công ty. Tính đến tháng 9/2023, cổ đông chi phối nắm 51% vốn Hà Vĩnh là bà Cao Thị Huyền My (SN 1994). Bà My là cá nhân tham gia mua 1,71 triệu cổ phiếu EVG không phân phối hết cho cổ đông hiện hữu trong đợt phát hành hồi tháng 8/2018.

Chưa dừng lại ở đó, bà Cao Thị Huyền My còn là người cùng nhà với ông Lê Minh Hải – cổ đông sáng lập góp 85% vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Thương mại Việt Phú. Vào thời điểm cuối quý II/2024, Everland ghi nhận khoản trả trước cho người bán ngắn hạn 79 tỷ đồng với Việt Phú.

Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư – Thương mại và Xuất nhập khẩu Minh Phú (trả trước cho người bán ngắn hạn 61,6 tỷ đồng) là pháp nhân liên quan đến ông Nguyễn Đình Tiện (Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật) – cá nhân mua 1,49 triệu cổ phiếu EVG cùng đợt với bà Cao Thị Huyền My.

Với cùng "motif", CTCP Xây dựng và Thương mại An Thuận (trả trước cho người bán ngắn hạn 70,4 tỷ đồng) là pháp nhân liên hệ với ông Đậu Quốc Dũng, người đã tham gia mua 750.000 cổ phiếu EVG trong đợt phát hành tháng 8/2018. Ông Dũng sinh năm 1991, là Trưởng văn phòng đại diện Đồng Tháp của CTCP Everland An Giang (đơn vị mà Everland nắm 16,67% vốn).

Đặc biệt, các ông Nguyễn Đình Tiện, Đậu Quốc Dũng từng đứng tên tại CTCP Bất động sản và Xây dựng Kinh Bắc (trả trước cho người bán ngắn hạn 36,8 tỷ đồng). Hiện tại, Người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc Kinh Bắc là ông Bùi Cảnh Hoàng (SN 1978). Hồi tháng 10/2023, ông (cùng 7 cá nhân khác) nằm trong danh sách tạm dừng giao dịch tài sản của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng.

Dữ liệu của Nhadautu.vn cũng cho thấy một số đối tác nợ khác của Everland là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Dịch vụ Hoàng Nguyên (trả trước cho người bán ngắn hạn gần 78 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Vĩnh Hoàng (trả trước cho người bán ngắn hạn 51 tỷ đồng); CTCP Thương mại và Đầu tư EIG (trả trước cho người bán ngắn hạn 85 tỷ đồng) đều có sự liên hệ nhất định với Everland và/hoặc các pháp nhân, thể nhân khác được đề cập ở bài viết.

Thông tin Doanh nghiệp