CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kết quả kinh tế 6 tháng và nỗi lo nhập siêu trở lại

Invest Global 15:43 30/06/2021

Kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đạt được nhiều kết quả ấn tượng, dù trước thách thức của đại dịch COVID-19, GDP vẫn tăng trưởng 5,64%. Song bên cạnh đó là những rủi ro như thu hút FDI đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước; mỗi tháng có tới 11,7 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường; nỗi lo nhập siêu ngày càng lớn...

Sáng ngày 29/6, Tổng cục Thống kê họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021.

GDP tăng 6,61% 

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,30%. 

Tổng cục Thống kê họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021.

GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.

Dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng Tư với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

"Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2021", bà Hương đánh giá.

Mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường

Liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%.

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thu hút FDI đạt gần 15,27 tỷ USD 

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó có 804 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD, giảm 43,3% về số dự án và tăng 13,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 460 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6%; có 1.855 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,60 tỷ USD, giảm 54,3%. 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2021 có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 143,8 triệu USD, bằng 77,6% so với cùng kỳ.

Nhập siêu 1,47 tỷ USD trong 6 tháng 

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đã tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6 giảm nhẹ so với tháng trước, tuy nhiên vẫn đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%; ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD.

                                                         CPI 6 tháng 2021 tăng 1,47% 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân quý II tăng 0,45% so với quý trước và tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2021 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá vàng tháng 6/2021 tăng 1,12% so với tháng trước; tăng 0,23% so với tháng 12/2020 và tăng 12,37% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2021 giảm 0,3% so với tháng trước; giảm 0,32% so với tháng 12/2020 và giảm 0,87% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhật Linh