CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Khơi thông chính sách phát triển sàn thương mại điện tử

Invest Global 10:36 05/08/2020

Có thể thấy các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử không mang lại lợi ích quản lý nhà nước nào rõ ràng, thậm chí còn đang trở thành rào cản. Thay vì kiểm soát ngay từ ban đầu hoạt động của các trang này, có thể thực hiện theo phương pháp hậu kiểm.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (TMĐT) được các DN trong lĩnh vực TMĐT đánh giá cao chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đề xuất của cơ quan soạn thảo Nghị định, trong đó điển hình là thu hẹp đối tượng phải thực hiện thủ tục thông báo website, ứng dụng TMĐT bán hàng.

Tuy nhiên các DN cho rằng một số quy định quản lý, đặc biệt là quy định về trách nhiệm của chủ sàn TMĐT vẫn còn chặt chẽ quá mức cần thiết, khó đẩy nhanh được sự phát triển của loại hình này, nhất là trong bối cảnh cần thúc đẩy TMĐT để tạo ra kênh phân phối hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh.

Có thể đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa

Theo các DN, TMĐT về bản chất chỉ là một kênh bán hàng mới bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, không phải là một công việc kinh doanh mới. Trong khi đó, các thương nhân đã phải thực hiện tất cả thủ tục đăng ký với Nhà nước trước khi bắt đầu kinh doanh. Việc triển khai thêm một kênh bán hàng trên internet phải thực hiện thêm thủ tục thông báo vô hình trung tạo ra gánh nặng hành chính không cần thiết. “Điều đó chẳng khác nào DN khai trương thêm một chi nhánh bán hàng cũng phải đăng ký với cơ quan quản lý”, Giám đốc một DN sản xuất đồ gia dụng bình luận.

Sàn TMĐT đang dần chiếm ưu thế so với kênh bán hàng truyền thống

Hơn nữa, theo khảo sát được thực hiện bởi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, đa phần các thông tin phản ánh của người dân qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT chủ yếu liên quan đến việc DN không thực hiện thủ tục hành chính, chiếm từ 78% trở lên số phản ánh. Cho đến nay, cũng chưa hề có phản ánh tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội từ việc các DN không đăng ký website TMĐT của mình. Như vậy, có thể thấy các thủ tục hành chính trong lĩnh vực TMĐT không mang lại lợi ích quản lý nhà nước nào rõ ràng, thậm chí còn đang trở thành rào cản. Thay vì kiểm soát ngay từ ban đầu hoạt động của các trang này, có thể thực hiện theo phương pháp hậu kiểm.

Nghị định 52 quy định tất cả các sàn TMĐT bất kể quy mô đều phải thực hiện thủ tục cấp phép trước khi hoạt động. Theo các NĐT trong lĩnh vực TMĐT, phương thức quản lý các sàn lớn hay nhỏ đều như nhau là chưa hợp lý do việc này khiến các sàn TMĐT nhỏ hoặc mới phát hành thử nghiệm bị quản lý quá chặt. Thực tế, mặc dù đến hết năm 2018, cả nước có 910 sàn TMĐT được cấp phép, nhưng 20 sàn lớn nhất đã chiếm đến 86% tổng doanh thu, còn lại đa phần là các sàn nhỏ. Các NĐT đề nghị đối với sàn TMĐT nhỏ, chỉ phải thực hiện thủ tục thông báo khi bắt đầu hoạt động, và khi đã phát triển đến một ngưỡng nhất định mới phải thực hiện thủ tục cấp phép.

Đừng đẩy cái khó cho các sàn TMĐT

Theo ban soạn thảo Nghị định, một trong 5 nhóm vấn đề sẽ được tập trung giải quyết trong dự thảo lần này chính là vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử. Vì vậy, dự thảo Nghị định đã đề xuất một số giải pháp cụ thể. Song theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc áp dụng các biện pháp quản lý cần được cân nhắc để tránh tạo những bất lợi không cần thiết cho việc phát triển của TMĐT.

Như đối với yêu cầu tại dự thảo là sàn TMĐT phải thu thập những thông tin về người bán (tên, địa chỉ; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc mã số thuế cá nhân; phương thức liên lạc) và công khai lên gian hàng của người bán. Theo VCCI, quy định này là chưa phù hợp và làm khó cho các sàn do việc công khai những thông tin như vậy (đặc biệt là số điện thoại hoặc địa chỉ) có thể khiến người bán và người mua “lách” các quy định của sàn, tự liên lạc để giao dịch với nhau.

Phương án khác là chỉ quy định công khai thông tin với nhóm hàng hóa thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Quy định như vậy cũng không hợp lý do các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện áp đặt điều kiện cho chủ thể kinh doanh, mà không phải cho bản thân hàng hóa, dịch vụ đang được trưng bày, giới thiệu; và do đó người tiêu dùng sẽ có thể vẫn thiếu thông tin khi xem xét mua hàng hóa, dịch vụ.

Do vậy, theo VCCI, các thông tin được công khai trên sàn nên tương đương với các thông tin mà người tiêu dùng có thể tiếp cận được khi mua sắm trực tiếp. Cụ thể đó là thông tin về mức độ an toàn, chất lượng, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa; việc bảo hành hàng hóa, khả năng gây mất an toàn của hàng hóa và cách phòng ngừa... Như vậy, các thông tin người tiêu dùng có thể tiếp cận được là các thông tin được ghi trên nhãn hàng hóa của sản phẩm, dịch vụ.

VCCI cũng kiến nghị một số quy định về trách nhiệm của chủ sàn TMĐT còn chưa hợp lý, có thể gây khó khăn cho các chủ sàn trong việc tuân thủ. Cụ thể, trách nhiệm báo cáo trong vòng 24h với việc xử lý hàng hóa, dịch vụ vi phạm. Theo phản ánh của nhiều DN, việc yêu cầu phải báo cáo trong vòng 24h là không khả thi và chưa phù hợp do khối lượng công việc rất lớn. Việc xử lý hàng hoá, dịch vụ vi phạm là công việc thường xuyên của các sàn TMĐT và có lẽ không cần phải báo cáo cơ quan nhà nước một cách thường xuyên, mà chỉ cần lưu trữ hồ sơ để chuẩn bị khi thanh kiểm tra.

Bên cạnh đó, trách nhiệm cung cấp công cụ hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước tra cứu, định danh người bán, các giao dịch liên quan tới người bán để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là chưa phù hợp. Bởi việc thiết kế và vận hành một công cụ riêng chỉ để phục vụ mục đích tra cứu thông tin sẽ gây ra những gánh nặng rất lớn về chi phí và nhân lực cho DN. Thay vào đó, cơ quan nhà nước có thể yêu cầu DN cung cấp các thông tin cần thiết để phục vụ công tác quản lý của mình.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương đánh giá, TMĐT thực sự là điểm sáng và tiên phong trong lĩnh vực kinh tế số. Thời gian tới, lĩnh vực này sẽ giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế cho nhiều DN và cả xã hội. Tuy nhiên để xây dựng được khung pháp lý đối với loại hình này là điều không dễ. “Tôi đã tham gia nhiều cuộc họp của ASEAN và cảm nhận là làm điều này không dễ đối với tất cả các nước, kể cả nước lớn. Làm luật bao giờ cũng có khó khăn bởi phải đáp ứng nhiều mục tiêu, vừa phải tăng cường quản lý để làm bền vững hoạt động thương mại, mặt khác quá chặt chẽ thì lại gây khó khăn”, ông Hải chia sẻ.

Khung pháp lý