CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG Online) - Việt Nam hiện có 137.500 héc ta rừng ngập mặn có trữ lượng carbon 81 triệu tấn và mỗi năm, diện tích rừng này hấp thụ thêm hàng triệu tấn carbon, được gọi là “carbon xanh”. Thế nhưng, đến khi nào hàng triệu tấn carbon này mới biến thành tín chỉ "carbon xanh" để bán ra thị trường?
COP29 – COP tài chính và cơ hội cho Việt Nam – Tín chỉ carbon: đồng tiền mới trong trò chơi tài chính khí hậu toàn cầuThị trường tín chỉ carbon hiện ra sao ở các nước ASEAN?Đường dài của thị trường tín chỉ carbon Việt NamViện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng trong một hội thảo gần đây ở Hà Nội khiến nhiều người bất ngờ khi công bố con số đo đếm trữ lượng carbon rừng ngập mặn ven biển ở 28 tỉnh, thành dựa theo Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật xác định sinh khối và trữ lượng carbon rừng ngập mặn của Cục Lâm nghiệp ban hành.
Theo đó, trữ lượng carbon lên đến gần 81 triệu tCO2e ở 137.500 ha rừng ngập mặn cả nước, với bình quân 588 tấn carbon/ha. tCO2e được hiểu là tấn carbon dioxide tương đương, nhưng trong bài viết này người viết dùng “tấn carbon” cho dễ hiểu.
Kết quả đo đếm này làm cơ sở dữ liệu để tính toán trữ lượng và lượng carbon hấp thụ thêm ở rừng ngập mặn, vốn được xem là carbon xanh (Blue Carbon). Loại này, nếu biến thành tín chỉ carbon bán trên thị trường thế giới thì có giá gấp 3-4 lần tín chỉ carbon thông thường.
Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững gần đây cho rằng khả năng hấp thụ carbon của rừng ngập mặn ở Việt Nam 10-25 tấn carbon/ha/năm, có nghĩa mỗi năm, rừng ngập mặn cả nước hấp thụ tăng thêm 1,4 đến 3,4 triệu tấn carbon. Theo nguyên tắc của tín chỉ carbon rừng thì phần hấp thụ, lưu trữ carbon tăng thêm mới chuyển thành tín chỉ carbon để mua bán, trao đổi.
Tín chỉ carbon rừng hiện nay trên thị trường thế giới (cũng như một dự án ở Việt Nam mà cấp Chính phủ đàm phán) có giá 5-10 đô la/tín chỉ. Trong khi đó, tín chỉ carbon rừng ngập mặn được thị trường thế giới xem là “tín chỉ carbon xanh”, có giá cao gấp 3-4 lần tín chỉ carbon rừng thông thường.
Điều này có nghĩa rừng ngập mặn ở Việt Nam tiềm ẩn giữ “hũ vàng” trị giá hàng chục triệu đô la mỗi năm nhưng chưa được các cơ quan chức năng, chủ rừng... chuyển thành tiền thực.
Chủ rừng của Việt Nam hiện nay là các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Chủ rừng đa phần nhận trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng từ Nhà nước nên cũng khó trong việc tự đo đếm xác định tín chỉ carbon hay mang tín chỉ carbon đi bán. Có chăng, chỉ có thể là cấp tỉnh hoặc bộ ngành trở lên mới có khả năng đo đếm, đàm phán, tính toán tín chỉ carbon.
Theo tính toán tại một hội thảo về carbon rừng ngập mặn, nếu bán được tín chỉ carbon của rừng ngập mặn với giá chỉ cần 10 đô la/tín chỉ, ngang với giá của tín chỉ rừng thông thường thì các chủ rừng ngập mặn có thêm 250 đô la/ha để “bồi bổ” cho rừng của mình, một con số không hề nhỏ cho các vùng quê nghèo ven biển.
Đây là thiệt thòi lớn cho rừng ngập mặn của Việt Nam vì một khi đo đếm, xây dựng cơ sở dữ liệu, phương pháp luận tính toán tín chỉ carbon và bán được thì các chủ rừng rừng ngập mặn có cơ hội được tái sinh rừng, chăm sóc, bảo vệ tốt hơn. Càng tái sinh, càng chăm sóc tốt hơn, trữ lượng carbon lại càng tăng thêm, lúc đó trữ lượng bình quân không còn là 588 tấn mà có thể lên đến 600-700 tấn carbon/ha, khả năng hấp thụ tăng thêm không chỉ là 10-25 tấn mà có thể lên tới 50 tấn carbon/ha/năm.
Hiện cả nước có 84.000 ha rừng trồng ngập mặn, nếu bán được tín chỉ carbon xanh từ đây thì diện tích rừng ngập mặn rất có khả năng tăng thêm vì các chủ rừng có thêm thu nhập để trồng thêm, tái canh…
Việt Nam đã tham gia rất nhiều công ước quốc tế về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, cắt giảm lượng phát thải carbon, kiểm kê phát thải carbon. Trong 5 năm gần đây, đã có dự án được đàm phán trao đổi được 10 triệu tấn carbon, thu hơn 55 triệu đô la rừng khu vực Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, “kho vàng tín chỉ carbon xanh” của rừng ngập mặn ven biển rất lớn thì lại chưa được khai phá.