CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Khu công nghiệp thông minh – sự lựa chọn ưu việt

Invest Global 14:46 03/08/2020

Khu công nghiệp thông minh đang trở thành sự lựa chọn tối ưu của các DN với sự kết hợp giữa vật lý và kỹ thuật số, tâm điểm là internet giúp giải phóng con người khỏi một số công việc trong sản xuất và quản lý...

Ông Lâm Nguyễn Hải Long – Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết, việc triển khai xây dựng mô hình đô thị thông minh tại QTSC nhằm 3 mục tiêu chính: nâng cao chất lượng quản trị, điều hành; gia tăng sự hài lòng của cộng đồng nội khu và phát triển thương hiệu. Từ trước đến nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) của TP.HCM thường dựa trên lợi thế như lao động và thuê mặt bằng giá rẻ. Nhưng trong tương lai, thành phố sẽ không còn những lợi thế đó vì có sự cạnh tranh từ nhiều địa phương khác nên buộc lòng những chủ đầu tư phải tìm ra những giải pháp để tăng năng suất, tăng hiệu quả đầu tư.

“CMCN 4.0 đã và đang tạo ra cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong các công nghệ và quy trình sản xuất ngày càng được đẩy mạnh. Vì vậy, khu công nghiệp thông minh ra đời là tất yếu và trở thành sự lựa chọn tối ưu cho DN”, ông Long nhận định.

Ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào quản lý, kinh doanh, sản xuất… hiện đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới

Hiện nay, cả nước có 326 KCX, KCN với tổng diện tích là 95 ngàn ha. Trong đó, 251 khu đang hoạt động với diện tích khoảng 66,2 ngàn ha, tỷ lệ lấp đầy 73%. Phần lớn các DN hoạt động tập trung tại các KCX, KCN khá hiệu quả, doanh thu bình quân đạt 1 triệu USD/ha (tính Samsung) và năng suất lao động bình quân là 102 triệu đồng/năm. Riêng tại TP.HCM, dự kiến đến hết 2020 sẽ có 23 KCX, KCN với tổng diện tích là 5.797,62 ha. Đến nay đã có 17 khu hoạt động (gồm 3 KCX), diện tích  hơn 3.811 ha, tỷ lệ lấp đầy 72,86%. Trong các KCX, KCN của thành phố, có 1.624 dự án hoạt động với tổng vốn đăng ký 10,98 tỷ USD.

Song điều đáng quan tâm là phần lớn các KCX, KCN hiện đang gặp khó khăn trong việc quản lý, giám sát, nhất là chưa có nhiều ứng dụng công nghệ trong các hoạt động quản lý, phát triển hạ tầng; Thiếu các công cụ quản lý tập trung, hỗ trợ các vấn đề về truy xuất thông tin, dự báo, lập kế hoạch... Chính vì vậy, toàn bộ việc quản lý an ninh, trật tự, an toàn nội khu đều phải thông qua lực lượng bảo vệ và camera giám sát. Hiện nay, tất cả các KCX, KCN tại TP.HCM đều rất cần các công cụ hỗ trợ cảnh báo tức thời cho đơn vị quản lý khi xảy ra các sự cố, cũng như để quá trình vận hành một cách hiệu quả và an toàn hơn.

Theo ông Đinh Đình Nhân, Trưởng nhóm Kỹ sư giải pháp và hệ thống Sao Bắc Đẩu Telecom, việc ứng dụng mô hình KCN thông minh trong hoạt động quản lý, giám sát sẽ giúp giảm tối đa thời gian cung cấp thông tin cho DN trong nội khu từ 2 ngày xuống còn 2 phút. Tiết kiệm chi phí chuyển thông tin cho khách hàng từ 15.000 đồng xuống còn 3.000 đồng/khách hàng, cũng như giúp cho việc thống kê, báo cáo trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn rất nhiều. Ngược lại, đối với các DN, sẽ có nhiều lợi ích khi đặt nhà máy tại KCN thông minh như giảm đáng kể chi phí nhân sự do việc quản lý, giám sát an ninh, an toàn, báo cáo đã do bên KCX, KCN xử lý, cũng như tiết kiệm được khấu hao điện năng, nước sinh hoạt...

Bên cạnh đó, với một KCN thông minh, thì các DN trong đó cũng phải “thông minh”, làm chủ công nghệ và kết nối được với nhau về mọi mặt, nhất là xây dựng được chuỗi cung ứng giữa các DN để tăng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Dự kiến thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh kết nối giữa hơn 1.000 DN trong các KCN, KCX, giúp các DN quản trị chuỗi cung ứng, bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử của KCN, KCX, kết nối 18 trang thương mại điện tử của 18 KCN, KCX, hướng đến  mục tiêu kết nối 2.000 – 5.000 nhà cung cấp với các DN trong KCN, KCX tại TP.HCM

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các DN Khu công nghiệp TP.HCM cho rằng, việc ứng dụng những thành tựu công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào trong quản lý, kinh doanh, sản xuất… hiện đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, KCN thông minh đang trở thành sự lựa chọn tối ưu của các DN với sự kết hợp giữa vật lý và kỹ thuật số, tâm điểm là internet giúp giải phóng con người khỏi một số công việc trong sản xuất và quản lý. Mục tiêu tăng cường công tác quản lý an ninh ra vào các khu vực làm việc, tòa nhà, và tạo công cụ giúp cho ban quản lý tương tác tốt hơn với toàn bộ “cư dân” đang sinh sống và làm việc KCN, đang được các cấp lãnh đạo KCN thông minh quan tâm đầu tư.

“Việc xây dựng hệ thống dịch vụ và môi trường hoàn hảo là một trong các lý do để các nhà đầu tư chọn lựa hợp tác đến với KCX, KCN hiện nay. Trong đó, việc áp dụng thẻ thông minh đa năng đang là lựa chọn phù hợp nhất và là minh chứng sống động để KCN giới thiệu với nhà đầu tư về hệ thống dịch vụ hỗ trợ nội khu, thu hút ngày càng nhiều hơn nữa các DN trong và ngoài nước đến với các khu công nghiệp thông minh”, ông Long chia sẻ.

Doanh nghiệp - Doanh nhân