CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kết cục thua lỗ cho những doanh nghiệp chậm thay đổi

Invest Global 07:56 27/05/2022

Những khoản thua lỗ “khủng” được công bố mới đây của những tên tuổi lớn như taxi Mai Linh, Vinafood 2, Vietnam Airlines… là điều đã được dự báo từ trước. Nhất là khi những doanh nghiệp này chậm thay đổi để thích nghi và nâng cao sức cạnh trước những biến động lớn trên thị trường.

Ở đại hội cổ đông thường niên 2022 được tổ chức vào hạ tuần tháng 5/2022 này, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn Mai Linh, có đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ tiếp tục phát triển taxi công nghệ, tăng cường hợp tác kinh doanh và đẩy mạnh “sàn giao dịch vận tải”.

“Con thuyền trên dòng nước ngược”

Theo ông Huy, tương lai không xa, khách hàng biết đến Mai Linh không chỉ là công ty vận tải đơn thuần nữa mà đó là công ty vận tải đa ngành, gồm taxi, taxi công nghệ, xe cho thuê, xe buýt đường dài, logistics đầu cuối, bảo hiểm, du lịch…

HINH-6033-1653606857.jpg

Lỗ lũy kế của hãng hàng không Vietnam Airlines đã lên tới 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Sẽ cần có thời gian trong giai đoạn tới để đo lường mức độ hiệu quả trước những mục tiêu và thay đổi của doanh nghiệp (DN) này. Còn hiện tại, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngại về những con số xám xịt trong báo cáo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của CTCP tập đoàn Mai Linh.

Cụ thể, nằm vừa rồi DN này ghi nhận khoản lỗ sau thuế 271 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 185 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Qua đó cho thấy Mai Linh đã lỗ bốn năm liên tiếp, trong đó hai năm gần nhất lỗ đậm vì hoạt động kinh doanh taxi sa sút, nâng lỗ luỹ kế lên trên 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ phải trả xấp xỉ 4.200 tỷ đồng.

Nhìn vào kết quả làm ăn bết bát từ một hãng taxi một thời đình đám hàng đầu trong nước, nhiều ý kiến cho rằng điều đó không có gì là bất ngờ với một hãng taxi truyền thống. Điều này được ví von như “con thuyền trên dòng nước ngược, không tiến được ắt phải lùi” do những thay đổi chậm chạp nên hệ luỵ thua lỗ là khó tránh.

Dưới góc độ của một khách hàng, anh Nguyễn Tân Tiến (trú quận 5, Tp.HCM) cho biết khách hàng đi taxi bây giờ họ bỏ đồng tiền ra nên họ kén chọn lắm, xe sạch sẽ, thoáng mát, không ồn, chi phí vừa phải, đáp ứng nhanh yêu cầu…Những điều này thì Mai Linh lại thua những đối thủ khác.

Theo anh Tiến, mặc dù taxi Mai Linh đã ra app (ứng dụng trên điện thoại) mấy năm nay và có thể đặt xe tính tiền trước qua app, chỉ có điều app này không “ngon”, không phổ biến như các hãng taxi công nghệ khác.

Hoặc như Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) - một DN có nguồn vốn Nhà nước từng được ví như “đại gia” lương thực ở các tỉnh phía Nam, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 vừa công bố cho thấy lỗ luỹ kế tính đến ngày 31/3 đã lên tới hơn 2.800 tỷ đồng. 

Việc DN này liên tiếp chìm trong thua lỗ được cho là do chậm thích nghi với những diễn biến mới trên thị trường cung ứng lương thực. Chính vì thay đổi chậm chạp nên không đủ năng lực cạnh tranh, giá thành sản phẩm sản xuất của đơn vị cao, bộ máy kinh doanh yếu và thiếu nhân sự, đặc biệt ở các đơn vị phụ thuộc rất bị động trong kinh doanh.

“Vết xe đổ” cần tránh

Không những vậy, Vinafood 2 mới khai thác và phát triển thị trường thương mại (từ sau cổ phần hoá đến nay) nên thị phần còn thấp, sản lượng bán ra và doanh thu còn hạn chế. 

Để giảm lỗ và thoát lỗ, Vinafood II đang hướng tới tinh gọn bộ máy, kinh doanh lương thực theo phương thức tập trung, tăng cường cạnh tranh, phân chia thị trường, điều phối hoạt động kinh doanh mua bán tại các đơn vị phụ thuộc. DN này cũng tính đến việc tạm dừng hoặc đóng cửa các nhà máy, xí nghiệp, chi nhánh hoạt động không hiệu quả. 

Còn với một “đại gia” trong ngành hàng không như Vietnam Airlines, thông tin mới đưa ra cho thấy tiếp tục lỗ 2.621 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý, mức lỗ trên khiến lỗ lũy kế của hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã lên tới 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Với tình trạng thua lỗ nặng, Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) theo quy định.

Ở góc độ khách hàng, chị Lê Thị Dung (trú quận Tân Bình, Tp.HCM) cho biết giá vé quốc tế của Vietnam Airlines quá cao nên nhiều người phải mua của các hãng khác, trong khi dịch vụ lại không cạnh tranh, cho nên chuyện thua lỗ, mất thị phần là đương nhiên. 

Nhiều ý kiến bình luận tình trạng thua lỗ của Vietnam Airlines là khó tránh khỏi khi bộ máy quản lý còn cồng kềnh, dịch vụ kém, vì quen kiểu tư duy cũ độc quyền, giá dịch vụ cao nên khó cạnh tranh. 

Điều lạ ở hãng hàng không này là mặc dù hưởng nhiều ưu đãi chính sách, tài chính nhưng bộ máy quản trị được cho là yếu kém. Giới chuyên gia cho rằng hãng hàng không này là DN của Nhà nước, để giảm thua lỗ thì phải thay đổi cung cách quản lý điều hành, hệ thống kinh doanh, cải tổ cách điều hành, quản lý, thị trường marketing, tránh vận hành cồng kềnh.

Điểm qua một vài tên tuổi lớn với kết cục thua lỗ nêu trên, để thấy đó cũng là bài học để các DN khác không đi vào “vết xe đổ” nếu như chậm chạp thay đổi, không đủ năng lực để xoay sang những giải pháp mới.  

Điều này đòi hỏi ở tư duy và khả năng lãnh đạo sáng tạo của người điều hành DN. Nhất là trước những biến động lớn trên thị trường, việc đổi mới ngày càng được xem là một trong những yếu tố quan trọng để DN chuyển từ trạng thái “tồn tại” sang “phát triển”.

Theo Ts. Seng Kok của đại học RMIT, các lãnh đạo DN đừng hài lòng với hiện tại mà hãy “đứng ngồi không yên”, cần kiểm soát cách ứng phó hôm nay để định hình tương lai. Điều quan trọng, không thể có đổi mới nếu như thiếu đi tư duy thách thức hiện trạng.

Thế Vinh

Doanh nghiệp - Doanh nhân