CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Khu công nghiệp vẫn là kênh hút vốn FDI

Invest Global 08:55 17/07/2025

Theo các chuyên gia, bất động sản công nghiệp vẫn là kênh chủ đạo giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiệu quả, bất chấp biến động kinh tế thế giới.

KCN vẫn là kênh thu hút FDI. Ảnh minh hoạ: LT.Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng tích cực

Theo số liệu Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính đến ngày 30/6, vốn FDI thực hiện ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% và là con số cao nhất của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,66 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 2,8 lần cùng kỳ. Bắc Ninh đứng thứ hai với gần 3,15 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 7,1% so với cùng kỳ. TP.HCM đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,7 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ.

Theo Cục Thống kê, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2025. Đáng chú ý, vốn đầu tư điều chỉnh tăng gấp 2,2 lần và vốn góp, mua cổ phần tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2024. Cả số lượng dự án đầu tư mới, số lượt điều chỉnh vốn và giao dịch vốn góp, mua cổ phần đều tăng, phản ánh rõ nét niềm tin ngày càng được củng cố của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư không chỉ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến mới mà còn sẵn sàng mở rộng quy mô các dự án hiện hữu.

Kênh hút vốn FDI

Theo các chuyên gia, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam quý II ghi nhận hoạt động đàm phán và xúc tiến thủ tục đầu tư diễn ra ổn định bất chấp biến động thương mại toàn cầu, được thúc đẩy nhờ định hướng tập trung vào chất lượng và các chính sách ưu đãi đặc biệt của chính phủ. Sự kiện Hoa Kỳ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa của Việt Nam vào đầu tháng Bảy kỳ vọng cải thiện tâm lý nhà đầu tư, củng cố các giao dịch thuê từ nay đến cuối năm.

Ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam nhận định rằng, nhiều chính sách và quy định pháp lý liên quan đến BĐS công nghiệp đang được cập nhật liên tục, như quy trình cấp phép đặc biệt cho dự án công nghệ cao, điều chỉnh thuế Thu nhập Doanh nghiệp và quy định mới về thẩm quyền chấp thuận đầu tư.

"Những thay đổi này nhằm nâng cao minh bạch, rút ngắn thủ tục, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và hiện đại. Mặt tích cực, các biện pháp cải cách hành chính giúp Việt Nam tăng sức cạnh tranh khu vực và thu hút FDI chất lượng cao. Mặt khác, môi trường pháp lý biến động cũng đặt ra thách thức về tuân thủ. Các đơn vị phát triển và tư vấn cần liên tục cập nhật chính sách, đẩy mạnh dịch vụ tư vấn và hỗ trợ thủ tục đầu tư để kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp thuê đất trong giai đoạn này", chuyên gia của Avison Young Việt Nam phân tích.

Xét theo từng khu vực, thành phố lớn, trong nửa đầu năm, TP.HCM tiếp tục thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị công nghiệp.

Đơn cử, nhà máy Avery Dennison Worldon tại KCN Đông Nam (Củ Chi) khánh thành, nhấn mạnh xu hướng chọn lọc ngành nghề và thu hút đầu tư chất lượng cao. Trong hai năm tới, TP.HCM tập trung phát triển bốn KCN mới với tổng diện tích hơn 1.000 ha, trong đó KCN Phạm Văn Hai I và II dự kiến khởi công trong quý tới. Các KCN hiện hữu cũng sẽ được chuyển đổi thành khu công nghệ cao, sinh thái, tích hợp dịch vụ và logistics.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, một số KCN tại vị trí đắc địa như KCN Hòa Khánh, KCN Đà Nẵng hay KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng đã khai thác hết quỹ đất, phản ánh nhu cầu thuê tiếp tục tăng nhưng nguồn cung hạn chế.

Trong tháng 6, Đà Nẵng công bố quy hoạch Khu Thương mại Tự do và phê duyệt nhà đầu tư hạ tầng cho cụm công nghiệp Hòa Nhơn (24,75 ha), cho thấy định hướng vừa mở rộng nguồn cung tương lai vừa thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, tự động hóa và sản xuất xanh.

Nhu cầu thuê tại Hà Nội vượt xa quỹ đất có sẵn, nhất là phân khúc cao cấp, đạt tiêu chuẩn ESG và gần sân bay quốc tế, tạo ra áp lực cung ứng và gia tăng giá thuê. Trong quý 2, thành phố phê duyệt cụm công nghiệp công nghệ cao Mai Đình (66,54 ha) và khởi công cụm công nghiệp CN2 (50,6 ha), phản ánh nỗ lực duy trì sức cạnh tranh so với các tỉnh công nghiệp trọng điểm phía Bắc.

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield (C&W) Việt Nam nhận định, bất động sản công nghiệp tại Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI nhờ lợi thế cạnh tranh cực lớn.

"Sự kết hợp của ba yếu tố chi phí cốt lõi là lao động, điện và giá thuê bất động sản đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn trên bản đồ công nghiệp toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và logistics", bà Trang Bùi cho biết.

Theo chuyên gia của C&W, cập nhật lĩnh vực logistics và sản xuất công nghiệp của hơn 120 thị trường trên toàn thế giới cho thấy, giá thuê bất động sản công nghiệp ở Việt Nam năm 2025 đã tăng 70% so với năm 2019.

Bất chấp tăng mạnh như vậy, mức giá thực tế vẫn rất hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực. Cụ thể, giá thuê trung bình tại Hà Nội tương đương 5,3 USD/m2/tháng, và tại là TP.HCM là 4,9 USD/m2/tháng.

Nếu tính theo feet vuông như cách tính Hoa Kỳ, giá thuê trung bình tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt là 6 USD/ feet vuông/năm và 5 USD/feet vuông/năm.

Hoạt động logistics và sản xuất vẫn phụ thuộc đáng kể vào yếu tố con người. Nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công hợp lý là những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm đặt cơ sở, cũng như chiến lược vận hành, từ việc xác định công đoạn nào cần thực hiện tại chỗ đến mức độ đầu tư vào tự động hóa.

Tại Việt Nam, chi phí lao động hiện chỉ bằng chưa đến 25% mức lương trung bình toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam nằm trong nhóm có chi phí nhân công thấp nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, theo báo cáo mới nhất từ Cushman & Wakefield.

Đồng thời, nhu cầu sử dụng điện trong các kho logistics hiện đại ngày càng tăng, trong đó bao gồm hệ thống tự động hóa, quản lý thông minh, thiết bị xử lý vật liệu tiên tiến và xu hướng sử dụng xe điện. Điều này khiến chi phí vận hành trở thành một yếu tố ngày càng quan trọng trong bài toán đầu tư.