CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG Online) - Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến khởi công tháng 12-2026. Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương sớm hoàn tất hồ sơ, cắm mốc chỉ giới phục vụ giải phóng mặt bằng.
Hợp đồng DBFMO – gợi mở mô hình đầu tư cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – NamLập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án đường sắt cao tốc trước 1-7
Trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội về việc đẩy nhanh cắm mốc chỉ giới tuyến và triển khai dự án để địa phương thuận lợi trong quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng đã đưa ra phản hồi, baochinhphu.vn đưa tin.
Theo đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư theo lộ trình.
Ngày 23-4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106 phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án vào tháng 12-2026.
Thực hiện chỉ đạo, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã bàn giao cho các địa phương hồ sơ ranh giới giải phóng mặt bằng, gồm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, bản vẽ phạm vi chiếm dụng đất, sơ đồ ranh giới, tọa độ tim tuyến và vị trí các ga.
Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, xây dựng kế hoạch triển khai và rà soát nhu cầu tái định cư, làm cơ sở bố trí quỹ đất.
Việc cắm mốc chỉ giới tuyến sẽ được thực hiện trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Chủ đầu tư sẽ phối hợp với các địa phương bàn giao hồ sơ, tổ chức cắm mốc và xác định ranh giới thu hồi đất để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng. Hà Nội và các tỉnh có tuyến đi qua phải chuẩn bị đầy đủ mặt bằng, hoàn tất bàn giao cho dự án vào cuối năm 2026.
Bộ Xây dựng cho rằng việc cắm mốc chỉ giới là cần thiết và cấp bách nhằm kiểm soát quy hoạch, tránh phát sinh chi phí đền bù về sau.
Bộ đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo, đôn đốc triển khai, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận thực hiện.
Trước đó, tại cuộc họp về giải phóng mặt bằng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu 15 địa phương khẩn trương lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án trước ngày 1-7.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có chiều dài khoảng 1.541km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TPHCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố.
Tốc độ thiết kế của dự án là 350km/h, toàn tuyến có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa với cự ly trung bình khoảng 67km giữa các ga hành khách.
Dự án có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỉ đồng, tương đương 67 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, 80% từ ngân sách nhà nước, 20% từ nguồn vay ODA hoặc các nguồn hợp pháp khác.