CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Khoảng trống' chính sách gây nhiều trở ngại cho nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió

Invest Global 15:06 18/11/2022

Khoảng trống về việc ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đối điện mặt trời, điện gió đã và đang gây ra nhiều khó khăn trở ngại cho các nhà đầu tư dành nhiều nguồn lực cho mua sắm, xây dựng và lắp đặt mà vẫn không kịp hưởng giá FIT.

Ngày 18/11, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức Tọa đàm "Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo", Nhadautu.vn xin giới thiệu bài tham luận của ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia cao cấp về năng lượng, Công ty CP Tập đoàn Năng lượng T&T.

Tập đoàn T&T đã đầu tư vào 2 nguồn điện tái tạo là điện mặt trời và điện gió (trên đất liền) với tổng công suất lắp đặt đạt gần 900 MW. Hiện tại, có một phần công suất trong tổng công suất lắp đặt đã COD để hưởng giá FIT theo quy định và cũng còn một phần công suất đã lắp đặt xong nhưng phải chờ ban hành cơ chế mua bán điện mới.

Mục tiêu chiến lược đặt ra đến năm 2030, Tập đoàn T&T sẽ phát triển với tổng công suất lắp đặt các nguồn điện khác nhau đạt khoảng 12.000-15.00MW. Trong đó, có khoảng 70-75% là từ các dạng năng lượng tái tạo (NLTT). Các nguồn điện từ NLTT bao gồm: điện gió (trên bờ, gần bờ và ngoài khơi); điện mặt trời, điện sinh khối và điện từ rác thải. Trong các nguồn điện NLTT trên ngoài đầu tư trong nước Tập đoàn T&T cũng đang xem xét đầu tư phát triển điện gió và thủy điện ở ngoài nước để bán điện về Việt Nam trong giai đoạn đến 2025 và sau năm 2025.

311918910_831559597895853_7016575622282572995_n Ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia cao cấp về năng lượng, Công ty CP Tập đoàn Năng lượng T&T. Ảnh: Trọng Hiếu

Những khó khăn, vướng mắc trong phát triển NLTT

Mặc dù điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam đã được đầu tư và phát triển mạnh mẽ trong thời gian khoảng 3-4 năm qua nhưng phần nào đã bị chững lại ngay sau khi Quyết định số 13 (đối với điện mặt trời) và Quyết định số 39 (đối với điện gió) hết hiệu lực thi hành.

Suốt thời gian gần 2 năm qua với điện mặt trời và hơn 1 năm với điện gió được coi là khoảng trống - khoảng dừng đột ngột về việc ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đối với hai nguồn điện tái tạo có tiềm năng lớn nhất là điện mặt trời và điện gió. Điều này đã và đang gây ra nhiều khó khăn trở ngại cho các nhà đầu tư đã dành nhiều nguồn lực cho mua sắm, xây dựng và lắp đặt mà vẫn không kịp hưởng giá FIT cũng như nhiều nhà đầu tư khác đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu (bổ sung dự án vào quy hoạch điện, mặt bằng đất đai…) và chuẩn bị xúc tiến đầu tư các dự án mới.

Chính vì vậy, đầu tư vào lĩnh vực NLTT của Tập đoàn T&T nói riêng cũng như toàn ngành NLLT nói chung gần đây đã và đang phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn và thách thức bao gồm cả những vấn đề chung cũng như theo từng nhóm các dự án.

Dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp

Sau nhiều ngày chờ đợi cơ chế mới, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15 quy định về phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện mặt trời mặt (trên mặt đất, nổi), nhà máy điện gió (trong đất liền, trên biển).

Theo thông tư này các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai đầu tư nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời, điện gió đã ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước ngày 1/1/2021 và ngày 1/11/2021 nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng giá FIT sẽ tham gia cơ chế chuyển tiếp để tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện thống nhất. Hiệu lực thi hành của thông tư này từ ngày 25/11/2022 do vậy, khung giá phát điện chưa thể có ngay và vẫn phải chờ quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt để làm cơ sở cho đàm phán giá điện.

Sau khi tìm hiểu, rà soát thông tư này chúng tôi nhận thấy có 5 điểm sau cần được xem xét tính đến trong quá trình xây dựng và ban hành bởi, chúng có thể vẫn tiềm ẩn rủi ro:

Thứ nhất, chưa có quy định về khung thời gian áp dụng biểu giá điện khi mà giá điện đã thương thảo và thống nhất giữa hai bên (EVN và nhà đầu tư);

Thứ hai, giá điện tính và chi trả theo VNĐ và sẽ không được neo theo tỷ giá giữa VNĐ và USD dẫn đến rủi ro về hoạch toán khi xét đến các tác động của yếu tố lạm phát và thay đổi tỷ giá; 

Thứ ba, cách xác định một số hệ số trong công thức tính sản lượng điện (như hệ số về tổng mức độ bất định (kbđ) đối với các dự án nhà máy điện gió;

Thứ tư, là những khác biệt và khác nhau giữa các dự án khác nhau sẽ dẫn đến khó đồng thuận khi đàm phán, thương thảo giá bán điện. Sự khác nhau này có thể là do các yếu tố tác động khác nhau như quy mô công suất, chiều dài, cấp điện áp đường dây đấu nối (khi xét đến cả chi phí đầu tư lẫn tổn thất điện trên đường dây) và điều kiện tự nhiên tác động đến suất đầu tư và sản lượng điện bán tại điểm đấu nối;

Thứ năm, khi có sự khác biệt như trên (điểm 4), thời gian đàm phán giá có thể sẽ bị kéo dài bởi, ngoài các yếu tố đặc thù của từng dự án so với dự án mẫu được sử dụng tính toán khung giá phát điện còn là thời gian dành cho EVN, Bộ Công Thương tính toán kiểm tra với từng dự án cụ thể về sự phù hợp với hạ tầng lưới điện khu vực và khả năng giải tỏa công suất…

Dự án NLTT mới

Các dự án NLTT mới như nêu trong dự thảo Quy hoạch điện VIII được hiểu ở đây là những dự án điện gió, điện mặt trời sẽ được triển khai thực hiện trong tương lai. Đối với các dự án này, Bộ Công thương đã đề xuất và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự như áp dụng tại Thông tư số 15 vừa ban hành ngày 3/10/2022 (Tờ trình số 4778 ngày 11/8/2022). Trong trường hợp nếu đề xuất và đề nghị này được thông qua sẽ có một số khó khăn, trở ngại cho thị trường phát triển điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Những trở ngại, khó khăn chính cần xét đến, gồm: Cách xây dựng và tính toán khung giá bán điện cho nguồn điện gió, điện mặt trời khi đó được coi như giống hoặc gần như tương đồng cách xây dựng, tính toán đối với các Nhà máy điện truyền thống như điện than, điện khí và thủy điện lớn. Nếu cách tiếp cận sẽ áp dụng như vậy thì cần thiết phải xem xét thấu đáo, đồng bộ theo Quan điểm định hướng mà Nghị quyết số 55 đã nêu, đó là: "Xây dựng các cơ chế, chính sách ĐỘT PHÁ để khuyến khích và thúc đẩy phát triển MẠNH MẼ các nguồn NLTT...";

Tại Thông tư số 15/2022-TT-BCT cũng như dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa đề cập đến nghiên cứu đưa ra các khung giá điện khác nhau áp dụng cho các vùng miền khác nhau? Điều này, có thể sẽ dẫn đến khó thu hút đầu tư vào NLTT tại các khu vực có tiềm năng năng lượng thấp (chẳng hạn như khu vực các tỉnh miền Bắc);

Thuật ngữ và định nghĩa về điện gió cần sớm thống nhất và ban hành bởi hiện nay thuật ngữ về điện gió trên bờ và trên biển đang được đề cập tại Quyết định 39 và gần đây là Thông tư 15. Trong khi đó dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra thuật ngữ điện gió trên bờ/gần bờ; và điện gió ngoài khơi. Do vậy, cần sớm sự thống nhất để giúp Nhà đầu tư nắm bắt được quy định liên quan. 

Dự án điện điện gió ngoài khơi

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi (ĐGNK), tiềm năng kỹ thuật ước tính có thể đạt từ 160-475 GW. Dự thảo Quy hoạch điện VIII (kịch bản cao phục vụ điều hành) cũng đã đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ ĐGNK, đạt lần lượt 7 GW, 42,5 GW, và 87,5 GW vào các năm 2030, 2040 và 2050 tương ứng.

ĐGNK là lĩnh vực mới ở Việt Nam, là ngành công nghiệp hiện đại và có nhiều đặc thù so với điện gió trên bờ. Vì vậy, để phát triển bền vững ngành công nghiệp mới này cũng cần có một cơ chế chính sách đặc thù, đủ mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang thiếu một sự đồng nhất trong chỉ đạo cũng như các hướng dẫn, chỉ dẫn cần thiết, rõ ràng cho từng bước đi trong quá trình thực hiện.

Một số khó khăn trở ngại chính gồm: Chưa có tiêu chí, điều kiện xét duyệt và trình tự thủ tục xin chủ trương, giấy phép; thời gian thực hiện xin chủ trương, giấy phép kéo dài; cách thức và các quy định xử lý khi có các chồng lấn giữa các nhà đầu tư xin chủ trương, giấy phép khảo sát và lập báo cáo xin chủ trương đầu tư…

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ

Theo dự thảo Quy hoạch VIII, nhu cầu điện năng (điện sản xuất) của Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp 1,5 trong giai đoạn 2020-2030 và gấp 4,7 lần trong giai đoạn 2020-2050, trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp hoá thạch (than, khí tự nhiên), nguồn thuỷ điện lớn nội địa có hạn, đã đến ngưỡng khai thác. Trong bối cảnh đó, trong nhiều diễn đàn, hội thảo, hội nghị… các nhà khoa học, cơ quan xây dựng chính sách đều có sự đồng thuận cao trong việc khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn NLTT cho phát triển bền vững.

Với bối cảnh đó, theo quan điểm của nhà đầu tư NLTT, một số các kiến nghị đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho phát triển NLTT trong thời gian tới.

Cụ thể, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Quy hoạch điện VIII để các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở lập kế hoạch triển khai thực hiện và xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ NLTT đồng bộ và kịp thời;

Các Bộ ngành sớm xem xét trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn NLTT mới, đặc biệt là chính sách phát triển nguồn ĐGNK trên cơ sở đảm bảo hiệu quả đầu tư, công bằng, minh bạch và cạnh tranh;

Triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, đề nghị Bộ Công Thương xem xét sớm ban hành, triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch căn cứ mục tiêu phát triển NLTT đã được phê duyệt. Trong đó, đề nghị sớm hoạch định chi tiết các loại nguồn NLTT, quy mô công suất phân theo địa phương, đặc biệt là ĐGNK và điện gió trên bờ các tỉnh phía Bắc;

Xem xét sớm ban hành khung giá bán điện cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trên cơ sở minh bạch, rõ ràng hướng đến đảm bảo hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư không kịp giá FIT;

Bộ Công Thương và EVN xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII danh mục dự án tiềm năng và quy hoạch các công trình phục vụ đấu nối, nhập khẩu điện tại Lào về Việt Nam trong các giai đoạn đến 2025 và 2030;

Để hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển NLTT hơn nữa trong thời gian tới, kiến nghị Chính phủ và các Bộ Ngành sớm xem xét áp dụng các cơ chế, tiêu chuẩn sử dụng NLTT (Renewable Portfolio Standard) đối với các đơn vị sản xuất điện từ năng lượng hóa thạch và sớm có biện pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở hình thành thị trường trao đổi tín chỉ NLTT và chứng chỉ carbon…

Khung pháp lý